Tài sản của Saigonbank "bé hạt tiêu"
Kết thúc năm 2024, theo tổng hợp từ báo cáo tài chính và công bố từ khối ngân hàng Nhà nước và ngân hàng tư nhân, tổng tài sản các ngân hàng đã có sự tăng trưởng đáng kể với tổng tài sản chung đạt gần 19,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 16% so năm 2023.
Trong năm nay, tất cả các ngân hàng đều ghi nhận tăng mức tăng trưởng tổng tài sản dương và khả quan với mức dao động từ 5 - 32%.
Trong đó, LPBank tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng về tài sản lớn nhất trong kỳ với mức tăng 32,8% so với cùng kỳ lên 455.805 tỷ đồng, tuy nhiên, so với quý III/2024, ngân hàng này đã tụt xuống vị trí thứ 12, vẫn chưa thể lọt vào top 10 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất.
Kết thúc quý IV/2024, BIDV tiếp tục duy trì vị trí quán quân về tổng tài sản với 2,76 triệu tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 16% lên gần 2,1 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 15%, lên hơn 1,95 triệu tỷ đồng.
Nối tiếp BIDV là VietinBank với tổng tài sản đạt gần 2,39 triệu tỷ đồng, tăng 17,4% so với đầu năm. Trong đó, khoản cho vay khách hàng đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm cuối năm 2023. Tiền gửi khách hàng tăng 14% lên hơn 1,6 triệu tỷ đồng.
Vietcombank xếp thứ 3 với tổng tài sản tăng 14% so với đầu năm lên hơn 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 14% lên gần 1,45 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tại ngân hàng đạt hơn 1,51 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm.
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, lãnh đạo Agribank thông tin tổng tài sản của ngân hàng đạt 2,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 10%, qua đó thuộc top 10 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất và đứng cuối nhóm Big4.
Về phía ngân hàng tư nhân, trong quý này, MB tiếp tục dẫn đầu với tổng tài sản tăng 19,5% so với năm trước lên gần 1,13 triệu tỷ đồng.
Trước đó, trong quý III, ngân hàng này đã chính thức ghi tên mình vào danh sách các ngân hàng có tổng tài sản vượt mức 1 triệu tỷ đồng.
Bám sát sau MB là Techcombank với tổng tài sản tăng 15,2% so với đầu năm đạt 978.799 tỷ đồng. VPBank với mức tăng tổng tài sản 13% lên 923.848 tỷ đồng đứng ở vị trí thứ 6.
Các ngân hàng còn lại top 10 lần lượt là ACB với tổng tài sản 864.006 tỷ đồng; Sacombank với 748.095 tỷ đồng tổng tài sản và SHB khóa sổ top 10 với tổng tài sản 747.244 tỷ đồng.
Trong năm nay, "bé hạt tiêu" về tổng tài sản gọi tên Saigonbank khi có tổng tài sản và mức tăng trưởng tổng tài sản đều nhỏ nhất trong số các ngân hàng thương mại với 33.260 tỷ đồng, tăng 5,6%. Xếp trước đó là 2 ngân hàng khác có tổng tài sản chưa đạt mốc 100.000 tỷ đồng gồm PGBank (73.211 tỷ đồng) và KienlongBank (92.176 tỷ đồng).
Tiền gửi MB tăng trưởng mạnh nhất
Về tiền gửi khách hàng, năm 2024, đa số các ngân hàng đều ghi nhận mức tăng trưởng dương từ 4% đến %. Trong đó, MB ghi nhận mức tăng lớn nhất với 25,8% so với đầu kỳ lên 714.154 tỷ đồng.
Tiếp đó là NCB với tổng tiền gửi khách hàng 96.117 tỷ đồng, tăng 25,1% so với hồi cuối năm 2023. Tuy nhiên, đà tăng nhanh vẫn không giúp NCB lọt vào top 10 trong bảng xếp hạng tiền gửi ngân hàng trong quý IV/2024.
Cụ thể, theo công bố từ phía Agribank, nguồn vốn ngân hàng đã đạt trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 7,6%, đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng tiền gửi ngân hàng. BIDV đứng thứ 2 với với gần 1,93 triệu tỷ đồng tiền gửi, tăng 14,5% so với năm trước.
"Ông lớn" VietinBank xếp thứ 3 với tổng tiền gửi khách hàng tăng 13,8% so với năm trước lên 1,6 triệu tỷ đồng. Xếp cuối trong nhóm quốc doanh là Vietcombank với tổng tiền gửi tăng 8,1% lên gần 1,5 triệu tỷ đồng.
Về phía nhóm ngân hàng tư nhân, MB tiếp tục nắm giữ vị trí cao nhất, đứng thứ 5 sau nhóm quốc doanh với tổng tiền gửi tăng 25,4% lên 714.067 tỷ đồng. Theo sau đó là Sacombank với 561.741 tỷ đồng tiền gửi, tăng 10,9% so với năm trước.
Những cái tên đứng cuối bảng xếp hạng là ACB (539.140 tỷ đồng), Techcombank (536.746 tỷ đồng), SHB (496.106 tỷ đồng) và VPBank (485.736).
Trong kỳ, ngân hàng nữa có tiền gửi khách hàng giảm so với đầu năm là ABBank với mức giảm 9,3% xuống còn 90.730 tỷ đồng.