Cuối phiên thảo luận sáng 14/5, tiếp thu giải trình về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, đây là "dấu mốc lịch sử" của nền lập pháp Việt Nam.
Theo bà, lần đầu tiên sau gần 80 năm kể từ ngày thành lập nước, trên cơ sở chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội xem xét và sẽ quyết định thay đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp thu, giải trình. Ảnh: Như Ý
Giải trình, làm rõ một số vấn đề, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh, yếu tố xuyên suốt của dự thảo luật nhằm thay đổi nền hành chính địa phương, trong đó tập trung vào 4 yếu tố cơ bản.
Trước tiên, dự thảo luật sửa đổi xác lập chỉnh thể cấu trúc pháp lý của chính quyền địa phương 2 cấp trên nền tảng tuân thủ một số điều có liên quan đến Hiến pháp đang sửa đổi; thể chế hóa chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết 60 của Trung ương, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và một số chủ trương lớn của Đảng trong tổng thể cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.
Đồng thời, dự thảo luật cũng kế thừa, bổ sung và phân định rành mạch về phân cấp, phân quyền , ủy quyền. Theo Bộ trưởng Nội vụ, đây cũng là nội dung cốt lõi, với mục tiêu làm sao phân cấp, phân quyền, ủy quyền rõ giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó thúc đẩy sự chủ động, năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương theo phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Nội dung cốt lõi khác được Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh là minh định thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương cho phù hợp với yêu cầu quản trị địa phương trong tình hình mới và giai đoạn phát triển mới.
Nội dung căn bản thứ tư, theo tư lệnh ngành Nội vụ, lần sửa đổi này sẽ thiết lập đầy đủ, toàn diện cơ sở pháp lý để tháo gỡ tất cả khó khăn, rào cản, vướng mắc khi chuyển đổi chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp , gắn với việc thực hiện ngay phân cấp, phân quyền và ủy quyền theo chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.
Đề xuất Thủ tướng phê chuẩn chức danh chủ tịch UBND tỉnh
Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, dự thảo luật cần trao nhiều quyền hơn cho Chính phủ, Thủ tướng để đảm bảo điều hành linh hoạt, thống nhất trên toàn quốc.
Theo đại biểu đoàn Bình Dương, nếu giữ quyền điều động, cách chức chủ tịch UBND tỉnh của Thủ tướng Chính phủ, nên sửa đổi quy định về việc HĐND bầu chức danh này. Cụ thể, HĐND không bầu chức danh chủ tịch UBND tỉnh mà có thể giới thiệu để Thủ tướng phê chuẩn. Với các chức danh phó chủ tịch, thành viên khác của UBND tỉnh, ông đề nghị chủ tịch UBND tỉnh sẽ giới thiệu để HĐND phê chuẩn.