Nhắc đến chuyện mua nhà, mua đất hay nói chung là mua BĐS, phần lớn chúng ta sẽ phải vay mượn. Ít thì vay người thân, bạn bè, nhiều thì vay ngân hàng. Chứ để mua đất rồi xây được nhà mà không phải vay tiền, thì quả thực là chuyện không phải ai cũng làm được.
Gia đình trong câu chuyện dưới đây chính là một trường hợp thuộc nhóm "số hiếm" như vậy. Điều đáng nói hơn cả là họ không được ai cho tiền, cũng không đầu tư sinh lời gì nhiều, tất cả chỉ nhờ vào quản lý chi tiêu và tiết kiệm.
Xây nhà hết 9 tỷ xong vẫn dư còn 1,2 tỷ đồng tiền tiết kiệmTình hình tài chính và quá trình mua đất, xây nhà của cặp vợ chồng ở Hà Nội này có thể tóm tắt như sau:
- Trước năm 2020: Gia đình sống tại 1 căn chung cư, đây là tài sản mà người chồng đã mua trước hôn nhân.
- Cuối năm 2020: Vợ chồng cô góp tiền mua 1 mảnh đất trị giá 5 tỷ. Sau đó, tiếp tục xây nhà, hoàn thiện nội thất, lắp thang máy hết tổng cộng 4 tỷ. Tổng chi phí mà vợ chồng cô bỏ ra mua đất và xây nhà là 9 tỷ.
Ảnh minh họa
"Không vay mượn, không nợ nần ai, xây nhà xong mình vẫn còn dư 1,2 tỷ. Nhà chung cư cũ trước đây thì mình cho thuê được 7 triệu/tháng, khoản này mình giữ và mua vàng để dành cho chồng vì đây là tài sản của anh trước hôn nhân.
Từ lúc xây nhà xong đến giờ, mình đã tiết kiệm được thêm 1,5 tỷ đồng và 30 cây vàng. Hiện tại, mình mới nghỉ việc và chưa có ý định tìm việc mới. Muốn nghỉ ngơi chút vì mình cũng 40 tuổi rồi.
Trước đây còn đi làm thì hàng tháng, mình đều để ra 70% thu nhập chia làm 2 phần: 1 phần gửi tiết kiệm, 1 phần mua vàng. Mình rất kỷ luật trong việc tiết kiệm và thực hiện đều đặn hơn 20 năm qua. Thu nhập mình thì cao và ổn định, cao hơn chồng nữa nhưng mình nghĩ nếu không kiên trì tiết kiệm thì thu nhập cao cũng chưa chắc đạt được mục tiêu" - Cô viết.
Sau đó, cô cũng tiết lộ thêm rằng chi tiêu trung bình hàng tháng của gia đình cô luôn chỉ dao động trong khoảng 20-25 triệu đồng. 2 con đều học trường công lập. Trước dịch covid-19 thì gia đình đi du lịch khoảng 3-4 lần/năm. Sau đó thì tình hình kinh tế khó khăn, muốn tập trung tiết kiệm nên 1 năm chỉ đi du lịch 1-2 lần.
Đó là toàn bộ chia sẻ của cô về hành trình tích góp để có 9 tỷ đồng mua đất, xây nhà mà không phải vay mượn. Nhiều người đọc xong chỉ biết cảm thán!
"Nếu thực sự là không đầu tư, chỉ gửi tiết kiệm với mua vàng mà có 9 tỷ xây nhà không cần vay ai thì thu nhập của nhà chị chắc cũng thuộc hàng top. Vậy mà mỗi tháng chi 20-25 triệu, 1 năm đi du lịch 3-4 lần thì đỉnh quá. Không phải ai thu nhập cao cũng sống giản dị được như vậy. Đấy mới là điều em thấy nể ấy" - Một người bình luận.
"Thu nhập cao mà còn sống giản dị nữa thì đúng là đỉnh nóc kịch trần. Vợ lương cao, chồng tự mua được nhà trước khi cưới để cưới xong không phải đi thuê nhà. Cả 2 người đều giỏi, dù không biết mặt nhưng em vẫn thấy anh chị đẹp đôi quá" - Một người cảm thán.
Học được gì từ gia đình "đỉnh nóc kịch trần" này?1 - Sống giản dị vừa đủ dù thu nhập cao
Trong khi nhiều người có xu hướng nâng cấp lối sống sau mỗi lần tăng lương hay thăng chức, thì sự giản dị của gia đình này thật sự là điều đáng nể. Họ không đi theo lối mòn kiếm bao nhiêu tiêu chừng đó, không rơi vào "hố đen" lạm phát lối sống. Thu nhập cao cũng vẫn chỉ duy trì mức chi tiêu vừa đủ: 20-25 triệu/tháng cho cả gia đình 4 người.
Ảnh minh họa
Điều này không chỉ giúp họ có sức khỏe tài chính tốt, mà còn duy trì được lối sống ổn định, không bị cuốn vào áp lực vật chất. Sống giản dị không có nghĩa là thiếu thốn, mà là biết đủ, biết đâu là điều quan trọng cần ưu tiên, như giáo dục con cái hay tích lũy lâu dài thay vì đổ tiền vào những cuộc đua vô hình.
Có lẽ chính sự "biết đủ" ấy là nền tảng giúp họ có 9 tỷ xây nhà mà không phải vay nợ đồng nào.
2 - Tiết kiệm một cách bền bỉ
Điều đáng ngưỡng mộ không chỉ là mức lương cao hay lối sống giản dị, mà là sự kỷ luật trong cách tiết kiệm của người vợ: Đều đặn để ra 70% thu nhập trong suốt hơn 20 năm.
Việc tiết kiệm không chỉ là thói quen, mà đã trở thành một phần nếp sống, được duy trì kể cả khi đã có nhà, có vàng và có không ít tiền. Có lẽ chính sự kỷ luật ấy đã giúp cô vợ có thể thoải mái nghỉ ngơi, không cần bận lòng tới chuyện không đi làm thì không có tiền để duy trì cuộc sống.
3 - Đa dạng danh mục tiết kiệm
Một bài học tài chính quan trọng khác từ câu chuyện này chính là cách gia đình cô không "bỏ hết trứng vào một giỏ".
Ảnh minh họa
Thay vì chỉ gửi tiền vào ngân hàng, cô chia khoản tiết kiệm làm hai phần rõ rệt: Một phần gửi tiết kiệm để đảm bảo tính thanh khoản, một phần mua vàng để tích lũy lâu dài. Đây là chiến lược đơn giản nhưng hiệu quả, phù hợp với người không thích rủi ro mà vẫn muốn bảo toàn giá trị tài sản. Không đầu tư vào bất động sản hay chứng khoán, nhưng nhờ chia đều các kênh tiết kiệm an toàn, gia đình cô vẫn tăng trưởng tài sản đều đặn theo thời gian. Điều này một lần nữa cho thấy: Đầu tư không phải lúc nào cũng cần "chơi lớn", mà có thể bắt đầu bằng việc biết cách giữ tiền thông minh.