Cần biết

Cặp đôi tiết kiệm được 600 triệu và 2 cây vàng, soi 1 bức ảnh mà ai cũng khen

Admin

Cặp đôi này có mức thu nhập và cách quản lý tài chính đáng nể.

Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, bảng kế hoạch tài chính của cặp vợ chồng đã nhận được nhiều lời khen. Dù trẻ tuổi nhưng cặp đôi đã có thu nhập tốt, tuy nhiên đáng nói hơn là cách tiêu tiền khéo léo, sống tiết kiệm của họ để hướng tới mục tiêu dài hạn.

Hai vợ chồng chỉ tiêu 10 triệu/tháng

Được biết, cặp đôi gồm vợ (2000) kiếm được thu nhập 12-15 triệu/tháng, chồng (1999) kiếm được 45-60 triệu/tháng. Chồng đang ở nhà tại vùng ngoại thành Hà Nội, trong khi đó vợ vẫn sống ở trung tâm Hà Nội vì lý do công việc. Dự tính đến hết tháng 3/2025 thì người vợ sẽ nghỉ việc và dọn về sống cùng gia đình chồng.

Về mục tiêu tài chính, cặp đôi dự định xây nhà vào tháng 5/2025, chi phí khoảng 1,2 tỷ đồng (căn nhà 2 tầng 1 tum, tổng diện tích căn nhà là 180m2, diện tích 1 sàn là 80m2). Hiện cặp đôi có 600 triệu trong quỹ tiết kiệm. Tính đến thời điểm xây nhà, họ dự định có 700-800 triệu tiền mặt và 2 cây vàng. Số tiền xây nhà còn thiếu, họ sẽ vay họ hàng 200 triệu và bạn bè 100 triệu.

Đáng chú ý hơn cả là dù có mức thu nhập ổn, nhưng hiện tại cặp đôi chỉ tiêu vỏn vẹn khoảng 10 triệu/tháng. Các khoản chi tiêu hàng tháng của họ như sau:

- Chi tiêu của chồng: 5,3 triệu. Bao gồm: Tiền ăn trưa (1 triệu); Tiền ăn tối và chi phí đóng góp ở cùng chị gái (2 triệu); Tiền xăng xe (300 ngàn); Chi phí khác như mua đồ cho cháu, ăn vặt 2 vợ chồng, cafe, điện thoại: 2 triệu.

- Chi tiêu của vợ: 4 triệu. Bao gồm: Tiền nhà (1 triệu); Tiền ăn trưa (1 triệu); Tiền ăn tối (1 triệu); Chi phí khác (1 triệu).

Tình hình tài chính và mức chi tiêu hàng tháng của cặp vợ chồng

Người vợ cho biết thêm, mục đích mà cô chia sẻ bài đăng là muốn xin tư vấn có thể cắt bớt khoản chi tiêu nào để tiết kiệm chi phí xây nhà hay không. Bên cạnh đó, họ cũng muốn xin lời quyết về quyết định bán vàng để có tiền xây nhà và dự định mua bảo hiểm cho hai vợ chồng.

Trong phần bình luận của bài đăng, phần lớn mọi người đều dành lời khen cho mức thu nhập và cách quản lý tài chính của cặp đôi trẻ này này. Họ cũng dành những lời khuyên để hai vợ chồng sớm đạt được những mục tiêu tài chính đã đề ra.

Một số bình luận bên dưới bài đăng:

- "Lương hai em cao quá. Mà bằng tuổi 2 em, chị chưa có kế hoạch tài chính rõ ràng và tỉ mỉ như thế này đâu".

- "Vàng đang là đỉnh điểm rồi, bán trang trải mà thấy thiếu hãy vay em. Còn bảo hiểm thì cũng rất nhiều loại nhưng nếu có người thân quen làm trong ngành thì hẵng mua, có gì còn dễ chứ mua người ngoài đến lúc có gì toàn báo người đó đã nghỉ giờ người khác thay, rồi cứ ỉ nọ kia rất phức tạp... Mà theo mình thấy thừa tiền hãy mua bảo hiểm đấy. Còn với số tiền 1,2 tỷ mà xây nhà như bạn bảo thì không đủ đâu".

- "1. Chị nghĩ bán vàng sẽ ok hơn là vay nợ. Hiện giá vàng cũng đang cao rồi, vàng là 1 trong các kênh thanh khoản nhanh nhất, khi nào xây thì em bán.

2. Rất rất nên mua bảo hiểm cho trụ cột nhất là chồng em - người đang đem lại thu nhập chính cho gia đình, em nhé. Trong cuộc sống rủi ro là điều không ai mong muốn nhưng không ai đoán trước được. Chị sinh năm 99, hơn em 1 tuổi nhưng chị đã tham gia bảo hiểm 5 năm rồi và chị cũng có 2 con nhỏ đang dùng bảo hiểm đính kèm với hợp đồng của chị.

3. Chị thấy chi phí nhà em đang khá hợp lý rồi, chị nghĩ không cần cắt bớt và 2 vợ chồng đang tiết kiệm được một khoản rất ok hàng tháng, nếu duy trì được em sẽ sớm có tài sản tiếp theo thôi. Cái này chắc chị phải học tập em nè".

Ảnh minh hoạ

Vợ chồng nên lập kế hoạch tài chính như thế nào để mua được nhà?

Mua nhà là một trong những mục tiêu quan trọng nhất đối với nhiều cặp vợ chồng. Tuy nhiên, với mức giá bất động sản ngày càng tăng, việc sở hữu một căn nhà không phải là điều dễ dàng nếu không có kế hoạch tài chính rõ ràng. Để hiện thực hóa giấc mơ an cư, các cặp đôi cần xây dựng chiến lược tiết kiệm và đầu tư hợp lý. Dưới đây là những bước quan trọng giúp vợ chồng bạn sớm đạt được mục tiêu mua nhà.

- Xác định rõ ngân sách và mục tiêu tài chính

Trước khi bắt đầu tiết kiệm, vợ chồng cần xác định rõ loại nhà muốn mua và số tiền cần chuẩn bị. Ví dụ, một căn hộ chung cư tầm trung tại TP.HCM hoặc Hà Nội hiện có giá khoảng 2 - 3 tỷ đồng, trong khi nhà phố có thể từ 5 tỷ đồng trở lên.

Hầu hết ngân hàng hỗ trợ vay mua nhà với tỷ lệ khoảng 70-80% giá trị căn nhà, đồng nghĩa với việc hai vợ chồng cần có ít nhất 20-30% số tiền mua nhà trước khi vay. Ngoài ra, cần tính thêm các chi phí khác như phí trước bạ (0,5% giá trị nhà), phí công chứng, nội thất, sửa chữa không gian sống,... 

Để xác định khả năng chi trả, hai vợ chồng nên tính toán mức trả góp hàng tháng. Ví dụ, nếu vay 1,8 tỷ đồng trong 20 năm với lãi suất trung bình 8%/năm, số tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng khoảng 15 - 16 triệu đồng. Khi đó, bạn hãy tính toán chi phí với tổng thu nhập hàng tháng để đảm bảo đảm bảo khả năng trả nợ mà vẫn duy trì chi tiêu sinh hoạt hợp lý.

- Gia tăng quỹ tiết kiệm 

Tiết kiệm là yếu tố quan trọng giúp vợ chồng có đủ khoản tiền ban đầu để mua nhà, cũng như trả tiền lãi vay mua nhà hàng tháng. Một nguyên tắc phổ biến là bạn nên trích ít nhất 20-30% thu nhập hàng tháng để tiết kiệm. Ví dụ, nếu hai vợ chồng có thu nhập 30 triệu đồng/tháng, hãy dành ít nhất 6 - 9 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm.

Để tối ưu hoá hoá số tiền tích luỹ, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau: Mở tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn với lãi suất cao; tận dụng quỹ đầu tư an toàn như vàng, chứng chỉ quỹ; trích phần lớn các khoản thưởng Tết, thưởng quý và công việc phụ để bổ sung vào quỹ mua nhà thay vì chi tiêu hàng ngày.

- Giảm chi tiêu không cần thiết

Để tăng tốc độ tiết kiệm mua nhà, vợ chồng cần kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu hàng tháng và cắt giảm những khoản không thực sự cần thiết. Một trong những cách hiệu quả là hạn chế ăn uống bên ngoài, thay vào đó, bạn nên ưu tiên tự nấu ăn để giảm bớt chi phí và đảm bảo sức khỏe. 

Ngoài ra, việc mua sắm cũng nên có kế hoạch rõ ràng, tránh mua theo cảm xúc và chỉ tập trung vào những thứ thực sự cần thiết. Các cặp đôi có thể tối ưu hóa chi phí sinh hoạt bằng cách lựa chọn nơi ở phù hợp với thu nhập, thương lượng giảm giá khi thuê nhà hoặc tận dụng các chương trình ưu đãi khi thanh toán các dịch vụ thiết yếu. 

Những thay đổi nhỏ trong thói quen chi tiêu hàng ngày không chỉ giúp tiết kiệm một khoản đáng kể mà còn góp phần rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu sở hữu nhà riêng.