Cần biết

Chuyện mua ô tô: Xe là của mình, nhưng tiền lại của... ngân hàng

Admin

Mua ô tô liệu có phải quyết định tài chính đúng đắn?

Ngày càng nhiều người trẻ bước vào hành trình sở hữu ô tô, với tâm thế “lên đời”, “xứng đáng với bản thân”, hay đơn giản là “đỡ khổ khi mưa nắng”. Nhưng thực tế sau vô lăng lại không đơn giản như mơ: từ nợ nần, chi phí đội lên từng ngày, đến cảm giác hối hận vì quyết định “đầu tư lớn” này.

Lương dưới 20 triệu, vẫn quyết lái ô tô đi làm

Từng nghĩ ô tô là “vật phẩm nâng cấp cuộc sống”, T.M. (26 tuổi, làm văn phòng ở Hà Nội) mạnh dạn mua xe sau vài năm đi làm, dù thu nhập chỉ dưới 20 triệu/tháng. Chiếc xe cũ giá hơn 300 triệu, phần lớn là tiền vay mượn từ gia đình.

Cái giá phải trả? “Tiền xăng mỗi tháng gần bằng tiền ăn”, M. chia sẻ. Chưa kể các chi phí phát sinh như bảo dưỡng, phí gửi xe, bảo hiểm... đều “ngốn” gần hết lương. Cuối cùng, sau một năm “gồng gánh”, M. phải bán lại xe trong tiếc nuối, quay về với chiếc xe máy quen thuộc.

Ảnh minh hoạ

Lương vài chục triệu, vẫn stress vì ô tô

T.T. (28 tuổi, TP.HCM) chia sẻ từng tự hào khi có thể tậu một chiếc xe 600 triệu sau vài năm tích góp. Nhưng niềm vui không kéo dài lâu khi chi phí nuôi xe ngày càng tăng: chỉ riêng phí gửi xe tháng ở chung cư và chỗ làm đã hơn 2 triệu. Tiền xăng tăng theo giá thị trường. Phí bảo hiểm, bảo trì định kỳ, thay lốp... đều khiến anh “thở không nổi”.

“Mỗi lần xe hỏng là mỗi lần rút máu”, T. nói. Không ít lần anh muốn bán xe, nhưng tiếc công sức tích cóp. Chiếc xe giờ đây không còn là niềm tự hào, mà trở thành một gánh nặng tài chính.

Lương 15 triệu, liều mua xe 800 triệu để... chở con đi học

Câu chuyện của chị Q. (32 tuổi, Hà Nội) khiến nhiều người ngỡ ngàng. Thu nhập 15 triệu, nhưng chị vẫn vay mượn để mua chiếc xe 800 triệu vì lý do rất đời: “Mùa đông con lạnh, mùa hè nắng gắt, nên mình cố gắng để con đỡ vất vả”.

Tuy nhiên, khi thực tế “đập vào mặt”, chị mới thấy mình quá liều. Chưa trả xong nợ, tiền sinh hoạt trong nhà đã phải cắt giảm đủ đường. “Chỉ riêng tiền xăng và gửi xe mỗi tháng đã gần 4 triệu. Lỡ xe hỏng giữa đường thì vừa lo, vừa sợ không có tiền sửa”, chị chia sẻ.

Ảnh minh hoạ

Bài học tài chính rút ra sau vô lăng

Nếu đang tính chuyện mua xe, đặc biệt là mua bằng tiền vay hoặc khi thu nhập còn hạn chế, dưới đây là vài bài học đáng suy ngẫm:

1. Không nên dành quá 30% thu nhập hàng tháng cho chi phí nuôi xe

Chi phí này gồm xăng xe, gửi xe, bảo hiểm, bảo dưỡng... Nếu thu nhập không đủ “gánh” các khoản đó mà vẫn còn phải trả góp, thì mua ô tô rất dễ biến thành áp lực chứ không còn là niềm vui.

2. Có quỹ dự phòng ít nhất 6 tháng trước khi “xuống tiền”

Nhiều bạn trẻ dồn hết tiền tiết kiệm mua xe, để rồi “cháy túi” khi có sự cố bất ngờ. Việc có một quỹ dự phòng sẽ giúp bạn ứng biến khi xe hỏng, mất việc, hoặc phát sinh chuyện gia đình.

3. Tính hết chi phí ẩn trước khi quyết định

Giá xe chưa bao giờ là toàn bộ câu chuyện. Ngoài tiền mua xe, còn hàng loạt chi phí như phí trước bạ, bảo hiểm, chi phí lăn bánh, phí gửi xe hàng tháng, phí cầu đường, sửa chữa định kỳ… Tất cả đều “ăn mòn” thu nhập từng chút một.

4. Đừng để sĩ diện điều khiển quyết định tài chính

Ô tô không phải thước đo thành công. Mua xe để “không thua bạn bè”, “có cái hình đăng lên mạng” hay “đỡ quê khi chở người yêu” là những động lực có thể khiến bạn hối tiếc sau này. Mua ô tô không sai, nhưng cần đúng lúc.  Ô tô có thể là một bước tiến trong cuộc sống, nhưng không phải là thứ “phải có cho bằng bạn bằng bè”. Như chia sẻ của một dân mạng: “Không ai cấm bạn mơ ô tô, chỉ là đừng để giấc mơ đó biến thành nỗi lo mỗi sáng thức dậy”.