Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được khánh thành năm 1994. Vào thời điểm đó, đây từng là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á cho đến khi thủy điện Sơn La “soán ngôi” vào năm 2012.
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vẫn là một dấu mốc quan trọng trong những năm đầu xây dựng đất nước, phát triển kinh tế. Công trình này cũng là biểu tượng cho tình hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Liên Xô.
Năm 1979, khi chính thức khởi công công trình, ông Pavel Bogachenko được cử sang Việt Nam làm Tổng chuyên viên, trực tiếp điều hành xây dựng. Ông Bogachenko là một trong những chuyên gia có kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực xây dựng và điều hành công trình thủy điện lớn.
Thực tế, mặc dù năm 1979 mới chính thức khởi công công trình thủy điện Hòa Bình nhưng ngay sau khi thống nhất đất nước, chính phủ Việt Nam và Liên Xô đã trao đổi về vấn đề xây dựng các nhà máy thủy điện.
Năm 1975 ta thống nhất đất nước. Cả 2 miền Nam, Bắc đều lâm vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Ở miền Bắc chỉ có một số nhà máy nhỏ như nhà máy điện Vinh (công suất 8 MW), nhà máy điện Hàm Rồng (6 MW), nhà máy điện Lào Cai (8 MW)... Đây là các nhà máy đầu tiên và cũng do Liên Xô giúp đỡ xây dựng.
Sau đó thì có một số nhà máy nhiệt điện lớn hơn như nhà máy nhiệt điện Uông Bí, nhà máy Phả Lại và nhà máy thủy điện Thác Bà, sau này thì nâng cấp lên 120 MW nhưng thời điểm 1972 - 1973 chỉ có công suất 108 MW. Vì vậy, thủy điện Hòa Bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng là đáp ứng sự đòi hỏi phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Năm 1982, ông Bùi Thức Khiết về nước sau khi học về quản lý kinh tế ở Liên Xô và được phân công về công tác tại Vụ Xây dựng cơ bản thuộc Bộ Năng lượng.
Sau khi thống nhất, tinh thần tái thiết sục sôi trên khắp cả nước. Có chung hoài bão được tham gia vào xây dựng đất nước, ông Khiết đề xuất với lãnh đạo Bộ Năng lượng thời điểm đó để được lên Hòa Bình tham gia xây dựng nhà máy thủy điện, một trong những công trình lớn nhất của cả nước vào thời điểm đó.
Ông Thái Phụng Nê, Trưởng ban quản lý xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình lúc bấy giờ, tán thành ngay. Vậy là năm 1982, sau khi trở về Việt Nam, ông Khiết đã ngay lập tức lên công trình thủy điện Hòa Bình, vào thời điểm chuẩn bị ngăn sông đợt 1.
Thời điểm đó, Liên Xô là một trong những nước mạnh về thủy điện cũng như về hệ thống điện, đã giúp Việt Nam rất nhiều. Chuyên gia Liên Xô giúp đỡ tất cả từ công tác khảo sát, thiết kế cho đến cung cấp thiết bị rồi chỉ đạo xây dựng…
Ngay từ khi khởi công vào ngày 6/11/1979, đã có 186 chuyên gia Liên Xô đang làm việc ở công trình. Sau này, vào thời kỳ cao điểm có khoảng là 800 chuyên gia Liên Xô làm việc. Cộng thêm gia đình nữa thì có khoảng 2000 người Liên Xô sống ở Hòa Bình, ông Khiết nhớ lại.
Với ông Khiết, có thể nói người Liên Xô coi việc xây dựng thủy điện Hòa Bình như là một nghĩa vụ thiêng liêng của họ. Trong số những người đã hy sinh trong quá trình xây dựng thủy điện Hòa Bình, có 11 chuyên gia Liên Xô.
Tất cả những công việc nào mà khó khăn, chuyên gia Liên Xô đều có mặt. “Họ nhảy vào làm từ đục đá cho đến chỉ huy cả một công xưởng”, ông Khiết nhớ lại.
“Quá nhiệt tình! Không có ai như người Liên Xô! Họ coi công việc đó như là công việc của chính mình, của đất nước mình. Khi nào có vấn đề gì xảy ra họ không bao giờ trốn tránh trách nhiệm”, ông Khiết nói.
Trong quá trình xây dựng, đã có 11 chuyên gia Liên Xô hy sinh vì tai nạn lao động. Ông Khiết vẫn còn nhớ, khi chuyên gia Liên Xô đầu tiên hy sinh tại thủy điện Hòa Bình, mọi người cũng coi đó sư sự mất mát chính người Việt Nam mình.
Năm 1994, ông Khiết quyết định xây đài tưởng niệm những người đã hy sinh trong quá trình xây dựng thủy điện Hòa Bình, trong đó có cả 11 chuyên gia Liên Xô này.
“Tôi nghĩ rằng trong mọi lĩnh vực thì nhân dân Liên Xô cũng như là Chính phủ Liên Xô, Đảng Cộng sản Liên Xô ngày xưa rất chân tình đối với Việt Nam”, ông Khiết nói.
Khi tiến hành lắp tổ máy số 4 của nhà máy thủy điện Hòa Bình, các chuyên gia phát hiện thiếu mất 3 trong 6 nan hoa để tạo thành một tổ máy. Tất cả các thiết bị đều do Liên Xô chế tạo và cung cấp. Hành trình của các thiết bị sẽ là đi đường tàu hỏa về Odessa rồi bằng đường tàu biển về tới Hải Phòng; từ Hải Phòng mình mới chuyên chở về Hòa Bình bằng sà lan hoặc bằng tàu kéo.
“Ba nan hoa, mỗi cái nặng 22 tấn, không hiểu thất lạc đi đâu mất”, ông Khiết kể lại.
Trong cuộc họp giao ban, ông Tổng chuyên viên Bogachenko giao nhiệm vụ cho ông Khiết phải tìm bằng được 3 cái nan hoa.
Ông Khiết sang Liên Xô, bắt đầu từ nhà máy chế tạo. Đi đến đâu mấy ông quản đốc và trưởng ngành đều chuẩn bị đầy đủ giấy tờ từ quy trình xuất xưởng cho đến khi 6 chiếc nan hoa được gửi lên tàu, không hề sai sót. Ông Khiết tiếp tục ra cảng Odessa, đến phòng điều độ, đòi ra tận hiện trường kho bãi. Tới nơi, ông thấy khu cảng như một mớ bòng bong với hàng hóa, thiết bị ngổn ngang.
Ông Khiết liền nghĩ ra một cách. Ông đăng tin treo thưởng 1000 Rúp cho ai tìm được 3 cái nan hoa. 1000 Rúp là một khoản tiền lớn. Lương kỹ sư mới ra trường lúc đó chỉ có 140 Rúp.
“Hồi ấy đi Liên Xô cũng mang quần bò, áo phông đi bán được vài nghìn Rúp trong túi, tôi mạnh dạn treo thưởng 1000 Rúp”, ông Khiết kể.
Vừa thông báo xong, đến khi về tới khách sạn, ông đã thấy lễ tân thông báo có điện thoại gọi tới cho ông Khiết. “Ông trưởng phòng điều độ nói đã tìm thấy rồi! Tôi lại nhảy lên xe, quay ra cảng luôn”, ông Khiết nói. Nhận 3 chiếc nan hoa, ông Khiết yêu cầu phải gửi ngay trong chuyến tàu sớm nhất. Vậy là 3 chiếc nan hoa về được đến Hòa Bình để tiến hành lắp đúng tiến độ.
Không chỉ giải quyết được vấn đề phát triển kinh tế rất lớn của đất nước, công trình thủy điện Hòa Bình còn mang ý nghĩa lớn về mặt khoa học kỹ thuật. Tham gia vào công trình thủy điện Hòa Bình cũng như đường dây 500 kV, cán bộ, công nhân viên, các kỹ sư của Việt Nam tiếp cận được với khoa học kỹ thuật ở trình độ cao của thế giới từ các chuyên gia Liên Xô.
Vào thời điểm năm 1994, nhà máy thủy điện Hòa Bình là một nhà máy ngầm rất hiếm hoi ở trên thế giới có tổng công suất gần 2000 MW.
Thủy điện Hòa Bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng là giải quyết tình trạng thiếu điện trên cả nước. Nhưng trong bối cảnh chung là cả 2 miền đều trong tình trạng thiếu điện, nếu không thể kết nối với miền Nam, thì lượng điện của thủy điện Hòa Bình chỉ phục vụ được cho miền Bắc, trong khi nhu cầu của miền Bắc cũng không thể tiêu thụ hết lượng điện này, ông Khiết cho hay.
Vì lý do đó, chúng ta tiếp tục tập trung xây dựng đường dây 500 kV để truyền tải điện cho miền Nam. Đây là một nhiệm vụ vô cùng phức tạp, cả về mặt kỹ thuật và thực tiễn, đi qua các địa hình khác nhau từ rừng núi rồi sông ngòi…, ông Khiết nhớ lại.
Đến năm 1994, chúng ta đồng thời hoàn thành công trình thủy điện Hòa Bình và hòa điện giữa hai miền Nam - Bắc bằng đường dây 500 kV tại Đà Nẵng.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình và đường dây 500 kV “khớp” với nhau vào cùng thời điểm đã đảm bảo cho việc thống nhất toàn hệ thống điện và cung cấp điện của thủy điện Hòa Bình tới tận mọi miền hẻo lánh nhất của miền Nam. Thủy điện Hòa Bình và đường dây 500 kV đã mang lại hiệu quả lớn. Đây là một thành tựu có thể nói là cực kì lớn và có ý nghĩa quyết định, ông Khiết nói thêm.
Hệ thống điện 500 kV và nhà máy thủy điện Hòa Bình vào thời kỳ đó cũng là tầm cỡ “nhất nhì trên thế giới”, ông Khiết nói.
Qua giai đoạn xây dựng thủy điện Hòa Bình, ngành điện của Việt Nam là có một bước phát triển rất mạnh. Sau công trình này, cán bộ của ta tiếp tục tỏa đi xây dựng những công trình thủy điện lớn hơn như Sơn La, Lai Châu, Yaly, Trị An...
Lan Hương