"NHÀ BĂNG"

Cơ hội nào cho các công ty bảo hiểm nhân thọ “Made in Vietnam”?

Admin

Việc thúc đẩy sự thành lập và phát triển của các công ty BHTN “made in Vietnam” không chỉ giúp tạo thế cân bằng trong cạnh tranh mà còn mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) tại Việt Nam đã có gần 30 năm phát triển với nhiều đóng góp cho nền kinh tế. Tuy vậy đến nay, phần lớn “sân chơi” này đang do các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài chi phối. Ngoài Bảo Việt Nhân Thọ (thuộc Tập đoàn Bảo Việt) là công ty duy nhất sở hữu 100% vốn nội địa, 18 doanh nghiệp còn lại đều là công ty 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh.

Bức tranh thị trường bảo hiểm nhân thọ: “Sân nhà” nhưng doanh nghiệp nước ngoài chiếm ưu thế

Tháng 8/1996 đánh dấu cột mốc đầu tiên của thị trường BHNT Việt Nam khi hợp đồng BHNT đầu tiên được phát hành. Sau gần 3 thập kỷ, ngành bảo hiểm nhân thọ đã có những đóng góp nhất định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng tích lũy, đầu tư cho nền kinh tế và hỗ trợ an sinh xã hội.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có 19 công ty BHNT, nhưng chỉ có duy nhất Bảo Việt Nhân Thọ là doanh nghiệp 100% vốn nội địa. Hơn 90% thị trường vẫn do các công ty nước ngoài chi phối, với những cái tên lớn như Prudential (Anh), Manulife (Canada), Dai-ichi Life (Nhật Bản), AIA (Hong Kong), Chubb Life (Mỹ)...

Thống kê từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, tính đến cuối 2024, ngành BHNT ghi nhận tổng doanh thu hơn 149 nghìn tỷ đồng. Nhóm 5 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn nhất đang nắm giữ khoảng 76% thị phần, trong đó Bảo Việt Nhân Thọ là doanh nghiệp quốc nội duy nhất trong top 5 với 23,1% thị phần. Các công ty ngoại, bao gồm Manulife, Prudential, Dai-ichi Life, AIA, nhờ lợi thế về tài chính, kinh nghiệm, khả năng đầu tư đổi mới công nghệ và hệ thống phân phối mạnh, đang chiếm lĩnh thị trường.

Mô hình bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) cũng góp phần giúp các công ty nước ngoài mở rộng thị phần nhanh chóng nhờ vào các hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với các ngân hàng trong nước. Điều này tạo lợi thế cho họ, nhưng đồng thời đặt ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn kinh doanh bảo hiểm nhân thọ trong môi trường đầy khốc liệt này.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ hứa hẹn sôi động hơn trong thời gian tới

Vì sao nền kinh tế cần có thêm các doanh nghiệp BHNT nội?

Bảo hiểm nhân thọ không chỉ giúp người dân dự phòng rủi ro tài chính mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn và tái đầu tư vào nền kinh tế. Cũng theo Hiệp hội, các doanh nghiệp bảo hiểm tái đầu tư vào nền kinh tế hơn 850.075 tỷ đồng, tương đương 7,4% GDP 2024. Nếu có nhiều công ty BHNT trong nước tham gia sâu hơn vào thị trường, phần lợi nhuận này sẽ được tái đầu tư vào nền kinh tế dự kiến nhiều hơn, thay vì “chảy” ra nước ngoài qua các công ty mẹ.

Dù nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã tham gia thị trường BHNT thông qua bancassurance, nhưng số lượng ngân hàng trực tiếp sở hữu một công ty BHNT vẫn còn rất hạn chế. Thực tế cho thấy, các tập đoàn tài chính, ngân hàng lớn trên thế giới đều phát triển theo mô hình hệ sinh thái, có sự tích hợp giữa ngân hàng, bảo hiểm cũng như công ty thuộc các lĩnh vực khác để cung cấp giải pháp tài chính toàn diện. Điều này giúp tối ưu trải nghiệm khách hàng, tận dụng mạng lưới khách hàng sẵn có để thiết kế các sản phẩm bảo hiểm phù hợp.

Hơn nữa, khi có nhiều doanh nghiệp BHNT “made in Vietnam” tham gia vào thị trường không chỉ làm đa dạng hóa sản phẩm mà còn cải thiện chất lượng dịch vụ. Các công ty trong nước sẽ hiểu rõ hơn về thói quen tài chính, tập quán tiêu dùng của người Việt, từ đó phát triển các sản phẩm phù hợp hơn. Chi phí vận hành được tối ưu hơn do không phải chịu các chi phí phát sinh từ công ty mẹ ở nước ngoài, nhờ đó sẽ tối ưu được quyền lợi hơn cho khách hàng.

Thách thức nào đang cản bước doanh nghiệp Việt?

Tuy vậy, một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp quốc nội khi tham gia kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là yêu cầu về vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng theo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2023. Đây là con số không nhỏ mà không phải doanh nghiệp nội địa nào cũng dễ dàng tiếp cập để gia nhập thị trường. Cộng với đó là áp lực từ các công ty ngoại đã có chỗ đứng vững chắc khiến cho sự cạnh tranh lại càng trở nên khó khăn hơn.

Chưa kể, sau những sự vụ “khủng hoảng niềm tin” trong thời gian vừa qua càng khiến khách hàng Việt dè dặt hơn đối với các sản phẩm bảo hiểm. Dù năm 2022, trung bình một người Việt Nam chi khoảng 2,5 triệu đồng/năm cho bảo hiểm – tăng gấp đôi so với năm 2017, nhưng niềm tin thị trường vẫn cần thời gian để phục hồi.

Cơ hội cho các công ty bảo hiểm nhân thọ “Made in Vietnam”

Dù thị trường bảo hiểm nhân thọ đã chính thức xuất hiện tại Việt Nam gần 30 năm nhưng đây vẫn là một ngành khá non trẻ so với bề dày lịch sử ngành bảo hiểm nhân thọ thế giới. Theo thống kê, hiện chỉ 11% dân số tham gia BHNT, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (14%), Malaysia (17%), Singapore (30%)... Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng còn rất lớn, và thị trường cho các doanh nghiệp nội địa vẫn còn dồi dào nếu có chiến lược tiếp cận khách hàng hiệu quả.

Xu thế hiện nay, nhiều ngân hàng trong nước đang tiến tới việc mở rộng hệ sinh thái tài chính với kế hoạch sở hữu công ty bảo hiểm nhân thọ riêng. Với tiềm lực tài chính mạnh, mạng lưới khách hàng rộng khắp và chuyển đổi số mạnh mẽ, các ngân hàng có thể khai thác insurtech (công nghệ bảo hiểm) để số hóa sản phẩm, tối ưu chi phí vận hành và tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn.

Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ đặt mục tiêu doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm, quy mô đạt 3,3% - 3,5% và phấn đấu đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Điều này không chỉ tạo tiền đề cho một thị trường BHNT bền vững mà còn mở ra cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước phát triển, từng bừng cạnh tranh sòng phẳng và tạo thế cân bằng cho các công ty "made in Vietnam" phát triển ngay trên chính sân nhà.