ĐẦU TƯ

Đề xuất 'giảm trừ đặc biệt' cho giáo dục, y tế trong Luật Thuế thu nhập cá nhân mới

Admin

Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) để trình Quốc hội vào tháng 10 tới. Cơ quan này cũng sẽ báo cáo bổ sung một số khoản “giảm trừ đặc biệt", nhằm hỗ trợ người dân về giáo dục, y tế.

Theo Nghị quyết 191 của Chính phủ, mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế sẽ được nghiên cứu, xây dựng dựa trên tiêu chí thu nhập, điều kiện kinh tế - xã hội và sự khác biệt giữa các vùng miền. Bộ Tài chính dự kiến hoàn thiện dự thảo luật, trình Chính phủ tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật vào tháng 7.

Tại họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính dự kiến sẽ sửa đổi tổng thể các quy định của Luật Luật thuế thu nhập cá nhân , trong đó tập trung vào 6 nội dung chính.

Ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.

Một trong những nội dung rất quan trọng, theo ông Tuấn, là nghiên cứu nhằm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để có thể phản ánh đúng, phản ánh kịp thời sự thay đổi về mức sống dân cư, sự thay đổi về các chỉ số kinh tế vĩ mô cũng như các vấn đề có liên quan.

Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội bổ sung các quy định liên quan việc cho phép được giảm trừ một số khoản “giảm trừ đặc biệt”, nhằm thúc đẩy sự phát triển, hỗ trợ người dân trong một số lĩnh vực như giáo dục, y tế.

Ông Tuấn nói thêm: “Thay vì quy định mức thu nhập chịu thuế cứng trong luật thì có thể Quốc hội giao Chính phủ quy định về việc này, nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như xu thế phát triển trong từng giai đoạn”.

Biểu thuế lũy tiến được xem xét thiết kế lại từng phần, đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, theo hướng thu gọn bậc thuế (hiện tại, trong biểu thuế đang có 7 bậc). “Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) hiện đã bám sát được tiến độ Chính phủ giao nhằm đảm bảo kịp trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2025 tới đây”, ông Tuấn thông tin.

Hàng hoá, dịch vụ liên tục tăng giá, chi phí tăng trong khi mức giảm trừ gia cảnh giữ nguyên từ năm 2020 đến nay đã bào mòn thu nhập của người làm công ăn lương . Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, điều này gây ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc con cái, chăm lo gia đình, đặc biệt là học hành, chữa bệnh - những nhu cầu thiết yếu rất khó giảm. Vì vậy, việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là rất cấp bách.

Đề xuất bổ sung các khoản giảm trừ đặc biệt đối với chi phí y tế và giáo dục.

Ông Tú cũng đề xuất cho phép khấu trừ thêm với các khoản chi lớn trong cuộc đời người dân, như học phí, chi phí chữa bệnh, mua nhà lần đầu, hoặc thuê nhà dài hạn. Đây là những chi phí thiết yếu cần được chia sẻ. Các chi phí cơ bản hằng ngày như nuôi con, ăn uống, sinh hoạt có thể tính trong giảm trừ gia cảnh; Ba khoản lớn nhất (gồm học hành, y tế, nhà ở) cần được tách biệt và hỗ trợ tốt hơn.

"Chính sách thuế cần thật sự khuyến khích, động viên người lao động, chia sẻ gánh nặng để họ có điều kiện tích lũy, đầu tư cho tương lai con cái, chăm lo cha mẹ già”, ông Tú khuyến nghị.

Tại Nghị quyết 191 Chính Phủ giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện quy định mức giảm trừ gia cảnh, dựa trên đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người nộp thuế, phù hợp tình hình kinh tế - xã hội , đồng thời tính đến chênh lệch thu nhập của người dân giữa các khu vực.

Chính sách mới hướng tới việc phân cấp mạnh hơn, trao quyền cho Chính phủ quy định chi tiết những nội dung chưa ổn định hoặc cần điều chỉnh linh hoạt theo thực tiễn.