Khi bố mẹ còn sống, người ta vẫn còn nơi để đến; khi bố mẹ mất đi, người ta chỉ còn con đường về nhà.
Bố mẹ còn, nhà cũng còn. Trong những dịp lễ Tết, người ta thường trở về quây quần cùng với bố mẹ, nhìn thấy nụ cười của họ, thưởng thức những bữa cơm ngon lành, cả gia đình quây quần bên nhau. Đó là cảnh tượng giản dị nhất nhưng đôi khi cũng xa xỉ nhất, nhiều người chỉ có thể tìm thấy trong giấc mơ.
Bởi lẽ cuộc sống có bắt đầu sẽ có kết thúc, sinh - lão - bệnh - tử là quy luật tất yếu của đời người. Bố mẹ cũng sẽ già đi rồi đến một ngày sẽ rời khỏi thế gian. Và khi con cái trở về, căn nhà vẫn còn đó nhưng người thì không, khiến họ không khỏi xúc động.
Đây chính là câu chuyện của Tiểu Minh - một cô gái đến từ tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Cô sinh ra ở ngôi làng nhỏ, khi lớn lên thì rời nhà lên thành phố học đại học và ở lại đây lập nghiệp. Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, cuối cùng cô cũng ổn định cuộc sống, chưa mua được xe nhưng cũng đã tự mua một căn hộ nhỏ.
Gia đình cô có 3 chị em gái, 2 chị đều đã lấy chồng và cũng sống ở xa. Trước đây mỗi dịp lễ Tết, cả 3 chị em đều tranh thủ về thăm bố mẹ. Từ khi chuẩn bị về, họ đã gọi điện thông báo đồng thời mua nhiều quà cho bố mẹ. Bố mẹ thì khỏi phải nói, vô cùng mừng rỡ, mua đồ ăn và làm rất nhiều món ăn mà các con thích. Cả gia đình quây quần ăn uống và trò chuyện vui vẻ.
Năm ngoái, bố mẹ cô lần lượt qua đời vì bệnh nặng chỉ trong vòng 1 năm. Quá nhiều mất mát khiến cô khó chấp nhận sự thật nên trong dịp nghỉ lễ gần đây, cô gái vẫn vượt hơn 1000km về quê vì nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Nhưng đón cô không phải bữa cơm nóng hổi của bố mẹ mà là căn nhà lạnh lẽo.
Căn nhà trở nên hoang tàn sau khi bố mẹ qua đời
Sau khi bố mẹ qua đời, căn nhà và khoảng sân dường như cũng không còn sức sống nữa. Cô gái không hề nhớ ngôi nhà đã cũ nát, cánh cửa mục ruỗng thế này. Khoảng sân gắn liền với tuổi thơ của cô cũng bị cỏ dại xâm chiếm, khiến cảnh tượng trở nên hoang tàn. Ngồi trên bậc thềm, nhớ lại cảnh tượng hạnh phúc trước kia, cô không khỏi xúc động và bật khóc.
Ngồi trong sân, từng mảnh ký ức quá khứ khi bố mẹ còn sống cũng lần lượt hiện về trong đầu cô gái. Lúc đó cô vẫn chỉ là một cô bé, đang vui chơi và cười đùa với các chị trong sân. Cuộc sống khi đó nhiều khó khăn, không được đủ đầy như bây giờ nhưng họ đều là những đứa trẻ hạnh phúc, vô tư và vui vẻ.
Tiểu Minh cũng không khỏi xót xa khi nhớ đến chuyện chỉ mới năm ngoái đây thôi, gia đình vẫn còn đầy đủ thành viên. Bố cô ngồi uống trà nói chuyện với 2 người con rể về công việc, cuộc sống. Ánh mắt mẹ cô vẫn ngập tràn hạnh phúc khi nhìn thấy những đứa cháu - con của chị gái cô chạy lẫm chẫm trong sân.
Cuối cùng không thể chịu đựng được sự đau lòng khi nhớ lại kỷ niệm trong quá khứ, Tiểu Minh vội vàng quay lại thành phố ngay lập tức.
Khoảng sân đầy ắp kỷ niệm nay cỏ mọc um tùm, cánh cửa khép hờ và tường nhà tróc từng mảng
Sau khi nghe tâm sự của cô gái, nhiều người cũng bày tỏ sự đồng cảm. Họ cho rằng khi trở về nhà từ nơi đất khách quê người, họ đi khắp nơi trong nhà để tìm nhưng chẳng thấy bố mẹ đâu, căn nhà chỉ còn là bộ khung mục ruỗng nên vô cùng đau lòng.
Những khoảnh khắc gia đình hạnh phúc ấy đã qua đi mãi mãi, chỉ còn lại hình ảnh mờ nhạt trong ký ức. Theo thời gian, nỗi khao khát tình cảm gia đình, nỗi buồn sẽ ngày càng mãnh liệt hơn.
Thực ra mỗi người trong cuộc đời bạn đều là khách qua đường, dù đó là bố mẹ hay con cái thì cũng sẽ chỉ đồng hành một thời gian, không thể đi cùng đến cuối đời. Nhất là với những đứa con đang sống xa nhà như làm việc ở thành phố còn bố mẹ sống ở quê, số lần gặp gỡ của bạn với bố mẹ sẽ không còn nhiều, đủ sức gây giật mình nếu nghiêm túc tính toán.
Cùng với đó, giống như Tiểu Minh cảm nhận, khi bố mẹ còn sống thì căn nhà ấm áp nhưng bố mẹ không còn nữa thì cảm giác thật hoang vắng. Thậm chí nó có thể trở nên đổ nát, mọc đầy cỏ dại đến mức không thể nhận ra, khiến người ta cảm thấy buồn bã.
Vì vậy hãy dành thời gian cho bố mẹ và người thân bất cứ khi nào có thể, trân trọng từng khoảnh khắc ở bên họ, đừng bao giờ quên nguồn cội và đừng gây ra chuyện gì để sau này phải hối tiếc nhé!
(Nguồn: Baidu)