Ra trường được vài năm, có công việc ổn định, mức lương tăng dần theo thời gian, nhưng nhiều người trẻ vẫn rơi vào tình trạng “làm bao nhiêu, hết bấy nhiêu”. Với thói quen chi tiêu không kế hoạch và tâm lý “sống cho hiện tại”, họ lạc quan bước vào đời nhưng chợt hoang mang khi nhận ra: Sau 5 năm đi làm, tài khoản tiết kiệm vẫn chỉ là con số 0.
Lương gần 20 triệu/tháng nhưng tài khoản chỉ còn hơn 300 ngàn đồng
Nguyễn Hoài Phương (29 tuổi, nhân viên truyền thông ở TP.HCM) từng tin rằng chỉ cần chăm chỉ đi làm và nhận lương đầy đủ hàng tháng là có thể sống thoải mái, thậm chí dư dả. Nhưng 5 năm trôi qua, Phương giật mình nhận ra: “Mình không có bất cứ khoản tiết kiệm nào. Chỉ cần ốm một trận, nghỉ làm một tuần, là ngay lập tức xoay xở không kịp”.
Phương từng làm freelancer với thu nhập dao động từ 15–20 triệu đồng/tháng. Có tháng cao điểm, cô kiếm tới gần 25 triệu. Nhưng vì không có ý thức tiết kiệm, tiền kiếm được đều trôi đi qua các khoản chi như ăn uống, shopping, đi du lịch và mua sắm công nghệ.
“Ban đầu, mình nghĩ tuổi trẻ thì nên sống hết mình, đi đây đó, đầu tư cho trải nghiệm. Có tháng mình bỏ ra gần 10 triệu đồng chỉ để đi du lịch Đà Lạt 4 ngày. Mình luôn tự nhủ rằng 'cứ kiếm được tiền là tiêu thoải mái', vì nghĩ tiền mình làm ra thì mình được quyền dùng theo ý mình”, Phương kể.
Ảnh minh hoạ
Nhưng đến năm 29 tuổi, một lần gặp tai nạn xe máy nhẹ, phải nghỉ việc gần một tháng, Phương bắt đầu cảm thấy lo lắng thật sự.
“Khi đó, mình chỉ còn vài trăm nghìn trong tài khoản. Tiền sinh hoạt nhờ bạn thân ứng trước, thuốc men thì xin tạm mẹ gửi lên. Mình sốc khi nhận ra: 5 năm đi làm, từng kiếm không ít tiền, nhưng không hề có bất kỳ khoản dự phòng nào”, Phương thở dài.
Thu nhập tăng nhưng tài khoản vẫn đứng yên
Đó là câu chuyện của Trần Hữu Đạt (27 tuổi), nhân viên kỹ thuật công nghệ tại Hà Nội. Anh chàng cho biết: “Mình không tiêu hoang, không ham hàng hiệu, không đi du lịch nhiều. Nhưng lạ là vẫn không để dành được tiền”.
Đi làm từ năm 22 tuổi, đến nay, Đạt có thu nhập khoảng 18 triệu đồng/tháng. Nhưng mỗi cuối tháng, ví lại trống không. Nguyên nhân, theo anh, là do "Lifestyle Inflation" - tức là mức sống tăng theo thu nhập.
“Hồi mới đi làm, mình chi tiêu tiết kiệm lắm vì lương thấp, có 6–7 triệu/tháng. Nhưng khi lương tăng, mình bắt đầu ăn ngoài nhiều hơn, thuê nhà rộng hơn, nâng cấp điện thoại, đổi xe, rồi góp tiền mua quần áo tốt hơn, mua nước hoa… Mỗi khoản không quá lớn nhưng cộng lại thì gần hết tiền lương mỗi tháng”, anh chia sẻ.
Đạt từng nghĩ cứ đến tháng có lương là mọi việc sẽ ổn. Nhưng khi bị chậm lương 2 tháng do công ty gặp khó khăn tài chính, anh mới thấy hoảng.
“Lúc ấy mình bắt đầu đi vay bạn bè vài triệu đồng để sống qua ngày. Lúc đó mới thấy cay đắng vì chẳng có đồng nào để dự phòng. Nếu có một khoản tiết kiệm nhỏ, 10 triệu thôi, thì ít nhất mình không phải đi mượn người khác”, Đạt nói.
Ảnh minh hoạ
Tiêu sạch lương mỗi tháng vì nghĩ: “Mình còn trẻ, lo làm gì”
Với Bảo Vy (26 tuổi), nhân viên thiết kế tự do, chuyện không có tiền tiết kiệm là điều “bình thường như cơm bữa” trong suốt 4 năm đi làm.
Vy làm freelance toàn thời gian, thu nhập dao động từ 12–16 triệu đồng/tháng. Nhưng cô thú nhận mình chưa bao giờ giữ lại được một khoản nào cố định trong tài khoản, dù từng cố gắng đặt mục tiêu tiết kiệm.
“Ban đầu mình đặt mục tiêu để dành 3 triệu/tháng, nhưng tháng nào cũng có lý do để tiêu. Khi thì sinh nhật bạn, khi thì đám cưới, khi thì thích chiếc máy ảnh mới. Mình luôn nghĩ: còn trẻ, cứ sống đã, tiết kiệm để làm gì? Đến khi hết tiền thì sẽ cố kiếm thêm”.
Suy nghĩ đó kéo dài cho đến khi bố Vy bị bệnh và cô phải gấp rút về quê lo cho gia đình. Không có tiền mặt, Vy phải đi vay nóng 5 triệu đồng để mua vé máy bay và chi trả viện phí ban đầu.
“Lần đầu tiên trong đời, mình thấy buồn vì không có nổi 5 triệu đồng trong tay. Mình đã rất xấu hổ khi đi vay bạn bè. Từ đó, mình quyết định cắt bớt những khoản chi không cần thiết và bắt đầu dành ra ít nhất 10% thu nhập hàng tháng, dù có khó khăn đến đâu”, Vy kể.
Khi tiết kiệm không chỉ là chuyện để dành tiền
Trần Hữu Đạt chia sẻ: “Mỗi tháng mình trích ngay 2 triệu đồng gửi vào tài khoản riêng, coi như không tồn tại. Tiền đó là để dành cho những tình huống khẩn cấp. Sau đó mới lên kế hoạch chi tiêu với phần tiền còn lại”.
Trong khi đó Nguyễn Hoài Phương chọn cách sống chậm lại, bớt mua sắm theo cảm xúc và cố gắng ghi lại các khoản chi mỗi tháng để tự kiểm soát.
“Giờ mình không đặt mục tiêu phải để dành thật nhiều. Mình chỉ cố gắng giữ được một khoản nhỏ hàng tháng, coi đó như 'bảo hiểm' cho chính mình. Không cần giàu nhanh, chỉ cần không rơi vào cảnh trắng tay mỗi khi có chuyện là đủ”, cô nói.