Cần biết

Đi theo con đường ẩn giữa sa mạc, lạc vào pháo đài 2.000 năm

Admin

Một con đường lát đá vôi với 500 bồn cây tròn hai bên đã lộ ra nguyên vẹn đến kinh ngạc sau 2 thiên niên kỷ bị chôn vùi giữa sa mạc Sinai ở Ai Cập.

Theo Ancient Origins, ở phía Bắc sa mạc Sinai, tại một địa điểm được gọi là Tell Abu Saifi, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Bộ Du lịch và cổ vật Ai Cập đã tìm thấy một con đường lát đá vôi bền chắc và đẹp mắt, dài 100 m, rộng 12 m.

Hai bên đường còn nguyên dấu vết 500 bồn cây tròn xếp thẳng tắp.

Lần theo con đường cổ đại này, họ đã có khám phá còn ngoạn mục hơn: Một pháo đài cổ đại đem lại hiểu biết chưa từng có về hệ thống phòng thủ phía Đông của Ai Cập vào thời kỳ Ptolemaic và La Mã.

Tàn tích pháo đài cổ đại giữa sa mạc Sinai của Ai Cập - Ảnh: BỘ DU LỊCH VÀ CỔ VẬT AI CẬP

Pháo đài giữa sa mạc Sinai cũng như con đường tuyệt đẹp dẫn vào nó đã hơn 2.000 năm tuổi và có thể từng tọa lạc giữa một vùng xanh tươi hơn nhiều.

Mặc dù điều kiện khí hậu chính xác của sa mạc Sinai cổ đại vẫn chưa chắc chắn, nhưng người ta tin rằng khu vực này từng màu mỡ hơn và 500 bồn cây dọc bên đường có thể là một trong các bằng chứng rõ ràng nhất.

Nếu điều này là đúng thì con đường này hẳn là một thắng cảnh đáng chiêm ngưỡng, và có thể việc tạo ra nó có ý nghĩa tâm linh hoặc nghi lễ nào đó.

Con đường lát đá vôi cổ đại giữa sa mạc Sinai với tàn tích pháo đài ở phía xa - Ảnh: BỘ DU LỊCH VÀ CỔ VẬT AI CẬP

Các cuộc khai quật vẫn đang tiếp tục và các nhà khảo cổ hy vọng có thể tìm thấy một số rễ cây còn sót lại trong các vòng tròn này.

Nếu tìm thấy, đó là bằng chứng xác thực về quá khứ màu mỡ của sa mạc Sinai. Không những vậy, chúng còn giúp các nhà khoa học có thêm dữ liệu về hệ thực vật từng tồn tại trong khu vực.

Nhóm khai quật cũng tìm thấy một hào nước sâu 2 m bao quanh pháo đài cổ, cũng như một số công trình dân dụng có thể là nhà ở của gia đình các binh lính.

Cụm công trình ấn tượng này đã được sử dụng trong cả thời kỳ Ptolemaic (304–30 trước Công nguyên) và La Mã (30 trước Công nguyên - 642 sau Công nguyên), khi Ai Cập được cai trị bởi hậu duệ người Hy Lạp của Ptolemy I trước khi bị sáp nhập vào Đế chế La Mã.