LỐI SỐNG

“Điểm yếu chí mạng” trong kiểm soát thực phẩm chức năng giả

Admin

Lợi dụng cơ chế tự công bố sản phẩm, nhiều doanh nghiệp ngang nhiên sản xuất thực phẩm chức năng giả mà không qua thẩm định, gây khó khăn cho công tác quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm.

"Hành vi lách luật đáng bị lên án"

Trong thời gian qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá hàng loạt đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả với quy mô lớn, kéo dài nhiều năm, tại các tỉnh thành như Tp.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh… Đáng chú ý, các vụ việc bao gồm cả sản xuất sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Mặc dù nhiều cơ quan quản lý cùng chịu trách nhiệm giám sát, song thị trường thực phẩm giả vẫn diễn biến phức tạp, đặt ra thách thức lớn đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả không chỉ gây tổn hại sức khỏe cộng đồng mà còn làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Trao đổi với phóng viên về thực trạng này, TS. Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, đơn vị với vai trò là thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tiến hành đánh giá, kết luận các vụ việc.

"Chúng tôi xác định đây là những vụ việc nghiêm trọng, hy vọng qua các vụ triệt phá, những tổ chức, cá nhân kinh doanh phi đạo đức sẽ nhận thức và thay đổi hành vi. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh đối với những ai đang hoặc có ý định sản xuất, kinh doanh hàng giả", bà Nga nhấn mạnh.

Cơ quan chức năng thu giữ nhiều thực phẩm chức năng giả.

Theo bà Nga, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thực phẩm chức năng giả là do cơ chế tự công bố sản phẩm còn nhiều bất cập. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, song điều này lại trở thành cơ hội để một số doanh nghiệp lợi dụng làm ăn phi pháp.

"Với cơ chế tự công bố, doanh nghiệp có thể tự công bố và sản xuất ngay mà không cần cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ. Lợi dụng sự thông thoáng này, một số doanh nghiệp tự công bố các sản phẩm dinh dưỡng y học hoặc sản phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt là thực phẩm bổ sung, đây là hành vi lách luật đáng bị lên án.

Ngoài ra, thủ tục tự công bố khá đơn giản, hồ sơ không phức tạp và không mất phí. Do đó, nhiều doanh nghiệp ồ ạt tự công bố sản phẩm, nhưng số lượng sản xuất kinh doanh thực tế có thể không đúng với số lượng đã công bố, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong thanh tra, hậu kiểm.

Khi trao quyền cho doanh nghiệp, trách nhiệm của họ phải là cao nhất, phải tuân thủ đúng các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan quản lý ban hành", bà Nga phân tích.

Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Việt Nam đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ, bao gồm Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, các quy chuẩn kỹ thuật của các bộ, ngành. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cố tình vi phạm vì lợi nhuận, bất chấp đạo đức kinh doanh.

Sữa giả do cơ quan chức năng phát hiện.

Trong lĩnh vực hàng giả, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ về hàng giả và chế tài xử phạt. Bộ luật Hình sự cũng có điều khoản riêng về xử lý hình sự đối với thực phẩm giả. Nếu doanh nghiệp tuân thủ các quy định này thì sẽ không có vấn đề lớn. Song, lực lượng hậu kiểm còn hạn chế do số lượng sản phẩm công bố quá lớn và chi phí kiểm nghiệm cao, gây khó khăn cho địa phương.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đang tiến hành sửa đổi Luật An toàn thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm đã tham mưu cho Bộ Y tế đề xuất sửa Nghị định 15/2018/NĐ-CP và các văn bản liên quan, theo hướng siết chặt hơn việc tự công bố. Đồng thời, kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành tăng cường đầu tư nhân lực, kinh phí cho công tác hậu kiểm.

“Để người dân được tiếp cận sản phẩm an toàn, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Trước hết, doanh nghiệp phải đặt đạo đức kinh doanh lên hàng đầu, tuân thủ nghiêm quy định pháp luật”, TS. Nga nói.

Bà cũng cho rằng, cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao năng lực kiểm soát sản phẩm lưu thông, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.

Khó khăn trong quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng

Nói thêm về vấn đề người nổi tiếng quảng bá sản phẩm trên thương mại điện tử và mạng xã hội, bà Nga cho biết Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thành lập các tổ công tác nhằm kiểm soát và xử lý những quảng cáo sai sự thật. Khi phát hiện vi phạm, hai bên sẽ cùng thống nhất biện pháp xử lý, thậm chí tiến hành gỡ bỏ quảng cáo ngay lập tức.

Tuy nhiên, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho rằng việc xử lý quảng cáo trên mạng xã hội hiện nay gặp nhiều khó khăn. Dù một số quảng cáo lợi dụng hình ảnh bác sĩ hoặc người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm sức khỏe là hành vi vi phạm rõ ràng, nhưng do luật quảng cáo chưa quy định cụ thể về người truyền tải quảng cáo, việc xử lý vẫn còn hạn chế.

"Luật quảng cáo sửa đổi đang được xây dựng, trong đó sẽ quy định trách nhiệm của người truyền tải quảng cáo. Đây là một bước tiến quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm khi tham gia quảng cáo", bà Nga nhận định.

Phát hiện 2 loại thực phẩm chức năng chứa chất cấm SibutramineTăng đề kháng cho trẻ từ thực phẩm chức năng, chuyên gia khuyến cáo

Để bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Y tế cũng đã công khai danh sách các sản phẩm bảo vệ sức khỏe được phép quảng cáo và nội dung quảng cáo hợp pháp.

Người dân cần chủ động tìm hiểu để tránh mua phải những sản phẩm quảng cáo sai sự thật.

Dù đã xử lý nhiều trường hợp, đặc biệt là các quảng cáo sai lệch từ người nổi tiếng về các sản phẩm như sữa tăng chiều cao, công tác kiểm soát vẫn gặp trở ngại.

"Khi xác định được chủ thể quảng cáo, việc xử lý không quá khó. Tuy nhiên, một số máy chủ quảng cáo lại đặt ở nước ngoài, khiến việc truy vết và xử lý gặp nhiều khó khăn", TS. Nga giải thích.

Bộ Y tế hiện đang nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm thắt chặt quản lý và nâng cao hiệu quả xử lý, nhưng để phòng tránh những rủi ro, người tiêu dùng cũng cần chủ động trang bị kiến thức để lựa chọn sản phẩm an toàn.

Việc tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ, thành phần, nhãn mác và cập nhật thông tin từ cơ quan chức năng là cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.