Đối thoại giữa Phó Chủ tịch GBA Martin Körner và Đại sứ Việt Nam tại Đức - Vũ Quang Minh tại Berlin
Bất chấp những thách thức ngày càng gia tăng, cả trong nước và quốc tế, GBA vẫn giữ vững niềm tin vào vai trò của Việt Nam như một điểm đến đầu tư đầy tiềm năng và có khả năng chống chịu cao.
Trong những tháng đầu năm 2025, GBA tiếp tục duy trì sự kết nối mạnh mẽ với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và các cơ quan chức năng tại Việt Nam thông qua các sự kiện quan trọng.
Trong quý I/2025, GBA cũng đã tích cực tham gia vào các sự kiện cấp cao, bao gồm: Hội nghị xây dựng các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì; Đối thoại giữa Phó Chủ tịch GBA Martin Körner và Đại sứ Việt Nam tại Đức - Vũ Quang Minh tại Berlin; Gặp gỡ, làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
GBA đã tổ chức thành công Ngày hội Franco-German Day 2025 “Feierabend Rendez-Vous” với Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV); sự kiện kết nối đầu tiên “Connect & Cocktail meets Deutschentreff” với Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) tại Thành phố Hồ Chí Minh thu hút gần 250 khách tham dự và sắp tới là những sự kiện kết nối và tìm kiếm đối tác cùng với các Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Á.
GBA cũng tổ chức các cuộc họp Business Meeting hàng tháng, mời các chuyên gia hàng đầu nhằm cập nhật cho các hội viên những dự báo về triển vọng kinh tế và thương mại, đặc biệt là liên quan đến các chính sách thuế mới của Hoa Kỳ.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đức và Việt Nam, cũng như kỷ niệm 30 năm thành lập GBA, GBA sẽ tổ chức chuỗi lễ hội văn hóa như Oktoberfest tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, cùng với các sự kiện thể thao, Giải thưởng Doanh nghiệp GBA (GBA Business Awards), và sự kiện đặc biệt GBA German Ball – đánh dấu cột mốc 30 năm hình thành và phát triển, đồng thời tri ân những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.
Những hoạt động này tiếp tục khẳng định dấu ấn chiến lược lâu dài của doanh nghiệp Đức và cam kết đối với phát triển bền vững tại Việt Nam của GBA.
Ngày hội Franco-German Day 2025 “Feierabend Rendez-Vous” do GBA tổ chức.
Tình hình kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (AHK World Business Outlook Spring 2025), các doanh nghiệp nhận thấy cả cơ hội lẫn rủi ro, vừa đối mặt với những thách thức nội địa, vừa hưởng lợi từ vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
80% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh hiện tại của họ là “tốt” hoặc “đạt yêu cầu”, cho thấy môi trường hoạt động tương đối ổn định. Niềm tin cũng thể hiện qua các quyết định hướng tới tương lai: 38% doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư, trong khi 43% dự kiến tăng nhân sự trong năm 2025.
Quan hệ kinh tế giữa Đức và Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2024, thương mại song phương vượt 18.8 tỷ euro (tương đương khoảng 20.4 tỷ USD), và các doanh nghiệp Đức tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng tái tạo, tự động hóa và đào tạo nghề.
Một số công ty Đức đã mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong năm qua. Ziehl-Abegg đã khai trương nhà máy trị giá 20 triệu USD tại Đồng Nai chuyên về công nghệ thông gió và truyền động. Kärcher đưa vào hoạt động nhà máy 19,4 triệu USD tại Quảng Nam sản xuất thiết bị làm sạch. Gần đây, Südwolle Group cũng chính thức khánh thành nhà máy nhuộm sợi trị giá 21 triệu USD tại Ninh Thuận.
Dù cuộc khảo sát được thực hiện vào thời điểm Mỹ công bố áp thuế mới, nhiều doanh nghiệp tham gia vẫn chưa đánh giá hết tác động tiềm ẩn của chính sách này. Tuy nhiên, kết quả khảo sát vẫn phản ánh sức hút bền vững của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu ngày càng biến động.
Những thách thức chính mà doanh nghiệp Đức đang phải đối mặt
Bên cạnh triển vọng tích cực, các doanh nghiệp Đức vẫn đang nỗ lực vượt qua nhiều rào cản ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh, bao gồm: Còn thiếu nhất quán trong khung pháp lý: Một số quy định chồng chéo gây ra tình trạng thiếu chắc chắn về pháp lý. Hiệu quả hành chính còn hạn chế: Thời gian thông quan kéo dài và thực thi thiếu đồng bộ vẫn là vấn đề đáng lưu ý.
Những thay đổi đột ngột của chính sách thuế quan Hoa Kỳ đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam (theo Khảo sát về tác động của Thuế quan Hoa Kỳ của EuroCham). Còn thiếu hụt nhân lực kỹ thuật và có tay nghề: Gây ảnh hưởng đến năng suất trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ.
Yêu cầu nội địa hóa và cấp phép đầu tư chưa thật sự rõ ràng: Gây khó khăn trong khâu hoạch định chiến lược.
Bối cảnh kinh tế Đức & EU: Tác động lan truyền đến Việt Nam
Nền kinh tế hiện tại của Đức và Liên minh châu Âu đang chịu ảnh hưởng bởi chi phí năng lượng cao, bất ổn địa chính trị và tăng trưởng GDP ở mức vừa phải. Hệ quả là.
Các doanh nghiệp Đức đang đánh giá lại chuỗi cung ứng và tìm cách đa dạng hóa ra khỏi các khu vực rủi ro.
Việt Nam ngày càng được xem là một lựa chọn chiến lược và an toàn cho sản xuất, tìm nguồn cung và vận hành trong khu vực.
Song song, các chính sách thương mại mới – như việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu và các điều chỉnh chính sách từ EU – đang thúc đẩy doanh nghiệp Đức mở rộng hiện diện tại Đông Nam Á, trong đó Việt Nam nổi bật nhờ hệ thống các hiệp định thương mại vững mạnh và hạ tầng đang được cải thiện.
Sự kiện kết nối “Connect & Cocktail meets Deutschentreff” được GBA tổ chức lần đầu.
Triển vọng đầu tư và niềm tin vào Việt Nam
Doanh nghiệp Đức vẫn giữ niềm tin vững chắc vào triển vọng dài hạn của Việt Nam, nhờ vào: Tầng lớp trung lưu đang ngày một gia tăng và thị trường nội địa ngày càng mở rộng; Môi trường chính trị ổn định và các chỉ số kinh tế vĩ mô đang được cải thiện; Nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng số và chuyển đổi xanh.
GBA ghi nhận cam kết của Chính phủ Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và đánh giá cao các cải cách gần đây trong lĩnh vực cấp phép đầu tư, hải quan và giáo dục nghề nghiệp.
Để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, bao gồm từ các doanh nghiệp Đức, GBA đưa ra các khuyến nghị trọng tâm sau: Đảm bảo tính minh bạch và nhất quán trong thực thi quy định pháp luật liên quan tới đầu tư; Đơn giản hóa trong số hóa quy trình hải quan và thủ tục hành chính; Phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng thông qua mô hình đào tạo nghề kép (dual vocational training); Tăng cường đối thoại công – tư một cách thường xuyên và bài bản để xử lý hiệu quả các vướng mắc.
Theo GBA, mặc dù còn phải đối mặt với không ít thách thức, các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam vẫn giữ vững sự lạc quan và cam kết lâu dài với thị trường này. Những nỗ lực không ngừng trong việc duy trì hoạt động, thúc đẩy hợp tác và tham gia vào các sáng kiến phát triển bền vững của GBA đã khẳng định vị thế của Việt Nam như một điểm đến đầu tư chiến lược. Với môi trường chính trị ổn định, nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ và các cải cách trong chính sách đầu tư, Việt Nam tiếp tục là lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp Đức trong việc mở rộng và củng cố sự hiện diện tại khu vực châu Á.