Hình minh họa bởi AI
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng thuộc Dự án quan trọng quốc gia. Dự án đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Mục tiêu đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc ; góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 4,4 tỷ USD, ước tính tạo ra khoảng 90.000 việc làm trong thời gian xây dựng và khoảng 2.500 việc làm lâu dài trong quá trình vận hành, khai thác.
Bản đồ hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Nguồn: Tư vấn TEDI-TRICC-HP-CCTDI
Mới đây, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này. Theo đó, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tập trung cho ý kiến vào nội dung hồ sơ thẩm định. Các ý kiến cơ bản thống nhất với nội dung hồ sơ trình; nhấn mạnh đến ý nghĩa, sự cần thiết đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này.
Đại diện UBDN các tỉnh cho biết, dự án này góp phần phát triển không gian, kinh tế - xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải, giảm chi phí logistics, bảo đảm phát triển bền vững. Cùng với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Dự án này là tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.
Kết luận tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhấn mạnh thêm các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung.
Về cơ chế đặc thù, cho phép áp dụng 13/19 chính sách tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 của dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và bổ sung 4 chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội, 6 cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ , cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bảo đảm cơ sở pháp lý, tính khả thi của Dự án.
Về phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, Thứ trưởng đề nghị các địa phương liên quan rà soát nội dung liên quan đến nội dung này đảm bảo tính khả thi; về phần vốn, cần thể hiện rõ: vốn đầu tư công, nguồn ngân sách nhà nước (gồm vốn trung ương và địa phương; vốn trong nước và vốn nước ngoài) và các nguồn vốn hợp pháp khác và Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định có cấu nguồn vốn.
Hình minh họa bởi AI
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu - Lào Cai với cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đi qua 9 địa phương, chiếm khoảng 20% dân số, 25,4% GRDP và 25% khu công nghiệp trên cả nước.
Điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận thành phố Lào Cai; điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận thành phố Hải Phòng. Chiều dài tuyến chính dài 390,9 km21 và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9km.
Dự án đề xuất tuyến chính tốc độ thiết kế 160km/h, đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội là 120km/h, các đoạn tuyến nối, tuyến nhánh, tốc độ thiết kế 80km/h.
Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (tương đương khoảng 8,369 tỷ USD). Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hướng dẫn phạm vi, đối tượng để phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 để bổ sung nguồn vốn đầu tư cho tuyến đường sắt này.