Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) cho biết chỉ số DXY - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh - giảm mạnh 2.5% trong tháng 6, và đánh dấu nửa đầu năm tệ nhất kể từ năm 1973 với mức giảm 12%.
Đến cuối tháng 6, chỉ số DXY giảm về mức đáy 3 năm tại 96,6 - một sự sụt giảm đáng kể đối với đồng tiền truyền thống được coi là nơi trú ẩn an toàn của thế giới.
Mặc dù đồng USD suy giảm mạnh trong tháng, áp lực tỷ giá vẫn dai dẳng khi chịu sức ép từ trong nước khi nhu cầu ngoại tệ tăng cao. Trong tháng 6, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tiếp tục chào mua USD từ các ngân hàng thương mại với tổng trị giá lên tới 300 triệu USD, nâng tổng lượng USD mua vào từ đầu năm đến nay lên gần 1,9 tỷ USD (gần bằng mức 2,1 tỷ USD mua trong năm 2024), qua đó đã phần nào khiến nguồn cung ngoại tệ càng bị thắt chặt.
Ngoài ra, chênh lệch lãi suất VND-USD đã nới rộng trong tháng khi lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì ở mức thấp trong kỳ, và thậm chí có lúc chạm đáy 15 tháng tại 1,3%. Theo đó, tỷ giá liên ngân hàng duy trì đà tăng và kết tháng 6 ở mức 26.118 VND/USD (+2.6% so với đầu năm). Tỷ giá trên thị trường tự do tăng lên mức 26.430 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm niêm yết tại 25.052 VND/USD, tương ứng với mức tăng lần lượt 2,6% và 2,9% so với đầu năm.
Theo MBS, mặc dù USD được dự báo sẽ tiếp tục đà giảm về cuối năm khi Fed dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất, các áp lực nội tại sẽ là yếu tố chính góp phần làm tăng áp lực lên tỷ giá.
Thứ nhất, bộ đệm quan trọng cho tỷ giá USD/VND là hoạt động xuất khẩu, được dự báo sẽ chậm lại do các doanh nghiệp đã phần lớn hoàn tất việc giao hàng trước khi thời hạn hoãn thuế quan kết thúc vào ngày 9/7 kéo theo việc nhu cầu quốc tế có thể sẽ giảm trong thời gian tới. Trên thực tế, theo báo cáo PMI của S&P trong tháng 6, đơn hàng xuất khẩu đã giảm liên tục trong 8 tháng liên tiếp, với mức giảm trong tháng 6 là mạnh nhất trong hai năm qua.
Trong khi đó, Việt Nam sẽ có xu hướng tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ với mức thuế suất ~0% để thể hiện thiện chí thu hẹp mức thặng dư thương mại với Mỹ. Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch nhập khẩu tăng 18% so với cùng kỳ 2024, trong khi tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt 14,4%, dẫn đến thặng dư thương mại giảm 34,4%.
Thứ hai, chênh lệch lãi suất VND-USD có thể tiếp tục nới rộng khi lãi suất tiền gửi vẫn còn dư địa giảm trong quý 3, trong khi lãi suất quỹ liên bang được dự báo sẽ chỉ giảm từ tháng 9 do thị trường lao động Mỹ vẫn ổn định và áp lực lạm phát còn dai dẳng.
Với những nhận định trên, MBS dự báo tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 26.600 – 26.750 VND/USD vào cuối năm, tương ứng với mức tăng 4,5% - 5% so với đầu năm.