ĐỊA ỐC

Gấp rút mở rộng sân bay Phú Quốc, thúc đẩy du lịch phát triển

Admin

Năm 2024, sân bay Phú Quốc đã khai thác hơn 4,1 triệu khách (gần 2 triệu khách quốc tế), vượt công suất thiết kế. Trong bối cảnh ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng bùng nổ và APEC 2027 tới gần, nhu cầu nâng cấp năng lực hàng không của Phú Quốc trở nên vô cùng cấp thiết.

Du lịch lo “nghẽn” vì sân bay quá tải

Trung bình mỗi ngày Tết Ất Tỵ vừa qua sân bay Phú Quốc đón gần 40 chuyến quốc tế, tương đương 10-12 nghìn khách/ngày. Theo Sở du lịch Kiên Giang, thống kê giai đoạn cao điểm, tính từ 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn 2024 đến mùng 3 Tết Ất Tỵ 2025, có hơn 800 chuyến nội địa và quốc tế đưa đón khách đến đảo ngọc Phú Quốc. Trong dịp Tết vừa qua, không ít lần sân bay này đã rơi vào tình trạng “thất thủ” khi xảy ra tình trạng quá tải, tắc nghẽn nhiều giờ, đặc biệt là tại khu vực nhập cảnh.

Ông Hà Tuấn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Việt Nam Winner ở Phú Quốc cho biết, đúng là Phú Quốc dịp Tết lượng chuyến bay và du khách tăng rất nhanh. “Một số khách hàng của chúng tôi mất khoảng hơn 2 tiếng để làm thủ tục, có số mất 1 tiếng để nhập cảnh vì quá đông và lộn xộn. Không có nhân viên chỉ dẫn nên rất nhiều người chen ngang hàng”.

Cũng theo ông Minh, du lịch Phú Quốc từng cách xa về số khách quốc tế so với các điểm đến như Bali, Phuket,… nhưng đang tăng trưởng và bám đuổi mạnh mẽ, trong khi công suất sân bay thua kém khá nhiều, không bắt kịp sự phát triển. Sự tắc nghẽn, ùn ứ dịp Tết vừa qua cho thấy cần phải nhanh chóng mở rộng sân bay, đặc biệt có thêm nhà ga quốc tế.

Theo thống kê của Agoda, Phú Quốc trở thành lựa chọn điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế trong năm 2025, với lượng tìm kiếm chỗ ở tăng 266% so với năm 2024. Số liệu từ nền tảng này còn ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể từ các du khách ở thị trường nguồn khác như Hàn Quốc (tăng 94%) và Đài Loan (tăng 123%).

Ông Nguyễn Minh Đông, giám đốc sân bay Phú Quốc cho biết, công suất hiện tại là 4 triệu khách/năm, trong đó có 3 triệu khách quốc nội và 1 triệu khách quốc tế. “Trong năm 2024, chúng ta khai thác được hơn 4,1 triệu, trong đó chúng ta khai thác gần 2 triệu khách quốc tế. Công suất sân bay đã vượt nên phương án sắp tới cần mở rộng để đáp ứng nhu cầu khách đi và đến Phú Quốc trong thời gian tới.”

Theo các chuyên gia, tình trạng quá tải hạ tầng hàng không, dịch vụ yếu kém ngay "cửa ngõ" thành phố du lịch Phú Quốc đang là điểm nghẽn của Phú Quốc, nhất là khi hòn đảo này đã được lựa chọn là điểm đến APEC 2027, bình chọn là đảo đẹp thứ 2 thế giới, vị thế ngày càng được nâng cao trên thế giới.

Việc tổ chức hội nghị APEC 2027 được đánh giá là vận hội để Phú Quốc bứt phá, vươn mình. Mốc thời gian này đang cận kề nhưng hiện tại sân bay Phú Quốc đang quá tải đón khách. Chính bởi vậy, các chuyên gia cho rằng cần nhanh chóng nâng cấp, mở rộng, cải thiện chất lượng dịch vụ tại CHK QT Phú Quốc, thậm chí cần xã hội hóa để giảm tải áp lực vốn công, tìm ra nhà đầu tư giàu tiềm lực, kinh nghiệm, mang đến chất lượng đầu tư, chất lượng dịch vụ cạnh tranh, tốt nhất cho Phú Quốc.

Gỡ nút thắt để Phú Quốc phát triển

Hiện tại, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) là doanh nghiệp khai thác CHK quốc tế Phú Quốc. Theo quy định, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý, vận hành, duy trì điều kiện khai thác, ACV có trách nhiệm đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu tại CHK này. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nâng cấp không đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Cụ thể sau khi nâng cấp công suất từ 2,65 triệu khách lên 4 triệu khách năm 2018, ngay sau đó, năm 2019, CHK quốc tế Phú Quốc đã đón 3,7 triệu hành khách; vượt quá công suất dự báo của cảng năm 2020.

Thực tế, từ năm 2020 ACV cũng đã có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2, công suất 6 triệu hành khách/năm. Nhưng đến nay dự án chưa có tiến triển. Theo hồ sơ quy hoạch giai đoạn 2021-2030, CHK QT Phú Quốc được mở rộng, nâng công suất đạt khoảng 10 triệu hành khách/năm, đến năm 2050 nâng lên 18 triệu hành khách/năm.

Tại Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 5/4/2022 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao “Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Kiên Giang nghiên cứu các hình thức đầu tư phù hợp để đầu tư mở rộng CHK QT Phú Quốc (ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP), nâng tổng công suất đến năm 2030 lên 10 triệu hành khách/năm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương, phù hợp với các quy định hiện hành”.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng cho biết Chính phủ đã có chủ trương đầu tư mở rộng để chuẩn bị cho Hội nghị APEC 2027. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể hệ thống CHK, sân bay toàn quốc được Thủ tướng phê duyệt, Bộ GTVT đã giao Cục khẩn trương hoàn thành hồ sơ điều chỉnh quy hoạch CHK QT Phú Quốc.

Theo ông Dũng, về phương án đầu tư, sẽ xem xét và tính toán phương án tối ưu nhất, huy động mọi nguồn lực để đầu tư nhanh nhất hạ tầng sân bay Phú Quốc, bao gồm cả sử dụng nguồn vốn nhà nước và huy động nguồn vốn khác của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, dù phương án nào thì nhà đầu tư phải đầu tư tổng thể các công trình thiết yếu như đường cất hạ cánh số 2 và nhà ga hành khách T2.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh: Sự kiện APEC 2027 sắp tới được tổ chức ở Phú Quốc cần được coi là điểm đột phá rất mạnh để tạo bước nhảy vọt cho du lịch Việt Nam vào kỷ nguyên mới. Trung Ương cần dồn mọi sự hỗ trợ để giúp sự kiện APEC 2027 tạo được tiếng vang cực lớn, sức hấp dẫn cực mạnh. Theo ông Thiên, cần ưu tiên khắc phục ngay những bất cập, tồn tại để Phú Quốc cũng như Việt Nam tận dụng thật tốt cơ hội “ghi điểm” với thế giới. Đây là việc cần làm ngay, không thể tiếp tục chờ đợi.

Với Phú Quốc, việc thu hút vốn đầu tư xã hội hóa không phải là câu chuyện mới, khi địa phương này đang có sự hiện diện của hàng loạt ông lớn trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và hạ tầng. Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch, Phát triển đô thị Việt Nam, thời gian qua, khối tư nhân đã chứng minh năng lực trong việc phát triển dự án hạ tầng trọng điểm. Các công trình được triển khai nhanh, quyết liệt, đặc biệt không đội vốn, thể hiện tinh thần chống lãng phí, tiết kiệm nguồn lực to lớn cho đất nước. Vì vậy, cần nghiên cứu sớm tạo cơ chế chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng giao thông nói chung, sân bay nói riêng để có thể tạo được sự đột phá về hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Được biết, mới đây Sân bay Chu Lai (Quảng Nam) được Thủ tướng đồng ý đầu tư, nâng cấp theo hình thức xã hội hóa, đáp ứng công suất đến năm 2030 khoảng 10 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa. Sân bay Thành Sơn đã được UBND tỉnh Ninh Thuận lập đề án xã hội hóa và quy hoạch chi tiết trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt cuối 2024. Năm 2025, UBND tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư PPP cho dự án.

Còn tại Đà Nẵng năm 2017, ngay trước thềm hội nghị APEC, các dự án cải tạo, nâng cấp sân đỗ máy bay trước nhà ga quốc tế, mở rộng sân đỗ máy bay về phía bắc và xây mới đường lăn E7 và Nhà khách VIP tại sân bay Đà Nẵng đã được hoàn thành kịp thời để đưa vào vận hành đúng dịp Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Đặc biệt, dự án xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế - CHK QT Ðà Nẵng có 40 quầy thủ tục hàng không, 20 quầy xuất cảnh, 22 quầy nhập cảnh, 10 cửa ra tàu bay, hai đảo xử lý hành lý đi và 4 đảo trả hành lý đến… với công suất 6 triệu hành khách/năm, đáp ứng 1.600 hành khách/giờ cao điểm, đã góp phần quan trọng vào thành công ấn tượng của APEC 2017.