Mới đây, ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Hương đã chia sẻ niềm vui trên trang cá nhân về việc các cán bộ gác rừng của đơn vị vừa được người dân biếu thịt trâu sau khi hỗ trợ bắt đàn trâu hoang từng “làm mưa làm gió” trong khu vực rừng phòng hộ do ban quản lý.
Đằng sau món quà tưởng chừng đơn giản là cả một quá trình dài đấu tranh, vận động và thay đổi nhận thức của người dân về việc chăn thả trâu theo kiểu “thả đâu sống đó”.
Từ trâu nhà hoá… trâu hoang
Hàng chục năm qua, khu vực lòng hồ thủy điện Bình Điền trở thành nơi cư ngụ của hàng trăm con trâu thả rông. Những đàn trâu này vốn là tài sản của các hộ dân sống quanh vùng đồi núi được thả vào rừng để tiết kiệm chi phí nuôi dưỡng, chuồng trại.
Tuy nhiên, theo thời gian, việc không kiểm soát khiến trâu nhà dần “hoang dã hóa” với việc sợ người, trở nên hung dữ, khó tiếp cận. Từ tài sản giá trị vài trăm triệu đồng, đàn trâu dần biến thành “hung thần”, tàn phá hàng chục hecta rừng phòng hộ, giẫm nát cây trồng non, phá hoại đường lâm sinh, đe dọa hệ sinh thái và cả tính mạng người dân.
Đàn trâu với số lượng lớn san phẳng diện tích rừng mới trồng.
Theo thống kê từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Hương cho thấy, hiện có 26 hộ dân thả hơn 400 con trâu trong khu vực lòng hồ. Sự việc trở nên báo động khi nhiều diện tích rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, công tác bảo vệ rừng gặp khó khăn, người dân trong vùng cũng liên tục phản ánh.
“Với số lượng hàng chục con một đàn, những nơi chúng đi qua, nhất là các vạt rừng bà con mới trồng thì chỉ trong một đêm thôi, nơi đó sẽ bị san phẳng”, một người dân trú ở xã Bình Điền bức xúc chia sẻ.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Hương phối hợp với UBND xã Bình Điền, Công an xã và Hạt Kiểm lâm khu vực họp với người dân và các chủ trâu.
Trước tình trạng này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Hương đã phối hợp với UBND xã Bình Điền, Công an xã và Hạt Kiểm lâm khu vực tổ chức các cuộc họp trực tiếp với người dân để tuyên truyền, vận động và thống nhất phương án xử lý. Nội dung trọng tâm là yêu cầu dừng việc thả rông, đưa trâu ra khỏi rừng trước ngày 30/9.
“Sau các cuộc họp, nhiều hộ dân đã tự nguyện phối hợp. Chúng tôi cũng chủ động xây dựng chuồng trâu tại chân đập Bình Điền, với sức chứa hơn 50 con, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bắt giữ, chăm sóc tạm thời”, ông Ngô Nam Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Hương thông tin.
Bắt được trâu, người dân… xẻ thịt biếu cán bộ
Một dấu hiệu tích cực là sự chuyển biến trong thái độ của người dân. Không còn đối đầu, né tránh, nhiều hộ chăn nuôi bắt đầu cảm thông và hợp tác với lực lượng bảo vệ rừng.
Tiêu biểu là ông Nguyễn Văn Cao và ông Nguyễn Văn Hát (trú ở xã Bình Tiến), hai hộ sở hữu đàn trâu với hơn 30 con thường xuyên chăn thả ở khu vực rừng Suối Máu đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân trồng rừng, hoa màu ở nơi này.
Với sự giúp đỡ của cán bộ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Hồng Tiến đến nay đã bắt giữ được 15 con, dự kiến sẽ thu gom hết trong vài ngày tới.
Cảm kích trước sự hỗ trợ tận tình, anh Nguyễn Văn Hát đã chủ động mổ trâu, biếu thịt cho các cán bộ gác rừng.
Các cán bộ gác rừng của Ban rừng phòng hộ Bắc Sông Hương tổ chức lùa, bắt giữ trâu.
Việc từng bước xử lý tình trạng trâu thả rông không chỉ bảo vệ rừng mà còn tạo nên mô hình ứng xử hài hòa giữa người dân và lực lượng bảo vệ rừng.
Trong khi nhiều địa phương còn loay hoay tìm giải pháp cho nạn gia súc phá rừng, thì cách tiếp cận mềm dẻo nhưng kiên quyết của Ban rừng phòng hộ Bắc Sông Hương đã cho thấy hiệu quả. Bằng sự lắng nghe, kiên trì vận động và hỗ trợ thực chất, cán bộ bảo vệ rừng đã trở thành người bạn, người đồng hành đáng tin cậy của người dân địa phương.
Xây dựng chuồng tại chân đập Bình Điền để tiện nuôi nhốt trâu tạm thời sau khi bắt giữ.
Bên mâm cơm trưa đạm bạc giữa núi rừng, nay có đĩa thịt trâu xào khế chua bà con vừa biếu tặng, ông Lê Phú Phúc, Trạm trưởng trạm Quản lý bảo vệ rừng Hồng Tiến chia sẻ, giờ mỗi lần đi xe qua thôn 3, xã Hồng Tiến, người dân nơi đây quý lắm. Họ xởi lởi mời vô nhà uống nước. Bao nhiêu năm khốn khổ với đàn trâu của ông Cao, ông Hát phá hoại rừng trồng, hoa màu, nhiều lúc bất lực, nay bà con phần nào đã yên tâm sản xuất.
Trạm trưởng trạm Quản lý bảo vệ rừng Hồng Tiến cho biết thêm, thực ra chính ông Cao, ông Hát cũng rất ý thức được việc đàn trâu của họ đã gây thiệt hại lớn cho rừng trồng và hoa màu trong vùng. Nhưng họ gần như "bó tay". Trâu thả rông nhiều năm đã không còn quen hơi người. Những con trâu con sinh ra trong tự nhiên thì càng không biết đến chủ là ai. Bắt một con trâu trong rừng là rất khó. Chính sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của trạm với nhiều biện pháp hợp lý đã dần dần thuần hoá và bắt giữ được đàn trâu này.
“Bởi vậy khi nghe tin đàn trâu bị bắt nhốt, bà con nhân dân và chủ trâu ai cũng mừng rỡ. Hôm nhà ông Hát xẻ thịt trâu, bà con tranh nhau mua về ăn mừng. Con trâu mấy tạ thịt, chưa đến 1 tiếng đã bán hết”, ông Phúc cười chia sẻ.
“Từ đối kháng giữa chủ rừng và chủ trâu, giờ thành chỗ thân tình. Chủ trâu biết ơn chủ rừng. Chính niềm vui công việc của chúng tôi đến từ lợi ích mà mình mang lại cho người dân và xã hội”, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Hương vui vẻ nói thêm.
Ý Nhi - Lê Kông