Một khảo sát mới đây do công ty chuyên nghiên cứu hành vi người tiêu dùng NielsenIQ thực hiện cho thấy thị trường giao đồ ăn Việt Nam đang có sự chuyển biến lớn sau một thời gian 2 ông lớn nước ngoài Gojek và Baemin bất ngờ rút lui.
"Ghi điểm" với người trẻ
Kết quả khảo sát cho thấy ShopeeFood bất ngờ vượt mặt GrabFood trở thành ứng dụng giao đồ ăn có lượng đơn hàng cao nhất, chiếm tới 56% tổng số đơn đặt trong 7 ngày. Con số này bỏ xa 2 đối thủ còn lại là GrabFood đạt 36% và beFood chỉ có 8%.
Khảo sát khác được thực hiện bởi đơn vị nghiên cứu thị trường trực tuyến Decision Lab tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM cũng cho kết quả tương tự. Theo đó, tại Hà Nội, ShopeeFood dẫn đầu với 56% thị phần, còn GrabFood ưu thế ở thị trường TP HCM với tỉ lệ 50%. TP HCM cũng là nơi beFood có chỗ đứng khả quan nhất, với 11% thị phần, cao hơn tỉ lệ 9% ở Hà Nội.
Decision Lab cũng chỉ ra khác biệt rõ nét giữa 2 nhóm người dùng. Người dùng ShopeeFood thường chọn đặt trà sữa, đồ ăn nhanh và đồ ăn vặt, phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt là gen Z (từ 16-24 tuổi), nhóm khách hàng cực kỳ tiềm năng của thị trường giao đồ ăn hiện nay. Trong khi đó, GrabFood thu hút nhóm người dùng lớn tuổi hơn (từ 35 trở lên), ưa chuộng các bữa ăn đầy đủ như cơm, hải sản, thực phẩm lành mạnh, nước ép và cà phê.
ShopeeFood bất ngờ vượt GrabFood vươn lên dẫn đầu thị phần giao đồ ăn tại nhiều thành phố lớn. Ảnh: NGUYỄN HẢI
Ngoài ra, ShopeeFood còn đứng đầu về mức độ sẵn sàng được giới thiệu. Theo Decision Lab, chỉ số NPS (Net Promoter Score) của ShopeeFood đạt 51 điểm, cao nhất trong tất cả ứng dụng giao đồ ăn hiện nay, cho thấy mức độ hài lòng và lòng tin của người dùng dành cho nền tảng này.
Vị thế của ShopeeFood trên thị trường cũng được củng cố nhờ loạt yếu tố khác, từ hình ảnh đội ngũ tài xế thân thiện, danh sách thương hiệu và quán ăn đa dạng, cho tới số lượng đánh giá, xếp hạng phong phú giúp người dùng dễ dàng đưa ra lựa chọn, đồng thời khuyến khích các nhà hàng không ngừng cải thiện dịch vụ.
Ghi nhận trên thị trường cũng cho thấy không chỉ ShopeeFood hưởng lợi sau sự rút lui của Baemin và Gojek vào năm 2023 và 2024, mà cả GrabFood và beFood cũng đang chia sẻ lại một lượng khách lớn. Đến giữa năm 2025, Xanh SM - doanh nghiệp của tỉ phú Phạm Nhật Vượng - chính thức tham gia sân chơi với dịch vụ giao đồ ăn Xanh SM Ngon, cung cấp đơn hàng từ hơn 2.000 nhà hàng, khiến cuộc cạnh tranh thêm phần sôi động.
Cuộc đua khó lường
Theo báo cáo từ Momentum Works, thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á vẫn đang tăng trưởng mạnh, đạt 19,3 tỉ USD trong năm 2024, tăng 13% so với năm trước đó. Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực, với doanh thu từ giao đồ ăn tăng từ 1,4 tỉ USD năm 2023 lên 1,8 tỉ USD trong năm 2024, tức là tăng tới 26%. Sự tăng trưởng này đến từ việc mở rộng tệp khách hàng, vùng phủ sóng dịch vụ và tích hợp thêm các hoạt động kinh doanh khác.
Nhìn về tương lai, ông Tô Tuấn Tài, nhà sáng lập Lemon Digital, nhận định mặc dù GrabFood đã xây dựng được vị thế từ khá sớm nhưng ShopeeFood lại đang nắm trong tay lợi thế vượt trội nhờ hệ sinh thái Shopee, nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam. Nhờ sự hậu thuẫn này, ShopeeFood không chỉ tăng độ phủ thương hiệu mà còn dễ dàng thu hút các đối tác chiến lược.
Ông Tài dự báo trong thời gian tới, cuộc cạnh tranh giữa ShopeeFood, GrabFood, beFood và cả Xanh SM sẽ càng thêm khó đoán. Tuy vậy, người tiêu dùng chính là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất khi các ứng dụng liên tục tung ra ưu đãi vận chuyển, mã giảm giá để giữ chân khách hàng, qua đó thúc đẩy thị trường phát triển sôi động hơn.
Chuyên gia thị trường Phạm Chinh cũng cho rằng cuộc đua hiện nay đang ở mức khốc liệt. Các doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn đầu tư, chấp nhận lỗ để giành thị phần và chưa xác định rõ thời điểm có thể bắt đầu có lãi. Điều này đặt ra áp lực lớn cho bất cứ công ty nào muốn duy trì sự hiện diện lâu dài.
Theo ông, các nền tảng hiện nay cạnh tranh không chỉ bằng chất lượng dịch vụ mà đặc biệt về giá cả. Phần lớn đang bán dưới giá thành để không bị mất khách. "Chưa ai dám khẳng định khi nào sẽ bắt đầu có lợi nhuận, vì chính họ cũng không biết cuộc đua về giá sẽ còn kéo dài đến bao giờ. Trong vài tháng tới, có thể các ứng dụng tiếp tục tung ra thêm nhiều chương trình khuyến mại để thu hút người dùng từ các đối thủ đã rút lui" - ông nói.
Dù vậy, ông Chinh cho rằng thị trường sẽ không biến động quá mạnh, bởi thói quen của người tiêu dùng Việt là cài đặt và sử dụng cùng lúc 2-3 ứng dụng giao đồ ăn trên điện thoại.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Hoài Anh, đại diện ShopeeFood, chia sẻ nền tảng sẽ tiếp tục mở rộng danh mục đối tác, tối ưu công nghệ và nâng cao trải nghiệm người dùng. ShopeeFood dự kiến sẽ giới thiệu thêm nhiều tính năng mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên các kênh có khả năng chuyển đổi cao như livestream, từ đó tạo ra xu hướng khám phá ẩm thực kết hợp giải trí độc đáo. "Chúng tôi sẽ đẩy mạnh AI để hiểu và phân tích chính xác hơn sở thích, nhu cầu, thói quen ăn uống hằng ngày của người dùng. Đây là nền tảng giúp ShopeeFood duy trì vững chắc vị thế dẫn đầu và phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của người Việt" - bà Anh khẳng định.
Thu nhập không tăng nhiều
Ông Vương Ngọc Hùng, tài xế ShopeeFood tại TP HCM, cho biết thời điểm Baemin và Gojek còn hoạt động, lượng đơn được phân bổ trong tuần không đều, song các tài xế vẫn hưởng nhiều ưu đãi, trợ giá nên doanh thu duy trì ở mức cao dù số đơn không nhiều. "Giờ ShopeeFood tăng đơn rõ rệt sau khi 2 ứng dụng kia rút khỏi thị trường nhưng giá cước lại giảm. Thu nhập có nhỉnh lên nhưng không đáng kể" - ông Hùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tài, một tài xế khác, cho hay số lượng đơn ShopeeFood hiện tăng mạnh, chủ yếu là trà sữa và đồ ăn vặt, trung bình mỗi ngày từ 20-25 đơn. "Dù đơn nhiều hơn trước, thu nhập vẫn không thay đổi mấy, nhất là vào giờ thấp điểm. Chỉ khi chạy nhiều và có thêm thưởng thì mới tăng" - ông Tài nói.