Cần biết

Hàng nghìn người nô nức đổ ra đường xem lễ rước người sống có một không hai ở Quảng Ninh

Admin

Cặp đôi "cụ thượng" ông Lê Văn Minh và bà Nguyễn Thị Sỏi đều 90 tuổi, trú phường Phong Cốc cùng nắm tay nhau thay mặt con, cháu trong dòng họ bái yết tổ tiên tại miếu Tiên Công.

Hàng nghìn người dân xã đảo Hà Nam tham gia đoàn lễ rước "cụ thượng" về miếu Tiên Công để bái yết tổ tiên.

Từ sáng sớm, người dân làng trên, xóm dưới đổ dồn về từ đường dòng họ, đình thuộc các phường Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải để tham dự lễ mừng thọ do dòng họ và chính quyền địa phương tổ chức. Các lễ vật như bánh chưng, bánh giầy đỏ, lợn quay... được bày lên mâm, trang trí đẹp đẽ được con cháu đội lễ tham gia đoàn rước.

Theo tục lệ của người dân Hà Nam, từ dịp Tết Nguyên đán, con cháu dù đi làm xa ở khắp nơi đều trở về vùng xã đảo để tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ và ông bà của mình. Riêng nhà nào có cụ ở các tuổi chẵn như 80, 90, 100 tuổi được con cháu bắc rạp, thuê phường hát, rồng lân về biểu diễn, tổ chức mừng thọ linh đình và rước ra nhà thờ họ, đình tham gia đoàn rước "cụ thượng" đến miếu Tiên Công (xã Cẩm La) để bái yết tổ tiên.

Chia sẻ với Tiền Phong, đại diện UBND thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, cho biết năm nay lễ hội Tiên Công có khoảng hơn 100 cụ đến tuổi thượng thọ tròn 80, 90, 100 tuổi. Trong đó, có 123 cụ dẫn lễ, 36 "cụ thượng" rước lễ tập thể, trong đó có 4 cụ 100 tuổi (2 cụ ông, 2 cụ bà).

Cụ Bùi Thị Gỏng, tròn 100 tuổi, ngồi trên võng đào, được các con, cháu, chắt rước ra miếu tế lễ bậc tiên tổ. Cụ Gỏng là một trong 4 cụ thượng thọ tròn 100 tuổi của Lễ hội Tiên Công năm nay, dẫn đầu đoàn rước "cụ Thượng" của phường Yên Hải.

Vợ chồng cụ ông Lê Văn Minh và cụ bà Nguyễn Thị Sỏi năm nay cùng thượng thọ 90, là những "cụ Thượng" dẫn đầu đoàn rước của phường Phong Cốc.

Hai cụ cùng nắm tay nhau đến miếu Tiên Công. Nhờ công ơn của các vị Tiên Công khai hoang lập cõi, xây dựng vùng đất lành bình an và nhờ con cháu thảo hiền phụng dưỡng, các cụ Thượng đều minh mẫn, khỏe mạnh, hạnh phúc trong lễ rước đến miếu Tiên Công.

Anh Ngô Văn Chỉnh, cháu ngoại cụ Lê Văn Minh, chia sẻ đây là ngày vui của không riêng gia đình mà là của dòng họ và người dân xã đảo Hà Nam khi các cụ ngoài 80 tuổi vẫn khỏe mạnh và minh mẫn.

Các "cụ thượng" sau khi được con cháu rước đến miếu Tiên Công sẽ thay mặt dòng họ bái yết, làm lễ cáo yết với tổ tiên, cám ơn tổ tiên đã ban phước thọ, đồng thời cầu xin thêm thọ, an khang thịnh vượng cho con cháu trong gia đình dòng họ.

Cụ Nguyễn Thanh Quỳnh (80 tuổi, đến từ phường Phong Cốc), chia sẻ những năm 1434, 17 vị tiên công đã rời quê hương kinh thành Thăng Long xuôi theo dòng sông Hồng về vùng này lập nghiệp, khai canh, mở đất mở ra vùng đảo Hà Nam ngày nay.

Để tưởng nhớ công lao của tổ tiên, con cháu của các vị tiên công cùng sắm sửa lễ vật, tổ chức rước các cụ cao niên trên 80 tuổi về miếu Tiên Công để lễ tổ, truy ơn tiên công. Lễ hội Tiên Công được tổ chức trong 3 ngày (5-7, tháng Giêng hàng năm), trong đó lễ chính được tổ chức vào ngày cuối cùng.

Lễ hội được coi là lễ rước người sống độc đáo nhất của người dân Hà Nam, thu hút được hàng nghìn người dân và du khách tham gia. Nhiều đoàn rước kéo dài gần 2 km với các đội hình gồm đội cờ lọng, đội nghi trượng, đội nhạc xênh tiền, đội nhạc lễ, đội lễ vật... và không thể thiếu là kiệu võng đào chở các "cụ thượng" tham gia đoàn rước.

Đây là truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của người Việt, năm 2017, Lễ hội Tiên Công được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc tổ chức lễ hội hằng năm đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Quảng Yên.

Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được diễn ra như đấu cờ người, đánh đu, hát quan họ, bóng chuyền...