Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa tổ chức Lễ động thổ Dự án gói thầu Thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) bể chứa dầu thô thuộc Dự án Xây dựng bổ sung bể chứa dầu thô của Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất hiện hữu.
Mục tiêu đầu tư nhằm tăng khả năng tồn trữ dầu thô (thêm 2,5 ngày) để duy trì Nhà máy hoạt động ở công suất cao, nhất là mùa thời tiết xấu, giúp tăng hiệu quả vận hành; tăng khả năng chứa dầu thô, linh hoạt trong việc giảm chi phí lưu tàu dầu thô... Dự án sẽ giúp BSR nâng cao đáng kể năng lực vận hành và tính linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR.
Dự án "Xây dựng bổ sung bể chứa dầu thô của NMLD Dung Quất hiện hữu" sẽ giúp BSR tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm thiểu rủi ro và linh hoạt hơn trong công tác nhập dầu thô, mở rộng rổ dầu thô, giảm chi phí lưu tàu, tăng cường khả năng lưu trữ chiến lược...
Liên danh nhà thầu thực hiện gói thầu này là PTSC, PTSC Quảng Ngãi và BCA Thăng Long. Dự án này có tổng mức đầu tư 531,75 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 3,126 ha . Thời gian thực hiện dự án trong 26 tháng.
Hiện tại, NMLD Dung Quất có 8 bể chứa dầu thô, mỗi bể có đường kính 69m (tương đương sân bóng đá mini), chiều cao mỗi bể chứa 22,4m (tương đương tòa nhà 8 tầng), với dung tích chứa 65.000 m³.
Đây là kho chứa lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.
Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. BSR có vai trò vai trò quản lý, vận hành nhà máy. Trong năm 2024, BSR đã vận hành thành công nhà máy ở công suất trên 100%, có thời điểm lên đến 116% công suất thiết kế tính theo công suất phân xưởng chưng cất dầu thô. Các phân xưởng công nghệ hạ nguồn cũng được đánh giá và vận hành ở công suất cao, như: NHT 137%, CCR 112%, ISOM 150%, KTU 140%, RFCC 110% và PP 115%.
BSR luôn đảm bảo mức độ sẵn sàng hoạt động (chỉ số OA) của thiết bị trong nhà máy đạt đến 95,6%. Đây là tỉ lệ ngang với nhóm các nhà máy lọc dầu tiên tiến trên thế giới.
Về nguyên liệu, đến nay, BSR đã đánh giá được 92 loại dầu thô tiềm năng cho NMLD Dung Quất và chế biến thành công 11 loại dầu thô trong nước, 22 loại dầu thô nhập khẩu với tỉ lệ cao nhất đạt 60% thể tích để thay thế dầu thô Bạch Hổ đang giảm dần sản lượng.
BSR đã nghiên cứu nhập và chế biến thành công 2 nguyên liệu trung gian (SR LSFO và VGO) tại phân xưởng RFCC với khối lượng trên 200.000 tấn trong năm 2023, góp phần tăng công suất RFCC khoảng 8%, gia tăng sản lượng sản phẩm và hiệu quả cao cho công ty.
Về sản phẩm mới, đến nay BSR đã phát triển và đưa vào kinh doanh thương mại được 14 sản phẩm mới, gồm: 6 sản phẩm hạt nhựa PP mới (T-3045, T-3050, I3085, I-3150, BOPP, TF4035); 8 sản phẩm nhiên liệu, trong đó có 3 sản phẩm là nhiên liệu đặc chủng dành cho quốc phòng (JetA-1K, ADO-L62, Xăng A80), 1 nhiên liệu tàu thủy (Marine FO) và 4 sản phẩm khác làm nguyên liệu cho hóa dầu (Treared -LCO, Full Range Naphtha, RFCC Naphtha và Mixed C4).
Theo số liệu được Tổng giám đốc BSR công bố hồi tháng 9/2024, BSR đã chế biến trên 100 triệu tấn dầu thô; sản xuất và xuất bán ra thị trường hơn 91 triệu tấn sản phẩm, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước; tổng doanh thu đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước gần 224 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 9 tỷ USD), gấp 3 lần mức đầu tư.
Cùng với đó, BSR đã có được đội ngũ nhân sự hơn 1.500 người có trình độ, chuyên môn cao trong lĩnh vực lọc hoá dầu. Đến nay, chỉ còn khoảng 10 chuyên gia nước ngoài (trước kia 200 chuyên gia) và 17 nhân sự người Việt Nam được công nhận là chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực lọc hoá dầu đang làm việc tại BSR.