CEO Xiaomi trải lòng về "thời khắc u tối"
Sau khoảng thời gian vắng bóng trên các nền tảng trực tuyến, ông Lôi Quân, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Xiaomi, đã có bài đăng thu hút sự chú ý lớn vào cuối tuần trước. Trên Weibo, mạng xã hội hàng đầu Trung Quốc, vị CEO chia sẻ: "Tôi cảm thấy như gục ngã, một số cuộc họp và chuyến công tác đã phải hủy bỏ. Tôi sẽ tạm dừng các hoạt động trên mạng xã hội một thời gian. Sau nhiều năm bận rộn, tôi nghĩ rằng đây là lúc cần dừng lại để nghỉ ngơi, suy nghĩ thấu đáo mọi việc".
Dòng trạng thái ngắn này được đăng kèm hai hình ảnh: Một phòng tập thể dục và một chiếc xe điện Xiaomi SU7 Ultra. Mặc dù không nêu đích danh, dư luận đều hiểu rằng ông Lôi Quân đang ám chỉ đến những bê bối xoay quanh vụ tai nạn liên quan đến mẫu xe SU7 khiến ba người thiệt mạng. Bài đăng nhanh chóng trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi trên khắp các diễn đàn tại Trung Quốc.
Với hơn 26 triệu người theo dõi trên Weibo, ông Lôi Quân trước đây vốn nổi tiếng với việc thường xuyên cập nhật hoạt động, chia sẻ thông tin và tương tác với người hâm mộ. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc khủng hoảng niềm tin nổ ra, tần suất hoạt động của ông đã giảm sút đáng kể. Trong suốt tháng 4, trang cá nhân của ông chỉ ghi nhận 21 bài đăng, phần lớn là nội dung quảng cáo cho công ty. Sự thay đổi này được xem là bất thường, nhất là khi so sánh với 33 bài viết cùng nhiều hình ảnh cá nhân chỉ trong tuần cuối cùng của tháng 3, thời điểm trước khi vụ tai nạn xảy ra.
CEO Xiaomi trong bộ ảnh quảng cáo bên cạnh chiếc SU7 Ultra.
Sự cố SU7 và làn sóng quay lưng từ công chúng
Theo ghi nhận của tờ South China Morning Post (SCMP), những lời chỉ trích nhắm vào cá nhân ông Lôi Quân và tập đoàn Xiaomi đã leo thang sau vụ tai nạn thảm khốc của xe SU7 tại tỉnh An Huy, miền Trung Trung Quốc. Chiếc xe gặp nạn khi đang di chuyển trên đường cao tốc với vận tốc 116 km/giờ và hệ thống hỗ trợ người lái (ADAS) đang kích hoạt.
Đáng nói, hệ thống chỉ đưa ra cảnh báo nguy hiểm vỏn vẹn hai giây trước khi chiếc xe đâm vào rào chắn bê tông và bốc cháy. Nghiêm trọng hơn, các nạn nhân đã không thể thoát ra ngoài do cửa xe bị khóa tự động sau va chạm.
Sau sự việc nghiêm trọng này, Xiaomi và CEO Lôi Quân phải đối mặt với áp lực nặng nề từ cả người tiêu dùng lẫn các cơ quan chức năng. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) nhanh chóng ban hành một loạt quy định mới nhằm siết chặt việc quản lý công nghệ xe tự lái, một động thái được cho là phản ứng trực tiếp với vụ việc của SU7.
Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi vào ngày 11/5, Fast Technology công bố báo cáo từ Mạng lưới chất lượng ô tô Trung Quốc, trong đó mẫu xe điện Xiaomi SU7 bị xếp cuối bảng về chất lượng. Hồ sơ ghi nhận nhiều khiếu nại từ người dùng liên quan đến các vấn đề như tiếng ồn bất thường trong quá trình vận hành và hiện tượng mài mòn trục bánh xe.
Tờ Sina nhận định, Xiaomi đang trải qua một cuộc khủng hoảng lòng tin chưa từng có tại thị trường nội địa. Một chiến dịch kêu gọi trả lại xe SU7 Ultra, khởi xướng bởi hơn 300 chủ sở hữu, nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Những người tham gia tố cáo Xiaomi quảng cáo không đúng sự thật và cố tình cung cấp thông tin sai lệch về thông số cũng như hiệu suất thực tế của xe.
Vụ tai nạn nghiêm trọng khiến chiếc Xiaomi SU7 bốc cháy và 3 người tử vong do không thể thoát ra ngoài.
Nhiều chủ xe đăng tải các video bằng chứng cho thấy chi tiết được quảng cáo là "thiết kế khí động học theo tiêu chuẩn đường đua" ở phần nắp capo thực chất chỉ là một bộ phận trang trí nhằm mục đích thẩm mỹ.
Mặc dù vào ngày 7/5, Xiaomi đưa ra lời xin lỗi chính thức, động thái này dường như không đủ để xoa dịu dư luận và ngăn chặn cuộc khủng hoảng tiếp tục lan rộng. Nhiều chủ sở hữu xe điện Xiaomi trên toàn quốc đã tự thành lập nhóm trên mạng xã hội để cùng nhau bảo vệ quyền lợi và đồng loạt yêu cầu được trả lại xe. Thậm chí có người quyết định thuê luật sư để tiến hành khởi kiện tập thể, yêu cầu Xiaomi hoàn trả từ một đến hai lần số tiền mua xe, dựa theo Điều 55 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng Trung Quốc.
Tổn thất lớn nhất mà Xiaomi phải gánh chịu trong cuộc đại khủng hoảng này không chỉ là về mặt tài chính hay pháp lý, mà chính là sự sụp đổ niềm tin từ phía người dùng. Khách hàng không chỉ cảm thấy bị lừa dối bởi những lời quảng cáo phóng đại mà còn phải chứng kiến thái độ bị cho là ngạo mạn, coi thường người tiêu dùng từ phía hãng công nghệ này.
Theo Sina, cuộc khủng hoảng này không chỉ làm xói mòn nghiêm trọng uy tín của Xiaomi mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ ngành công nghiệp xe điện đang phát triển nhanh chóng tại Trung Quốc. Từ vụ tai nạn bi thảm của SU7 đến làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dùng, một câu hỏi lớn đang được đặt ra cho các hãng công nghệ: liệu họ có đang quá vội vàng, "đốt cháy giai đoạn" trong việc phát triển và tung ra sản phẩm, phớt lờ các tiêu chuẩn an toàn cốt lõi của người dùng chỉ để đạt được những mục tiêu kinh doanh của riêng mình?