Cần biết

Kiếm được 10 triệu/tháng vẫn là ước mơ của nhiều người có bằng giỏi, xuất sắc

Admin

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức lương của một người, bên cạnh trình độ của tấm bằng đại học.

Với khả năng kiếm tiền giỏi và tự học hỏi thêm kỹ năng mềm, nhiều sinh viên mới ra trường đã có thể kiếm đến mức lương trên 7 con số. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, không ít người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc vẫn chấp nhận lương dưới 10 triệu đồng, mặc dù trong tay có tấm bằng đẹp là loại giỏi và xuất sắc.

Có tấm bằng đẹp nhưng nhận lương dưới 10 triệu

N.M (25 tuổi) tốt nghiệp bằng giỏi của một trường Đại học đào tạo về Kinh tế lớn ở Hà Nội. Hiện cô nàng đang làm sale, vừa chuyển sang làm công ty mới trong 6 tháng với tổng thu nhập 9 triệu đồng/tháng. N.M nhận định nguyên nhân khiến cô nàng không có mức lương cao dù sở hữu tấm bằng đẹp là sau khi tốt nghiệp thì đã nhảy nhiều công việc. Có thời điểm do kinh tế khó khăn, không kiếm được việc làm nên N.M đã nghỉ công việc văn phòng trong hơn 1 năm rồi chuyển sang làm lễ tân. Sau đó, N.M lại chuyển về làm nhân viên công sở.

N.M chia sẻ: "Thời gian gần đây, mình gặp nhiều khó khăn trong công việc. Mỗi ngày đi làm với mình rất mệt mỏi. Vì mình nhận được lương không cao nhưng khối lượng công việc nhiều. Mình mới quay lại làm việc văn phòng nên dù đồng nghiệp tốt và luôn sẵn sàng giúp đỡ thì mình vẫn cảm thấy bản thân làm chậm, năng suất không xứng đáng với công sức bỏ ra.

Đôi lúc mình cũng thấy nản, muốn bỏ việc nhưng giờ nhảy việc gì cũng khó. Giờ xung quanh nhìn bạn bè đã kiếm được lương 2x, 3x triệu/tháng thì lại càng khiến mình lo lắng hơn".

Ảnh minh hoạ

N.M cho hay, ở thời điểm mới ra trường, cô cũng kỳ vọng tấm bằng loại giỏi có thể mang lại cho bản thân mức lương 7 chữ số. Tuy nhiên, tình hình thị trường lao động khó khăn và năng lực bản thân không cao đã khiến viễn cảnh này khó xảy ra. 

"Mình còn nhớ, thầy trưởng khoa từng nói tấm bằng của trường chỉ có tác động với nhà tuyển trong 3 năm đầu sau khi ra trường. Mình nhận thấy một tấm bằng đẹp chỉ giúp bản thân ở vòng CV, còn để có được mức lương cao hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như trình độ chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ,... Dù đi làm được 3 năm, nhưng kinh nghiệm cá nhân còn thấp nên việc mình chỉ được trả lương dưới 10 triệu là điều bản thân chấp nhận được", cô nàng chia sẻ. Về dự định tương lai, N.M muốn tiếp tục gắn bó lâu dài với nghề sale sau nhiều lần nhảy việc, với mức thu nhập mục tiêu là kiếm được trên 20 triệu/tháng sau 2 năm tới.

Một trường hợp khác, Quỳnh (27 tuổi, Hà Nội) cho rằng: Một tấm bằng đẹp cũng không thể là "cánh cửa" chắc chắn để bạn kiếm được mức thu nhập trên 7 con số. Đơn cử Quỳnh nhận được tấm bằng xuất sắc, nhưng khi ra trường thì chỉ nhận được mức lương khởi điểm là dưới 10 triệu đồng. Thời điểm đó, Quỳnh hiểu mức lương của mình thấp hơn so với mặt bằng chung, nhưng xét về khối lượng công việc và môi trường làm việc, cô vẫn hài lòng với số tiền nhận được.

Quỳnh nhớ lại: "Công việc khởi điểm của mình khi vừa ra trường là làm content, kiếm 8,5 triệu/tháng. Sau 3 năm, mình làm leader truyền thông thì nhận được lương 14 triệu/tháng. Cho đến hiện tại, mức lương văn phòng của mình tăng lên 16 triệu/tháng, kết hợp làm thêm bên ngoài thì tổng thu nhập là 35 triệu/tháng.

Nói về thăng chức ở công ty thì thực chất là làm nhiều hơn, nhưng không được quản lý hay chia sẻ đầu việc cho nhân viên nào. Thời gian đầu mới thăng chức, mình từng stress vì khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi nhiều trách nhiệm. Tuy nhiên, bằng nhiều cách thì mình vẫn vượt qua và trụ lại được với công việc. Trong suốt quá trình đi làm, kiến thức ở trường Đại học chỉ đóng góp 10% vào giá trị công việc, còn lại là kỹ năng mềm và khả năng tự học mới tạo nên mức thu nhập hiện tại".

Theo Quỳnh, dẫu cô nàng làm công việc đúng chuyên ngành Đại học nhưng kiến thức ở giảng đường không giúp nhiều cho cô. Cô nàng chia sẻ: "Với mình, mức lương hiện tại không phản ánh về trình độ đại học của bản thân. Khi đi làm, mình phải cố gắng trau dồi thêm kỹ năng mới, học hỏi nhiều hơn ở công ty, mở rộng mối quan hệ. Những kỹ năng này mới giúp mình gia tăng thu nhập và bổ sung thêm kiến thức cho bản thân".

Ảnh minh hoạ

Làm sao để giảm áp lực khi lương chưa cao sau khi vừa mới ra trường?

Quỳnh chia sẻ, cô từng gặp áp lực đồng trang lứa khi so sánh tiền lương của bản thân với nhiều người bạn, đặc biệt là người cùng tuổi quen biết trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cô nghĩ bản thân cần hiểu rõ lộ trình thăng tiến cá nhân, đồng thời xác định "mỗi người một hoàn cảnh" thì áp lực tâm lý sẽ vơi bớt nhiều hơn.

Với những bạn trẻ mới ra trường, Quỳnh khuyên không nên đặt kỳ vọng quá lớn vào mức lương trong những công việc đầu tiên bạn mới làm. Cô nàng nói thêm: "Mình nghĩ thu nhập bao nhiêu sau khi vừa tốt nghiệp không quan trọng bằng việc bạn sẽ được nhận vào môi trường nào. Những năm đầu đi làm là thời gian để bạn học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm định hướng rõ ràng cho những năm tiếp theo.

 Với những người ít kinh nghiệm, nếu bạn muốn tăng lương thì cần chăm chỉ làm việc, thậm chí sẵn sàng làm thêm ngoài giờ. Mới ra trường, đi tìm việc thì tâm lý tự ti xuất hiện với bạn cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, với những bạn không có kinh nghiệm và tố chất thì cái quan trọng nhất mà bạn có là tuổi trẻ và năng lượng. Vẫn còn nhiều công ty cần yếu tố đó nên họ hoàn toàn có thể tuyển bạn để chuyển đổi thành giá trị cho công ty.  Bên cạnh đó, dù nhận lương thấp thì bạn vẫn nên thấy tự hào với công sức bỏ ra".

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, Quỳnh cho rằng dù ở mức lương nào thì người trẻ cũng nên bắt đầu học cách kiểm soát tài chính và đầu tư hiệu quả từ sớm.  "Có người làm 10 đồng thì tiêu hết 11 đồng. Có người làm 7 đồng nhưng tiết kiệm được 5 đồng. Do đó so với người lương cao, nếu bạn biết chi tiêu khéo léo thì khoản tiết kiệm vẫn còn nhiều hơn. Ngẫm lại thời điểm mới ra trường, mình vẫn còn hối hận vì bản thân đã tiêu xài quá nhiều khoản phung phí, không biết cách tiết kiệm. Nếu mình sớm tìm hiểu về quản lý tài chính thì có lẽ giờ mình đã đủ tiền để thực hiện nhiều mục tiêu tài chính lớn hơn, chẳng hạn là lướt sóng đất", cô nàng bộc bạch.

Trong khi đó, Đức Duy (28 tuổi) đang làm trong lĩnh vực logistic, chia sẻ thời điểm mới ra trường, anh chỉ nhận lương khởi điểm 6 triệu đồng. Nhưng sau nhiều năm lăn lộn, mức lương của anh đã gấp nhiều lần con số ban đầu.

Từ trải nghiệm cá nhân, anh cho rằng mức lương 10-12 triệu đồng cho sinh viên mới ra trường, kể cả có bằng cấp đẹp hay không, là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, để có được mức thu nhập tốt như thế thì các bạn cần đi làm từ sớm, chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm và tham gia các khoá học kỹ năng mềm để cơ hội việc làm rộng mở hơn.

"Nhiều bạn trong công ty mình nhờ có trình độ tiếng Anh và kỹ năng công việc tốt mà kiếm được 10-15 triệu đồng/tháng là chuyện bình thường. Giờ ngẫm lại, mình vẫn hối tiếc vì thời đại học từng không chịu chủ động tìm kiếm cơ hội, dẫn đến không có nhiều kinh nghiệm làm việc.

Theo mình, có những bạn trẻ thời nay mới ra trường đã kiếm được mức lương 7 chữ số vì 2 lý do. Thứ nhất, các bạn có trình độ chuyên môn và kỹ năng mềm tốt. Thứ hai có những bạn chưa có kinh nghiệm gì hết cũng làm được lương cao vì công ty nhìn thấy bạn có phẩm chất để đào tạo trong thời gian ngắn nhất. Vì vậy, nếu không có kinh nghiệm thì bạn phải chứng mình được bản thân có phẩm chất phù hợp thông qua kỹ năng mềm, đi kèm với thái độ chuyên nghiệp", Đức Duy chia sẻ bí quyết tìm công việc lương cao cho sinh viên mới ra trường.