ĐẦU TƯ

Kinh tế Việt Nam có thể lập kỳ tích, vượt qua một loạt nước

Admin

Kinh tế Việt Nam được nhận định tươi sáng.

Theo báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) của Anh, Việt Nam được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á sau Indonesia và là nền kinh tế lớn thứ 20 trên thế giới vào năm 2036.

Cụ thể, báo cáo nhận định câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không gì khác “một phép màu”, với cải cách đổi mới vào giữa những năm 1980, cùng với các xu hướng toàn cầu thuận lợi, giúp quốc gia này đạt được tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Và đưa đất nước từ một quốc gia nghèo trở thành một quốc gia có tầng lớp trung lưu thấp.

Báo cáo nhận xét rằng để đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm khoảng 5% bình quân đầu người.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức chính trên con đường trở thành quốc gia có thu nhập cao. Với việc thương mại toàn cầu suy giảm và dân số già đi, Việt Nam cần cải thiện đáng kể hiệu quả thực hiện chính sách, đặc biệt là trong các lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tự động hóa và biến đổi khí hậu.

Trong giai đoạn 2021-2036, CEBR dự báo vị thế của Việt Nam trong Bảng xếp hạng kinh tế thế giới sẽ được cải thiện đáng kể, với thứ hạng tăng từ 41 lên 20 vào năm 2036.

Trong giai đoạn 2021-2036, CEBR dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng từ vị trí 41 lên vị trí 20 toàn cầu vào năm 2036. Ảnh minh hoạ.

Khi đó, Việt Nam sẽ đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Nếu dự báo của CEBR là đúng, đến năm 2036, kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Ba Lan, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Bỉ và Australia.

Năm 2025, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng dẫn đầu ASEAN

Trước đó, Ngân hàng Thế giới công bố dự báo tăng trưởng năm 2025 cho các nước ASEAN, trong đó kinh tế Việt Nam dự kiến dẫn đầu với mức 5,8% , Philippines với mức 5,3%, tiếp theo là Indonesia với mức 4,7%, Campuchia với mức 4% và Thái Lan với mức 1,65%, theo tờ FMT (Malaysia).

Theo báo cáo, sau giai đoạn ảm đạm của năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi ấn tượng nhờ nhu cầu bên ngoài tăng mạnh, giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng tới 15,5% trong năm 2024. Cùng với đó, lĩnh vực bất động sản cũng ghi nhận dấu hiệu khởi sắc nhờ lãi suất vay mua nhà hấp dẫn hơn và nguồn cung dự án mới tăng trở lại, tạo đà cho đầu tư tư nhân trong nước.

Các diễn biến khả quan đã giúp thị trường lao động cải thiện đáng kể. Tăng trưởng việc làm trong ngành chế biến chế tạo đã tăng lên 3,4% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 11/2024, so với mức giảm 2,3% của một năm trước đó. Thu nhập thực tế tăng 4,8%, cao hơn đáng kể so với mức 1,3% của năm 2023, nhờ điều kiện thị trường lao động cải thiện và mức lương khu vực công được điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, tăng trưởng thu nhập chưa hoàn toàn chuyển sang tiêu dùng nội địa do tỷ lệ tiết kiệm vẫn ở mức cao, đạt 37,2% trong năm 2024.

WB cho rằng, là một nền kinh tế định hướng xuất nhập khẩu (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương gần 170% GDP), nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương trước các biến động trong chính sách thương mại toàn cầu. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 30% tổng kim ngạch, trong khi Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu chủ yếu (38%).

Trong bối cảnh bất ổn gia tăng, niềm tin của người tiêu dùng có thể tiếp tục suy yếu, kéo theo chi tiêu tiêu dùng thấp. Trong khi đó, các rủi ro trong lĩnh vực tài chính vẫn hiện hữu. Mặc dù Chính phủ còn dư địa tài khóa để kích cầu, việc thực thi các biện pháp hỗ trợ có thể bị cản trở bởi tình trạng giải ngân đầu tư công chậm kéo dài.

Ngân hàng Thế giới cảnh báo, các rủi ro bên ngoài - như sự thay đổi bất lợi trong chính sách thương mại, tốc độ tăng trưởng toàn cầu thấp hơn kỳ vọng và mức độ bất định cao trong các chính sách toàn cầu - có thể làm chậm đà xuất khẩu cũng như dòng đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).