Dù không phải là địa phương đứng đầu trong bảng xếp hạng PCI, nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Ninh Thuận cải thiện mạnh mẽ từ vị trí 49 năm 2021 lên vị trí 13 trong năm 2024. Điều này đã cho thấy sự thành công trong cải cách bộ máy hành chính, hiệu quả trong thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế địa phương luôn ở mức 2 con số những năm qua.
Năng lực cạnh tranh của tỉnh tăng nhanh trong 02 năm qua – Nguồn: VCCI
Chỉ trong vòng 3 năm gần đây, chỉ số cạnh tranh năng lực cấp tỉnh (PCI) của Ninh Thuận được cải thiện đáng ngạc nhiên. Nếu như những con số 38, 43, 49, thậm chí là 52 trong giai đoạn 2013-2021 là những vị trí mà Ninh Thuận "ngậm ngùi" dậm chân tại chỗ về năng lực cạnh tranh, thì nay thứ hạng của tỉnh trên "bản đồ PCI" đã trở thành kỳ tích của khu vực duyên hải miền Trung.
Chỉ số PCI năm 2024 của Ninh Thuận đạt 69,61, nằm trong Top cao của khu vực Duyên hải miền Trung – Nguồn: VCCI
Để có được thành tựu này, phải kể đến chiến lược đúng đắn của lãnh đạo địa phương khi đưa ra hàng loạt cải cách táo bạo, như: thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020; thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận từ việc hợp nhất 03 đơn vị: Văn phòng Phát triển kinh tế thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công Thương, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch… với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư… Song song đó, tỉnh cũng lựa chọn mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh…
Điều quan trọng nhất là việc cải cách hành chính đã giúp các chỉ số về: gia nhập thị trường, chi phí thời gian, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý… liên tục được cải thiện và luôn ở mức con số trên 7.0 đến 8.0 trong bảng xếp hạng PCI.
Cụ thể, những nỗ lực cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, tăng cường dịch vụ công cấp độ 4, đã giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư so với quy định của Trung ương (từ 29 ngày làm việc còn 23 ngày làm việc).
Chỉ số về tiếp cận đất đai là một ưu tiên khi đầu tư vào tỉnh. Toàn bộ các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư cao nhất. Vì vậy, giá thuê đất các khu công nghiệp tại Ninh Thuận chỉ bằng 30% so với mức bình quân chung cả nước.
Ngoài ra, tỉnh cũng có chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực, ngành, nghề ưu đãi theo quy định của Luật Đầu tư…
Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ đầu tư cho các dự án trong các khu công nghiệp. Cụ thể, đối với việc xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp Phước Nam, Du Long, Cà Ná, nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất toàn bộ thời gian và được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 10% áp dụng trong 15 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh; miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo (áp dụng cho các dự án thứ cấp đầu tư vào 3 khu công nghiệp trên).
Trong công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ; duy trì đối thoại doanh định kỳ để kịp thời tháo gỡ khó khăn; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Với những cải thiện mạnh mẽ, những năm qua Ninh Thuận đã thu hút loạt đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trong năm 2024, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư để triển khai thực hiện 13 dự án với tổng vốn đăng ký 32.846 tỷ đồng; điều chỉnh 53 dự án với tổng vốn tăng thêm khoảng 18.414 tỷ đồng. Trong số những dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, có những dự án có quy mô lớn, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm tới như Dự án Thủy điện tích năng Phước Hoà (tổng vốn đầu tư 22.865 tỷ đồng), Dự án Khu đô thị mới Tây Bắc (7.750 tỷ đồng), Dự án Nhà ở xã hội tại Khu tái định cư Thành Hải (1.136 tỷ đồng), Dự án Phan Rang Center (864 tỷ đồng)…
Trong 2 năm gần đây, hàng loạt công trình hạ tầng giao thông đã được khánh thành đưa vào hoạt động, như: dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam dài 61,5 km tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Dự án tuyến đường Văn Lâm - Sơn Hải dài 13,077 km, thuộc xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Dự án đường Vành đai phía Bắc dài 10,42 km, thuộc xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc. Dự án tuyến đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, với chiều dài 63,32 km… nhằm "rút ngắn khoảng cách vùng, miền".
Đặc biệt, năm 2025, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước, gắn với triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII; chuẩn bị các điều kiện thực hiện chủ trương tái khởi động Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận; kêu gọi đầu tư dự án điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch Điện VIII được duyệt; hoàn thành Đề án Xây dựng Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết tỉnh xác định liên kết, hợp tác có ý nghĩa quan trọng để tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với các tỉnh trong thúc đẩy phát triển kinh tế vùng cũng như khai thác các tiềm năng và thế mạnh của mỗi địa phương; thiết lập được khung pháp lý và tạo cơ chế để các cơ quan, doanh nghiệp các tỉnh có điều kiện triển khai các chương trình, dự án cụ thể. Đồng thời, qua hợp tác, năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ trong tỉnh từng bước được nâng cao, góp phần tích cực hội nhập vào kinh tế khu vực và cả nước.