Cần biết

Làm điều này ngay sau đám cưới, cặp vợ chồng TP HCM mua được căn nhà 2 tỷ đồng

Admin

Cả hai mua được căn nhà đầu tiên nhờ nỗ lực tiết kiệm và gia tăng thu nhập.

Tháng 10/2024, vợ chồng Nguyễn Diệp (28 tuổi, nhân viên thiết kế đồ hoạ cho agency nhỏ) - Trần Bình (30 tuổi, kỹ thuật viên IT) đã mua căn hộ chung cư tầm trung ở quận 12 (TP.HCM), với giá 2 tỷ đồng. “Không phải căn hộ cao cấp, cũng chẳng có tiện ích gì đặc biệt, nhưng đó là thứ tài sản lớn đầu tiên đứng tên cả hai. Với mình, nó là cột mốc để biết rằng: Ừ, cuối cùng tụi mình cũng có một chốn để về thật sự”, Diệp tâm sự.

Mỗi tháng dành ít nhất 50% thu nhập để tiết kiệm mua nhà

Thời điểm mới cưới là năm 2018, tổng lương từ công việc chính của hai vợ chồng là 23-25 triệu đồng/tháng. “Ngay sau cưới, tụi mình ngồi xuống viết rõ ra: thu nhập từng người, chi tiêu từng tháng, phần nào sẽ để tiết kiệm. Mỗi tháng chúng mình dành ít nhất 50% để tiết kiệm sớm mua được nhà. Nguyên tắc là một người chi, một người giữ. Mình lo các khoản sinh hoạt còn chồng giữ phần còn lại để tiết kiệm. Có tháng chỉ tiêu 6,5 triệu thôi, còn lại để dành hết”, Diệp nói.

Ngoài thu nhập chính, cả hai cũng nhận công việc làm thêm bên ngoài. Diệp nhận thiết kế ngoài buổi tối, còn Bình từng đi dạy kỹ năng văn phòng cơ bản ở trung tâm tin học vào cuối tuần. Nhờ vậy, đến giữa năm 2024, hai vợ chồng đã tiết kiệm được 520 triệu đồng tiền mặt, chưa kể 1 khoản 30 triệu trong quỹ khẩn cấp.

Ảnh minh hoạ

Đầu tháng 9/2024, khi đi xem một dự án chung cư đã bàn giao ở quận 12, TP.HCM, cả hai vợ chồng lập tức “chốt” vì thấy phù hợp với túi tiền: căn hộ 52m2, 2 phòng ngủ, giá 2 tỷ đồng.

“Lúc đó trong tay có đúng 520 triệu, mà cọc giữ chỗ là 100 triệu. Mình với chồng bàn nhau trong vòng 1 tháng phải xoay đủ 600 triệu để đặt cọc chính thức, nếu không là mất tiền cọc”, Diệp kể.

May mắn là ba mẹ Bình hỗ trợ cho mượn 600 triệu không lãi suất, không ép phải trả ngay, còn lại hai vợ chồng vay ngân hàng 970 triệu đồng, kỳ hạn 20 năm, lãi suất thời điểm đó khoảng 9,2%/năm. “Ngân hàng duyệt nhanh vì hồ sơ của tụi mình minh bạch, thu nhập rõ ràng, không có nợ xấu. Nhưng mỗi tháng phải trả khoảng 10,7–11 triệu tiền gốc và lãi, nên cũng áp lực nhiều lắm”, Diệp chia sẻ.

Lời khuyên dành cho người muốn mua nhà

Từ ngày chuyển về nhà mới, cuộc sống của Diệp và Bình thay đổi đáng kể. “Trước đây, tụi mình nơm nớp lo lỡ bị tăng tiền trọ, hoặc chủ nhà cần lấy lại thì không biết đi đâu. Bây giờ thì khác, tất cả mọi thứ đều do mình quyết định”, Diệp nói.

Cũng từ đó, hai người thiết lập lại quỹ tài chính cá nhân gồm: (1) Quỹ khẩn cấp: duy trì ở mức 30–40 triệu đồng, đề phòng rủi ro: (2) Quỹ đầu tư: mỗi tháng dành 2–3 triệu để đầu tư vào quỹ mở hoặc mua chứng chỉ tiền gửi; (3) Quỹ sinh hoạt ổn định: chia lương mỗi người thành nhiều phần, trong đó ưu tiên trả ngân hàng đúng hạn.

Ảnh minh hoạ

Sau khi ký hợp đồng mua nhà, Diệp dành gần 2 tháng nghiên cứu cách thiết kế nội thất. Hai vợ chồng chọn gói thi công đơn giản, tổng chi phí hoàn thiện là 110 triệu đồng, bao gồm sơn sửa, đóng tủ, mua đồ gia dụng. Để tiết kiệm, Bình tự tay lắp đặt các món nội thất, còn Diệp lên ý tưởng bố trí từng khu.

“Căn bếp chỉ dài 2m, nhưng là nơi mình đầu tư kỹ nhất vì mình thích nấu ăn. Phòng khách thì mua lại ghế cũ, bàn trà thanh lý. Tổng cộng tiền mua đồ second hand là khoảng 14 triệu thôi, nhưng khi sắp xếp lên thì nhìn vẫn rất gọn và sáng sủa”, Diệp nói.

Sau cùng, Diệp không cho rằng ai cũng phải mua nhà, nhất là trong bối cảnh giá bất động sản vẫn cao và nhiều người trẻ chọn cách sống linh hoạt. Nhưng nếu đã xác định thì càng bắt đầu sớm, con đường càng ngắn lại.

“Quan trọng là hai vợ chồng đồng lòng với mục tiêu mua nhà. Nếu mình tiết kiệm mà người kia không hiểu, thì không thể đi đường dài được. Tụi mình từng cãi nhau vì chuyện mua điện thoại, mua máy lạnh. Nhưng khi thống nhất được ưu tiên là nhà, thì mọi quyết định sau đó đều dễ dàng hơn”, Diệp nói.