ĐẦU TƯ

Liên danh của đại gia Vũ Văn Tiền đề xuất xây siêu cảng hơn 50.000 tỷ, Bộ Xây dựng vừa nói gì?

Admin

Bộ Xây dựng vừa trả lời đề xuất của liên danh này.

Bộ Xây dựng vừa có công văn số 6544/BXD - KHTC gửi Bộ Tài chính tham gia ý kiến đối với hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư 50.820 tỷ đồng do liên danh 3 nhà đầu tư, bao gồm Tập đoàn Geleximco (ông Nguyễn Văn Tiền là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco) - CTCP Vận tải và Thương mại quốc tế (ITC) và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đề xuất.

Theo đó, tại công văn số 6544, Bộ Xây dựng khẳng định rằng, hồ sơ đề xuất chủ trương dự án của liên danh Geleximco – ITC – SCIC phù hợp với định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam và Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển thời kỳ 2021 - 2030, thời kỳ 2050 về mục tiêu đầu tư, quy mô cỡ tàu, số lượng và công năng các bến cảng.

Ngoài ra, đề xuất phân kỳ đầu tư dự án cũng phù hợp lộ trình đầu tư theo quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 và sau năm 2030.

Về quan điểm, Bộ Xây dựng ủng hộ việc kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế nhằm thực hiện đầu tư một cách đồng bộ, tổng thể khu bến Cái Mép Hạ để nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất, mặt nước, khu vực biển, tăng cường sự kết nối, tương thích giữa cơ sở hạ tầng và ứng dụng khoa học - công nghệ. Từ đó, góp phần hiện thực hóa định hướng quy hoạch cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng đặc biệt (cửa ngõ quốc tế), đồng thời khắc phục được hạn chế trong việc đầu tư, khai thác nhỏ lẻ tại một số khu vực cảng biển thời gian qua.

Công văn của Bộ Xây dựng nêu rõ rằng: "Việc đầu tư đồng bộ cả khu bến Cái Mép Hạ (có phân kỳ đầu tư theo quy hoạch) sẽ tối ưu hóa khả năng khai thác tuyến mép bến cho cỡ tàu lớn, nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác, phù hợp với xu thế phát triển của Việt Nam và quốc tế hiện nay".

Về sự cần thiết đầu tư, theo Bộ Xây dựng, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 7 bến cảng có chức năng khai thác hàng container với công suất quy hoạch đến năm 2020 đạt 7,66 triệu Teu/năm. Trong đó, khu bến Cái Mép có 5 bến cảng (Gemalink, SSIT, TCTT, CMIT, cảng container Cái Mép Thượng - TCCT&TCIT) và khu bến Thị Vải có 2 bến cảng (SP-PSA, SITV).

Trên thực tế, theo số liệu thống kê, lượng hàng container thông qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu hàng hóa trung bình trong 3 năm vừa qua đạt trên 8 triệu Teu/năm, tập trung chủ yếu vào 5 bến cảng ở Khu bến Cái Mép. Do đó, đến nay, lượng hàng container thông qua đã vượt quá công suất thiết kế của các bến container tại khu vực Cái Mép.

Mặt khác, theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, Cái Mép - Thị Vải là khu bến được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến 2030. Vì vậy, Bộ Xây dựng nhấn mạnh việc sớm triển khai việc lựa chọn đầu tư khu vực Cái Mép Hạ theo quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch là cần thiết.

Đáng chú ý, về hiệu quả đầu tư, vì đây là dự án sử dụng vốn doanh nghiệp để đầu tư nên Bộ Xây dựng đề nghị liên danh nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán, cân nhắc và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư dự án.

Liên danh Geleximco đề xuất gì?

Phối cảnh của toàn bộ Trung tâm logistics Cái Mép Hạ gắn với khu thương mại tự do. Ảnh: AP

Trước đó, theo đề xuất của liên danh Geleximco - ITC - SCIC, dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ có mục tiêu xây dựng cảng tổng hợp và container với chức năng là cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, với diện tích sử dụng đất 351,2 ha, công suất thông qua cảng đạt 10,8 triệu Teu/năm. Đồng thời, cảng tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 250.000 tấn, loại lớn nhất thế giới hiện nay.

Đặc biệt, quy mô đầu tư bao gồm 17 bến cảng với tổng chiều dài khoảng 5,9 km (không bao gồm bến sà lan thu gom hàng hóa); khu cảng container có diện tích 229,4 ha, gồm 6 bến/2,928 km tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 tấn (24.000 Teu) và lớn hơn; 4 bến/1,5 km tiếp nhận tàu trọng tải đến 120.000 tấn (9.000 Teu); 7 bến/1,9 km bến cảng cho tàu feeder trọng tải đến 50.000 tấn (4.000 Teu); 1,2 km bến tàu, sà lan 5.000÷7.000 tấn cùng hệ thống bãi công ten nơ, kho hàng, khu chiếu xạ, các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Tổng vốn đầu tư dự án siêu cảng này là 50.820 tỷ đồng, phân kỳ 3 giai đoạn, bao gồm giai đoạn 1 (2025- 2030) là 12.500 tỷ đồng; giai đoạn 2 (2031-2040) là 13.220 tỷ đồng; giai đoạn 3 (2041-2050) là 25.100 tỷ đồng.

Chia sẻ với báo chí, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco cho biết, 3 thành viên trong liên danh rất quyết tâm khi đã kiên trì theo đuổi nghiên cứu và đề xuất đầu tư dự án gửi đến các cấp có thẩm quyền trong nhiều năm qua. Chủ tịch Tập đoàn Geleximco khẳng định, liên danh SCIC - Geleximco - ITC sẽ cam kết giải quyết được các vướng mắc khó khăn của nhà đầu tư cũ và có đủ năng lực để triển khai đầu tư xây dựng dự án phù hợp với quy hoạch mới.