ĐẦU TƯ

Loạt công ty chứng khoán lỗ khi "cầm" cổ phiếu ngân hàng

Admin

Năm 2024 vừa qua, những công ty chứng khoán như SSI, SHS, VNDirect đều tạm lỗ khi ôm cổ phiếu ngân hàng.

Tự doanh là một phần quan trọng trong cơ cấu doanh thu của các công ty chứng khoán, thể hiện hoạt động mua bán chứng khoán nhằm thu lợi nhuận. Mảng này bao gồm ba loại tài sản tài chính: Tài sản ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL); Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM); Tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS).

Trong đó, lãi từ FVTPL và HTM sẽ được ghi nhận vào kết quả kinh doanh, trong khi lãi từ AFS sẽ được hạch toán vào vốn chủ sở hữu, không ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh hàng quý. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán có thể điều tiết lợi nhuận bằng cách chuyển đổi các khoản đầu tư từ AFS sang FVTPL.

Về phần HTM, đây chủ yếu là các khoản đầu tư với lãi suất cố định, như tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, cho vay lấy lãi và công cụ thị trường tiền tệ.

Mảng xám trong danh mục tự doanh

Theo thống kê của Người Đưa Tin, trong năm 2024 vừa qua nhiều công ty chứng khoán đã đầu tư mạnh mẽ vào cổ phiếu VPB.

Năm 2024, cổ phiếu VPB gần như đi ngang, khi mở cửa ở vùng 18.000 đồng và kết năm ở mức 19.000 đồng. Trong năm qua, mã VPB chứng kiến nhiều lần giảm xuống vùng 17.000 đồng vào tháng 3, 4, 8. Trong khi đó vùng đỉnh cao nhất hồi giữa tháng 10 cũng chỉ quanh 20.000 đồng/cổ phiếu rồi nhanh chóng hạ xuống 19.000 đồng.

Diễn biến trên cũng khiến nhiều công ty chứng khoán tạm lỗ khi "ôm" cổ phiếu VPB.

Diễn biến cổ phiếu VPB trong thời gian qua.

Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) là một trong những công ty chứng khoán có danh mục tự doanh lớn nhất thị trường, nổi bật là VPB chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục này.

Thời điểm 31/12/2024, danh mục tài chính FVTPL của SSI có giá gốc 42.283,9 tỷ đồng, giảm 1.553 tỷ đồng so với đầu năm. Song, giá trị hợp lý lại ghi nhận 42.087,6 tỷ đồng, tương ứng SSI đang tạm lỗ 196 tỷ đồng ở danh mục này.

Trong đó, SSI đầu tư hơn 824 tỷ đồng vào VPB và tạm lỗ gần 14 tỷ đồng. Ngoài ra, SSI cũng đầu tư gần 120 tỷ đồng vào HPG cũng tạm lỗ gần 1 tỷ đồng. Trái phiếu có giá trị hợp lý 14.949 tỷ đồng, cao hơn 226 tỷ đồng so với giá gốc.

Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) cũng tạm lỗ 30 tỷ đồng khi đầu tư vào VPB 448,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư vào HSG có giá gốc 379 tỷ đồng và tạm lãi 36 triệu đồng; giá trị đầu tư vào các cổ phiếu khác là 615 tỷ đồng và lãi 26,5 tỷ đồng.

Danh mục tự doanh của VNDirect tại thời điểm 31/12/2024.

Thời điểm cuối quý IV/2024, danh mục FVTPL của VNDirect có giá gốc 24.526,2 tỷ đồng, tăng 7.887,3 tỷ đồng so với hồi đầu năm và tạm lãi 7 tỷ đồng. Trong đó, công ty đầu tư hơn 10.630,5 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết; hơn 76.562 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi; hơn 3.985,6 tỷ đồng trái phiếu niêm yết.

Cùng hoàn cảnh với SSI và VNDirect, thời điểm 31/12/2024, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS) cũng tạm lỗ 50 tỷ đồng khi đầu tư 350 tỷ đồng vào cổ phiếu VPB.

Trong khi đó, các khoản đầu tư khác của SHS phần lớn là có lãi. Đơn cử công ty lãi 2,2 lần khi đầu tư 178 tỷ đồng vào cổ phiếu FRT, lãi 53% khi đầu tư 294 tỷ đồng vào cổ phiếu VTP, lãi 51% khi đầu tư 136 tỷ đồng vào cổ phiếu FPT. Khoản đầu tư 141 tỷ đồng vào cổ phiếu MWG cũng mang lại 40 tỷ đồng lợi nhuận cho SHS.

Cái tên mới xuất hiện trong top công ty chứng khoán cho vay margin cao nhất

Trong danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS), SHS tạm lãi 274 tỷ đồng với khoản đầu tư vào SHB có giá gốc 275 tỷ đồng, tuy nhiên lại lỗ gần 137 tỷ đồng với cổ phiếu TCD có giá gốc 200 tỷ đồng.

Còn Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC - HoSE: HCM) thì khá khẩm hơn khi tạm lãi hơn 100 triệu đồng khi đầu tư 48 tỷ đồng vào cổ phiếu VPB.

Danh mục cổ phiếu đầu tư của Chứng khoán HSC chủ yếu là các ngân hàng. Cụ thể, HSC đầu tư vào ACB 393 tỷ đồng và tạm lãi 5 tỷ đồng; MBB có giá gốc 54,7 tỷ đồng và tạm lãi gần 2 tỷ đồng; TCB có giá gốc 82,7 tỷ đồng và tạm lãi gần 3 tỷ đồng; HDB có giá gốc 43,6 tỷ đồng và tạm lãi 4,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công ty đang lỗ hơn 2 tỷ đồng khi đầu tư gần 440 tỷ đồng vào STB; khoản đầu tư gốc 26,6 tỷ đồng vào VCB cũng tạm lỗ gần 500 triệu đồng.

Kỳ vọng cổ phiếu VPB tăng 24%

Trước tình hình trên, câu hỏi đặt ra là liệu các công ty chứng khoán như SSI, VND, SHS có thể "về bờ" khi ôm cổ phiếu VPB trong thời gian tới?

Theo SSI Research, năm 2024, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng 85% so với năm 2023. Đặc biệt, trong quý IV/2024, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 6.100 tỷ đồng, tăng 143% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả trên phần lớn đến từ thu nhập từ thu hồi nợ, đạt 1.600 tỷ đồng trong quý IV/2024, gấp đôi so với quý III. Trong năm, ngân hàng cũng đã mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên 27.900 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ.

SSI Reseach nhận xét, điểm nhấn của VPBank trong năm 2024 là tăng trưởng tín dụng đạt mức 19,4%, thuộc nhóm ngân hàng dẫn đầu thị trường.

Tăng trưởng tín dụng của VPBank chủ yếu đến từ: Cho vay các chủ đầu tư bất động sản tăng thêm 19.400 tỷ đồng so với quý trước; Kinh doanh hộ gia đình tăng thêm 9.900 tỷ đồng so với quý trước; Cho vay mua nhà tăng thêm 8.200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng cải thiện thêm 19 điểm cơ bản, đạt 4,93% trong quý IV/2024, cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của VPBank ngày càng được nâng cao.

Theo SSI Reseach, cổ phiếu VPB đang giao dịch quanh mức 18.900 đồng/cổ phiếu, với chỉ số P/B (giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) ở mức 1,07x, thấp hơn so với mức trung bình lịch sử của năm 2017 là 1,63x.

Dựa trên kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng và tiềm năng tăng trưởng, SSI Research đưa ra khuyến nghị KHẢ QUAN với cổ phiếu VPB, cùng giá mục tiêu trong 1 năm là 23.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng kỳ vọng 24% so với hiện tại.