GIỚI CHỦ

Lý do doanh nghiệp chi tiền 'khủng' sở hữu trường học

Admin

Trường Đại học Hùng Vương TPHCM sẽ trở thành công ty con trong hệ sinh thái của ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc. Trước đó, nhiều tập đoàn đã chi nghìn tỷ mua lại các trường đại học bởi "miếng bánh" béo bở từ học phí.

Đưa trường này vào danh sách công ty con

Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) vừa thông qua việc góp 110 tỷ đồng vào Trường Đại học Hùng Vương TPHCM để nắm 51,79% vốn điều lệ, đưa trường này vào danh sách công ty con.

KBC sẽ góp 110 tỷ đồng vào Trường đại học Hùng Vương TPHCM để nắm 51,79% vốn điều lệ.

Trước đó, ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị KBC - đã có nhiều mối liên hệ với Trường ĐH Hùng Vương TPHCM từ rất lâu.

Tháng 8/2011, UBND TPHCM quyết định thanh tra toàn diện Trường Đại học Hùng Vương. Đầu năm 2012, ông Tâm bị tạm đình chỉ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị trường này, ông Lê Văn Lý bị tạm đình chỉ chức hiệu trưởng. Cũng trong năm đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định ngừng tuyển sinh đối với trường này.

Ngoài Trường Đại học Hùng Vương, tại thời điểm ngày 31/3 ghi nhận KBC có hàng chục công ty con, công ty liên kết; KBC có 229 nhân viên, tăng 3 người so với cuối năm 2024.

Quý I năm nay, KBC ghi nhận doanh thu đạt hơn 3.116 tỷ đồng (tăng gần 20 lần so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế ghi nhận 849 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ hơn 76 tỷ đồng (tăng thêm gần 926 tỷ đồng so với cùng kỳ).

Trong quý I, KBC ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm hơn 7.272 tỷ đồng.

Trong quý I, KBC ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm hơn 7.272 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 5.143 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 122 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương hơn 7.409 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Mảnh đất màu mỡ

Ngoài KBC, hàng loạt các tập đoàn, công ty tư nhân đã đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực giáo dục và xem đây là mảnh đất màu mỡ do ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế.

Ở khu vực phía Nam, Tập đoàn Nguyễn Hoàng lần lượt chi hàng ngàn tỷ đồng để sở hữu các trường đại học. Cụ thể, năm 2015, Nguyễn Hoàng mua lại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Khi đó, thị trường đồn đoán rơi vào khoảng 600 - 700 tỷ đồng. Năm 2016, Nguyễn Hoàng mua lại Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu. Tiếp đó, năm 2018, Nguyễn Hoàng hoàn tất việc mua lại Trường ĐH Gia Định.

Thương vụ lớn nhất của Nguyễn Hoàng phải kể đến là việc mua lại phần lớn cổ phần tại Trường ĐH Hoa Sen với số tiền hơn nghìn tỷ đồng. Năm 2020, Nguyễn Hoàng tiếp tục thâu tóm thêm Trường ĐH Công nghệ Miền Đông ở Đồng Nai.

Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng được Tập đoàn Nguyễn Hoàng mua lại năm 2015.

Tượng tự, Tập đoàn Hùng Hậu cũng có hệ thống với khá nhiều cơ sở giáo dục, gồm Trường Đại học Văn Hiến và nhiều trường cao đẳng, trung cấp.

Trong khi đó, Tập đoàn Thành Thành Công nắm cổ phần chi phối tại Trường Đại học Yersin Đà Lạt, Trường Cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi ở Đồng Nai và hàng chục trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Tuy nhiên, thương vụ thành công nhất phải kể đến Công ty CP Đầu tư Phát triển Giáo dục Hutech mua lại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM với giá hơn 100 tỷ. Hutech cũng được cho là chủ sở hữu Trường Đại học Công nghệ TPHCM.

Trường Đại học Văn Lang được cho là thuộc sở hữu của Tập đoàn Giáo dục Văn Lang.

Tập đoàn Giáo dục Văn Lang - một doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của "đại gia" Nguyễn Cao Trí cũng thâu tóm Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật Bình Dương. Tập đoàn Giáo dục Văn Lang cũng được biết đến là chủ sở hữu của Trường Đại học Văn Lang ở TPHCM. Tập đoàn FPT sở hữu 100% vốn tại Trường Đại học FPT và hệ thống trường cao đẳng, liên cấp từ tiểu học đến THPT.

Doanh thu nghìn tỷ

Báo cáo 3 công khai năm 2022 của các trường cho thấy, lĩnh vực giáo dục mang lại nguồn thu ngàn tỷ cho các trường đại học. Cụ thể, cả nước có 9 trường đại học đạt doanh thu nghìn tỷ, tăng 4 trường so với năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong 9 cơ sở giáo dục đại học này, Trường Đại học Văn Lang có tổng nguồn thu lớn nhất với 1.758 tỷ đồng. Kế đến là Trường Đại học Kinh tế TPHCM với hơn 1.443 tỷ đồng. Trường ĐH FPT đạt gần 1.300 tỷ đồng. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đạt 1.163 tỷ đồng. Trường Đại học Công nghệ TPHCM đạt 1.145 tỷ đồng…

Nhiều trường cũng có doanh thu tiệm cận nghìn tỷ, như Trường Đại học Hoa Sen (hơn 918 tỷ), Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng (886 tỷ), Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (785 tỷ), Trường đại học Công nghiệp Hà Nội (hơn 751 tỷ)...

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đạt doanh thu 1.476 tỷ trong năm 2023.

Đến năm 2023, Trường Đại học FPT dẫn đầu về tổng thu với gần 2.920 tỷ đồng, tăng 125% so với năm 2021. Tiếp đến là Trường Đại học Văn Lang với 2.286 nghìn tỷ đồng. Xếp thứ 3 là Đại học Bách khoa Hà Nội với 2.137 tỷ đồng.

Các trường dẫn đầu về doanh thu năm 2023 còn có Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (1.476 tỷ), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (1.410 tỷ), Trường Đại học Công nghệ TPHCM (1.260 tỷ), Trường Đại học Tôn Đức Thắng (1.141 tỷ), Trường Đại học Công nghiệp TPHCM (1.010 tỷ).

Trường Đại học Hoa Sen doanh thu 870 tỷ đồng/năm, trong đó học phí là 743 tỷ đồng. Trường Đại học Ngoại thương hơn 763 tỷ đồng, trong đó học phí hơn 527 tỷ đồng. Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM 557 tỷ đồng.