Cần biết

Mang gần 7 tỷ đồng đi gửi tiết kiệm, 2 năm sau, người phụ nữ sốc nặng khi tài khoản còn 0 đồng

Admin

Sau 2 năm gửi tiết kiệm tại ngân hàng, người phụ nữ sốc nặng khi tài khoản tiền tỷ giờ chỉ còn 0 đồng.

Vào năm 2022, một phụ nữ họ Tôn sống tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, quyết định gửi 2 triệu NDT (hơn 6,9 tỷ đồng) vào một ngân hàng địa phương để đầu tư vào một gói tiết kiệm mà theo lời nhân viên ngân hàng họ Trần, sẽ mang lại khoản lãi suất rất hấp dẫn.

Cô Tôn đã giao tiền mặt cùng giấy chứng minh nhân dân của mình để nam nhân viên mở tài khoản tiết kiệm.

Không ngờ, 2 năm sau, khi đến ngân hàng để rút số tiền tiết kiệm đã gửi, cô Tôn choáng váng khi nhận được thông báo: "Tài khoản của cô không có đồng nào".

Ảnh minh họa

Đối với cô Tôn, tin này như sét đánh ngang tai.

Sau khi nhờ cảnh sát địa phương can thiệp điều tra, người phụ nữ này biết được toàn bộ số tiền của mình đã bị nhân viên họ Trần chuyển hết sang tài khoản của anh ta. Tuy nhiên, sau khi thực hiện hành vi trên, nam nhân viên này cũng đã nghỉ việc, không rõ tung tích.

Không chấp nhận mất tiền oan, cô Tôn quyết định kiện ngân hàng ra tòa vì cho rằng ngân hàng đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Cô yêu cầu ngân hàng phải bồi thường toàn bộ số tiền đã bị mất theo đúng quy định của pháp luật Trung Quốc.

Toà án địa phương sau khi xem xét vụ án đã đưa ra phán quyết yêu cầu phía ngân hàng phải trả lại toàn bộ tiền gốc và tiền lãi cho cô Tôn. Tuy nhiên, phía ngân hàng không đồng tình với phán quyết của tòa án địa phương nên đã kháng cáo lên tòa án cấp cao.

Tòa án cấp cao, sau khi xem xét lại toàn bộ vụ việc, đã chỉ ra một số yếu tố quan trọng. Đầu tiên, tòa nhấn mạnh rằng việc cô Tôn mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng đã tạo thành một mối quan hệ hợp đồng giữa hai bên, và ngân hàng với tư cách là một tổ chức tài chính có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho tài sản của khách hàng.

Tuy nhiên, tòa cũng lưu ý rằng cô Tôn đã tự nguyện cung cấp thông tin cá nhân, bao gồm chứng minh nhân dân và mật khẩu tài khoản cho nhân viên họ Trần. Chính việc này đã gây ra sự thất thoát tiền bạc không đáng có, vì vậy, cô Tôn cũng phải chịu một phần trách nhiệm.

Dựa vào các yếu tố trên, toà án cấp cao đã ra phán quyết hủy bản án sơ thẩm và bác bỏ mọi yêu cầu của cô Tôn. Người phụ nữ này không chấp nhận kết quả trên nên đã nộp đơn xin xét xử lại.

Sau khi xem xét lại vụ án, tòa án cấp cao cho rằng với tư cách là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, cô Tôn có thể nhận thức được những hậu quả có thể xảy ra khi giao giấy tờ cá nhân, tài khoản ngân hàng cho người khác nên cô phải chịu trách nhiệm chính về việc mất tiền. Cuối cùng, tòa án cao cấp ra phán quyết rằng trong vụ việc này, ngân hàng chỉ phải chịu 20% trách nhiệm bồi thường, tức 400.000 NDT (hơn 1,3 tỷ đồng) và lãi suất tiền gửi tương ứng, đồng thời bác bỏ các yêu cầu khác của cô Tôn.

Qua vụ việc này, tòa án cũng khuyến cáo người dân nên chọn những ngân hàng uy tín, có lịch sử và độ tin cậy rõ ràng để thực hiện giao dịch tài chính. Đồng thời, mọi người cũng cần nâng cao ý thức bảo mật thông tin cá nhân, tránh rơi vào bẫy lừa đảo qua những lời mời chào lãi suất hấp dẫn nhưng không rõ ràng từ các cá nhân hoặc tổ chức không có uy tín.