Cần biết

Mỗi lần bạn lướt story, ví lại mỏng đi một chút: "Căn bệnh tài chính" đang khiến một thế hệ cạn sạch tiền

Admin

Hiệu ứng FOMO là một trạng thái tâm lý khi con người sợ bị bỏ lỡ những cơ hội, trải nghiệm hoặc xu hướng mà người khác đang có.

Không mua vì cần, mà vì sợ... bị tụt lại 

Một cú click chuột, một lần vuốt màn hình, một lượt xem story bạn bè, có thể là khởi đầu cho chuỗi ngày "cháy túi" vì FOMO mà bạn không hề hay biết.

Nhiều người từng nghĩ: Tiêu xài hoang phí là những khoản lớn như nhà, xe, hàng hiệu. Nhưng thực tế, có một loại chi tiêu âm thầm, khó kiểm soát và nguy hiểm hơn nhiều, chính là chi tiêu vì hiệu ứng FOMO.

Hiệu ứng FOMO (Fear Of Missing Out: Nỗi sợ bị bỏ lỡ) không còn xa lạ với thế hệ trẻ hiện nay. Mỗi lần thấy bạn bè check-in du lịch, review một quán ăn hot hay khoe sản phẩm vừa săn sale, tâm lý "mình cũng phải có" nhanh chóng xuất hiện.

Theo các chuyên gia tài chính, hiệu ứng FOMO là một trạng thái tâm lý khi con người sợ bị bỏ lỡ những cơ hội, trải nghiệm hoặc xu hướng mà người khác đang có. Điều này thúc đẩy hành vi tiêu dùng bốc đồng, dù sản phẩm hay dịch vụ đó không thật sự cần thiết.

Ảnh minh hoạ

Khác với hiệu ứng Latte - nơi bạn mất tiền vì những khoản nhỏ lặp lại theo ngày, hiệu ứng FOMO thường "ra tay" trong những tình huống lớn hơn: săn sale, mua vé du lịch, sắm đồ công nghệ, thậm chí cả chuyện đầu tư tài chính. Hệ quả là nhiều người rơi vào trạng thái mua sắm chóng vánh, nợ nần sau niềm vui ngắn ngủi.

Linh (29 tuổi, nhân viên marketing tại Hà Nội) kể, có lần đang đi làm thì thấy bạn cùng công ty khoe story mở hộp son mới ra mắt, chưa đầy 15 phút sau, mình cũng đặt luôn cây y hệt với lý do: "Chỉ còn vài màu, hết là tiếc!". Sau một tháng, khi kiểm tra lại chi tiêu thì nhận ra, mình đã đặt tổng cộng 4 đơn mỹ phẩm, 3 bộ váy và 2 vé xem show chỉ vì... thấy bạn bè đi xem.

"Cái đáng sợ là không phải mình thật sự cần những món đó. Nhưng vì ai cũng có, ai cũng khoe, nên bản thân cũng tự tạo áp lực phải theo kịp. Sợ chậm một nhịp là... lạc hậu", Linh chia sẻ.

Không ít người trẻ đang chi tiêu vượt khả năng tài chính chỉ để đáp ứng cảm giác "được cập nhật", "hòa nhập" và "không bị bỏ lại phía sau".

Thành (32 tuổi, nhân viên ngân hàng ở TP.HCM) thừa nhận: "Đôi khi không hẳn thích món đồ, mà chỉ vì thấy người khác mua nên mình cũng mua. Lúc đầu nghĩ vài trăm nghìn không đáng gì, nhưng cuối tháng nhìn ví cạn sạch, thẻ tín dụng thì gần chạm trần, mình mới nhận ra vấn đề."

Hiệu ứng FOMO len lỏi qua từng quyết định như: Một ly trà sữa bạn chẳng thực sự muốn uống, một món hàng sale bạn không cần dùng ngay, một buổi tụ tập bạn không thật sự hứng thú, nhưng vẫn đi, vì "ai cũng đi".

FOMO không chỉ ảnh hưởng đến túi tiền trong ngắn hạn, mà còn làm suy giảm khả năng tích lũy trong dài hạn. Khi bạn liên tục "mua vì sợ lỡ", bạn cũng đang trì hoãn các mục tiêu tài chính lớn: mua nhà, đầu tư, hoặc xây dựng quỹ dự phòng.

Một nghiên cứu của Journal of Financial Planning cho thấy, những người dễ bị ảnh hưởng bởi FOMO có xu hướng:

- Mua sắm không có kế hoạch và thường xuyên vượt quá ngân sách.

- Chậm trễ trong việc tiết kiệm hưu trí hoặc đầu tư dài hạn.

- Có mức độ hài lòng tài chính thấp hơn so với người khác, dù thu nhập tương đương.

Ảnh minh hoạ

Làm sao để thoát khỏi cái bẫy chi tiêu vì FOMO?

Thoát khỏi hiệu ứng FOMO không dễ, vì nó không chỉ đến từ quảng cáo mà còn đến từ bạn bè, đồng nghiệp, người thân, những người bạn khó từ chối khi thấy họ mua sắm món hàng mới.

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể rèn luyện sự tỉnh táo tài chính qua 6 bước sau:

1. Viết nhật ký chi tiêu ít nhất 30 ngày

Ghi lại tất cả những khoản đã chi và lý do bạn mua. Đừng chỉ ghi "mua áo", hãy ghi rõ: "mua vì thấy bạn đăng Instagram". Sau 30 ngày, bạn sẽ giật mình khi nhận ra những khoản mua không xuất phát từ nhu cầu thật.

2. Đặt câu hỏi "mình có thật sự cần không?"

Trước khi bấm mua, hãy dừng lại 5 giây để hỏi: Món đồ này có nằm trong kế hoạch chi tiêu ban đầu? Nếu không có món này, cuộc sống của mình có tệ hơn không? Đôi khi, chỉ vài giây tự vấn đủ để cắt giảm một khoản chi không cần thiết.

3. Tách khỏi các nhóm "mua chung - săn sale - deal hot"

Nhiều người tiêu tiền vì FOMO bắt nguồn từ các group này. Nếu bạn thường xuyên thấy mình bị thôi thúc mua vì người khác có, hãy mạnh dạn rút ra hoặc tắt thông báo.

4. Thiết lập quy tắc "mua chậm"

Mỗi khi muốn mua thứ gì đó trên 300.000 đồng, hãy bắt buộc bản thân đợi ít nhất 48 giờ. Sau 2 ngày, nếu vẫn thấy cần và có lý do hợp lý, hãy mua. Nếu không, bạn vừa tiết kiệm được một khoản.

5. Theo dõi "bẫy tiêu tiền" đến từ bạn bè

Hãy thành thật với bản thân: Bạn tiêu tiền để phục vụ mình, hay để bắt kịp người khác? Nếu bạn có một nhóm bạn thường xuyên rủ rê mua sắm, tụ tập, hãy thử giãn bớt hoặc thay đổi cách tham gia, chẳng hạn góp vui chứ không nhất thiết phải "tậu" đồ giống họ.

6. Ưu tiên mục tiêu tài chính trước tiên

Ngay khi nhận lương, hãy trích ngay một phần để gửi tiết kiệm, đầu tư hoặc trả nợ. Khi tiền đã đi vào đúng nơi, bạn sẽ ít bị dao động trước những cám dỗ nhỏ.

Đừng để cảm xúc dẫn đường cho túi tiền

Hiệu ứng FOMO không chỉ khiến bạn mất tiền, mà còn khiến bạn mất đi quyền chủ động trong việc kiểm soát cuộc sống. Mỗi quyết định chi tiêu vội vã vì cảm giác "không muốn bị bỏ lỡ" đều là một bước đi ngược lại với tự do tài chính.

Không ai cấm bạn tận hưởng cuộc sống, nhưng tiêu tiền cần lý trí. Bởi đến cuối cùng, bạn sẽ không thấy vui vì đã mua thứ người khác có, mà thấy tiếc vì không đủ tiền cho điều bản thân thật sự cần.