"NHÀ BĂNG"

Ngày mai (28/11), Eximbank họp cổ đông bất thường bàn việc chuyển trụ sở về tòa nhà do Gelex đầu tư, miễn nhiệm nhân sự cấp cao

Admin

Các diễn biến trên xuất hiện trong bối cảnh CTCP Tập đoàn Gelex mới đây trở thành cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này, sau khi mua vào 174,7 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn Eximbank.

Ảnh minh họa. (ĐHĐCĐ bất thường Eximbank năm 2023)

Theo kế hoạch đã được thông báo trước đó, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường (ĐHĐCĐ) vào ngày mai (28/11/2024), tại Hà Nội.

Tại đại hội, Hội đồng quản trị Eximbank sẽ trình cổ đông xem xét thông qua việc chuyển đổi địa điểm đặt trụ sở chính từ Tầng 8, Văn phòng số L8-01-11+16 Toà nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM sang địa chỉ mới là số 27 – 29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Được biết, địa chỉ tại số 27 – 29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ chính là Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê do Tập đoàn Gelex đầu tư. Dự án này tên thương mại là Fairmont Hanoi. Hồi tháng 4/2024, CTCP Xây dựng Central đã phối hợp với Gelex tổ chức lễ cất nóc dự án này. Đây là một trong những dự án trọng điểm có vị trí đắc địa của Gelex. Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo Gelex tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra hồi tháng 3 vừa qua, hiện doanh nghiệp đang tập trung hoàn thành tổ hợp khách sạn này. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ, trong đó vốn đối ứng khoảng 2.500 tỷ và dự kiến sẽ đi vào hoạt động toàn bộ trong năm 2025.

Cùng với nội dung về việc chuyển địa điểm đặt trụ sở chính, HĐQT Eximbank cũng trình ĐHĐCĐ thông qua về việc chấm dứt chủ trương đầu tư xây dựng Trụ sở chính tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM.

Theo Eximbank, việc chuyển trụ sở chính của Eximbank ra quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là bước đi chiến lược để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động và không ngừng vươn xa, nhằm đáp ứng với sự vận động thay đổi của thị trường cũng như giúp thực thi chiến lược kinh doanh một cách hiệu quả. Eximbank xác định, miền Bắc là thị trường còn nhiều dư địa để khai phá.

Bên cạnh vấn đề trụ sở chính, ĐHĐCĐ bất thường cũng sẽ xem xét các tờ trình của nhóm cổ đông sở hữu trên 5% cổ phần về việc miễn nhiệm nhân sự cấp cao.

Mới nhất, một nhóm cổ đông nắm trên 5% vốn tại Eximbank đã có kiến nghị miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT với ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Nhóm cổ đông này có kiến nghị miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Nguyễn Hồ Nam “do xét thấy cần thiết theo quy định tại Điểm e Khoản 4 Điều 47 Điều lệ; Điểm e Khoản 1 Điều 31 Quy chế quản trị; Điểm e khoản 1 Điều 9 Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT; Điểm đ khoản 1 Điều 46 Luật Các TCTD 2024”.

Đối với bà Lương Thị Cẩm Tú, nhóm cổ đông này trích dẫn báo cáo quản trị của ngân hàng cho thấy bà đã vắng 4 cuộc họp của HĐQT và không ủy quyền cho thành viên khác. Trong năm, bà chỉ tham dự 17/21 cuộc họp, tương ứng tỷ lệ 81%. Đồng thời, bà Tú cũng không tham gia lấy ý kiến HĐQT bằng văn bản 23 lần. Tổng số lần tham dự lấy ý kiến HĐQT bằng văn bản đạt 220/243 lần, chiếm tỷ lệ tham dự 91%.

Ngoài ra, nhóm cổ đông lớn này cũng trích dẫn báo cáo quản trị bán niên 2024 cho thấy bà Tú không tham gia lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản một lần. Tổng số lần tham gia trong nửa đầu năm nay là 108/109 lần, chiếm tỷ lệ 99,08%. “Như vậy, các thông tin trên cho thấy bà Lương Thị Cẩm Tú đã không tham dự đầy đủ các cuộc họp HĐQT và các lần lấy ý kiến HĐQT bằng văn bản”, nhóm cổ đông kết luận.

Đối với ông Nam, theo báo cáo bán niên, trong vòng hai tháng qua, ông đã không tham gia lấy ý kiến HĐQT bằng văn bản hai lần. Tổng số lần tham dự là 36/38, chiếm tỷ lệ 94,74%. Ông Nam bắt đầu giữ chức thành viên HĐQT Eximbank kể từ ngày 26/4/2024. Nhóm cổ đông cũng kết luận rằng ông Nam đã không tham dự đầy đủ các lần lấy ý kiến HĐQT bằng văn bản.

Trước đó, một nhóm cổ đông sở hữu trên 5% Eximbank cũng kiến nghị miễn nhiệm chức danh thành viên Ban kiểm soát Eximbank đối với ông Ngô Tony. Các cổ đông này cho rằng ông Ngô Tony đã có hành vi lạm dụng/lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Điều lệ Eximbank và Quy chế tổ chức và hoạt động của BKS Eximbank, gây ảnh hưởng nặng nề quyền lợi của cổ đông.

Các diễn biến trên xuất hiện trong bối cảnh CTCP Tập đoàn Gelex mới đây trở thành cổ đông lớn nhất tại Eximbank, sau khi mua vào 174,7 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn ngân hàng này.

Gelex hiện được biết đến là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình holdings, sở hữu các thương hiệu với các tên tuổi như Vigalcera, CADIVI, THIBIDI…