Cần biết

Người bỏ ra 260 tỷ đồng mua chiếc Hermès Birkin nguyên bản là ai?

Admin

Chủ nhân của chiếc Birkin đắt nhất thế giới lộ diện.

Ai đã mua chiếc túi Birkin nguyên bản?

Shinsuke Sakimoto, Tổng giám đốc điều hành Valuence Nhật Bản, chính là người đứng sau thương vụ gây chấn động: chi hơn 260 tỷ đồng để sở hữu chiếc túi Hermès Birkin nguyên bản từng thuộc về nữ minh tinh Jane Birkin.

Chia sẻ với truyền thông, Shinsuke Sakimoto cho biết: “Hình ảnh bà Jane Birkin hiện thân của tự do và tinh thần sáng tạo thực sự cộng hưởng với triết lý của Valuence Group. Chúng tôi hy vọng chiếc túi sẽ trở thành biểu tượng của sự tự tin, đa dạng và trao quyền cho cộng đồng.”

Chân dung CEO Shinsuke Sakimoto.

Valuence Japan có trụ sở tại Tokyo, là công ty hoạt động trong lĩnh vực mua bán, đấu giá và tái phân phối các sản phẩm thời trang xa xỉ. Doanh nghiệp này sở hữu một số thương hiệu thu mua đồ hiệu cũ khá lớn ở Nhật Bản, nổi bật nhất là Allu và Nanboya, chuyên thu mua túi xách, đồng hồ, trang sức, sau đó phân loại để bán lại hoặc trưng bày. Ngoài mô hình kinh doanh thương mại, Valuence Japan cũng tổ chức các hoạt động triển lãm và đấu giá, nhằm tiếp cận khách hàng sưu tập cũng như người tiêu dùng quan tâm đến thị trường hàng hiệu second-hand.

Đại diện công ty nhấn mạnh thương vụ mua lại chiếc Birkin nguyên bản không nhằm mục đích bán lại mà là một khoản đầu tư mang ý nghĩa văn hoá của họ. “Chúng tôi coi đây là di sản biểu tượng của ngành thời trang, và muốn biến nó thành tài sản có giá trị cho xã hội để nhiều người có thể tiếp cận, chiêm ngưỡng” - đại diện Valuence nói.

Đại diện công ty nhấn mạnh thương vụ mua lại chiếc Birkin nguyên bản không nhằm mục đích bán lại.

Thương vụ phá kỷ lục thế giới: chiếc Birkin đắt giá nhất lịch sử

Vụ đấu giá diễn ra tại Sotheby’s Fashion Icons Auction ở Paris hôm 10/7, mở mức giá khởi điểm 1 triệu euro. Chỉ sau 10 phút đấu căng thẳng, giữa 9 nhà sưu tập toàn cầu, Valuence Japan qua đại diện Maiko Ichikawa, Trưởng Sotheby’s Japan đã thắng cuộc với mức giá 8,58 triệu euro (tương đương 260 tỷ đồng), thiết lập kỷ lục thế giới mới cho chiếc túi xách đắt giá nhất từng được bán đấu giá.

Buổi đấu giá diễn ra trong vòng 10 phút, Valuence Japan đã giao dịch thương vụ này qua điện thoại.

Morgane Halimi, Giám đốc toàn cầu mảng túi xách và thời trang của Sotheby’s, khẳng định: “Đây là một cột mốc quan trọng của ngành thời trang và xa xỉ. Chiếc Birkin nguyên bản đã chứng minh sức mạnh của một huyền thoại có thể thổi bùng niềm đam mê và khao khát chinh phục di sản của các nhà sưu tập.”

Huyền thoại Birkin: chiếc túi gắn liền tên tuổi Jane Birkin

Chiếc túi da đen Birkin nguyên bản này vốn thuộc sở hữu và được Jane Birkin - nàng thơ biểu tượng của Hermès sử dụng, cá nhân hoá suốt nhiều năm. Ban đầu, Birkin ra đời nhờ khoảnh khắc kinh điển: trên chuyến bay năm 1981, Jane Birkin làm đổ giỏ mây bên cạnh CEO Hermès Jean-Louis Dumas, khiến ông nảy ra ý tưởng tạo ra một chiếc túi sang trọng nhưng thật thực dụng, rộng rãi để chứa hết đồ cô mang theo.

Chiếc Birkin prototype mà Valuence vừa đấu giá chính là hiện thân của câu chuyện đó: làm từ da Black Box với khoá đồng mạ vàng, thiết kế độc nhất pha trộn giữa Birkin 35 và Birkin 40. Trên quai túi vẫn còn kẹp móng tay và ký hiệu “J.B.” do chính Jane Birkin gắn. Bà từng mang chiếc túi khắp thế giới, tuỳ ý trang trí thêm bằng dây chuyền, khăn lụa, bùa may mắn biến nó thành biểu tượng của tự do, phóng khoáng và cá tính.

Chiếc túi Birkin nổi tiếng sẽ được cất giữ tại Nhật Bản.

Sau hai lần được bán đấu giá để quyên góp từ thiện (1994 và 2000), chiếc Birkin “huyền thoại” gần như biến mất khỏi công chúng suốt 25 năm. Mãi đến năm ngoái, nó mới tái xuất trong các buổi triển lãm tại Sotheby’s Paris, Hong Kong và New York, thu hút hàng nghìn người đến chiêm ngưỡng.

Một phần di sản, không chỉ là món đồ xa xỉ

Với Shinsuke Sakimoto và Valuence Japan, thương vụ Birkin này không đơn thuần là “bỏ ra 260 tỷ mua một chiếc túi”. Đó là cách họ tôn vinh tinh thần nữ quyền, đa dạng, tự do sáng tạo mà Jane Birkin đã để lại cho ngành thời trang. Và giờ, chiếc túi xách bền bỉ, cá tính này sẽ tiếp tục truyền cảm hứng, thay vì nằm kín trong kho lưu trữ của một nhà sưu tập.