GIỚI CHỦ

Nhà sản xuất “chạy đua” xuất hàng qua Mỹ: Hàng loạt DN cần tuyển gấp 500 – 3.000 lao động/tháng

Admin

DN đang cố gắng tăng ca, tuyển dụng nhân sự để sản xuất kịp đơn hàng.

Khảo sát mới đây về thị trường tuyển dụng từ Việc Làm Tốt ghi nhận, rất nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất Việt Nam đang ráo riết tuyển dụng nhân sự để tăng đơn hàng, tận dụng trong hạn 90 ngày tạm hoãn thuế xuất khẩu từ Mỹ.

Dữ liệu của tổ chức này cho biết, nhu cầu tuyển công nhân trong các khu chế xuất và nhà máy lắp ráp kể từ tháng 4/2025 đã tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

DN tăng tốc sản xuất để kịp đơn hàng đi Mỹ

Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như đồ điện tử, thiết bị máy móc, linh kiện điện tử, điện thoại, dệt may, giày dép và đồ gỗ đã và đang tăng tốc sản xuất trong thời gian ngắn.

Đại diện một công ty nội thất (70% doanh thu xuất khẩu sang Mỹ) chia sẻ, từ đầu tháng 4/2025, DN đã tăng tốc sản xuất để có thể giao hàng cho khách. Hiện, nhân sự DN này đang làm việc hết công suất, và thậm chí phải khuyến khích nhân viên tăng ca, làm thêm giờ để kịp tiến độ.

Tương tự, trong ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, cũng thông báo ngay sau thông tin Mỹ tạm hoãn thuế, khách hàng đã thúc tiến độ sản xuất, yêu cầu hoàn tất đơn hàng trong vòng 90 ngày tới. Vinatex đang tích cực đàm phán với khách hàng và tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới để tối ưu hóa quy trình.

Hầu hết DN ngành hàng khác có xuất khẩu sang Mỹ cũng đang chạy đua, tổ chức tăng ca sản xuất hoặc thuê gia công bên ngoài để kịp đơn hàng sản xuất cho nhà nhập khẩu Mỹ trước khi 90 ngày hoãn thuế kết thúc. Nhiều bên còn tăng sản xuất nhằm chủ động làm theo quy trình "cuốn chiếu", gửi đi từng phần hàng hóa hoàn tất mà không chờ đến khi hoàn thành cả lô.

Loạt DN cần tuyển gấp 500 – 3.000 lao động/tháng

Mặt khác, trong bối cảnh thị trường lao động đang bước vào giai đoạn cao điểm, nhu cầu tuyển dụng dự báo sẽ gia tăng mạnh, đặc biệt tại các khu công nghiệp phía Nam - nơi tập trung nhiều nhà máy thuộc các ngành may mặc, thủy sản và điện tử. Khảo sát cho hay, nhiều DN tại đây hiện đang gấp rút tuyển từ 500 đến 3.000 lao động mỗi tháng để đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Khảo sát gần đây từ Joboko cũng thể hiện, có đến 78,4% DN tại Việt Nam dự kiến mở rộng tuyển dụng trong năm 2025, chủ yếu ở các lĩnh vực sản xuất, thương mại và công nghệ. Một số DN lớn cho biết số lượng vị trí cần tuyển trong giai đoạn tháng 4–6/2025 đã tăng gấp đôi so với quý trước.

Trong bối cảnh gấp rút này, dưới góc độ bên môi giới tuyển dụng, Việc Làm Tốt cho biết các DN đa dạng hoá các nguồn tuyển dụng và áp dụng các giải pháp công nghệ tuyển dụng trở thành ưu tiên hàng đầu. Không chỉ các tập đoàn lớn, mà cả các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ cũng đang nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ việc áp dụng công cụ số trong tuyển dụng – đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm như hiện nay.

Bên cạnh nhu cầu tuyển dụng gấp rút để kịp giao hàng và duy trì đơn hàng, nhiều DN cũng chủ động chuẩn bị cho các kịch bản dài hạn, nhằm thích ứng với những biến động không thể đoán trước từ thị trường quốc tế.

Nếu thuế mới được áp dụng sau 90 ngày, các DN xuất khẩu sẽ phải thay đổi cách vận hành, bao gồm mở rộng thị trường nội địa, tìm kiếm thị trường thay thế, hợp tác gia tăng với đối tác Mỹ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất và tối ưu hóa chi phí vận hành, đặc biệt là chi phí nhân sự.