Ngày 28-11 đến 30-11, Global Sources lần đầu tiên tổ chức Triển lãm Quốc tế linh kiện điện tử và sản xuất thông minh tại Việt Nam 2024 (GEIMS Việt Nam 2024), tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội.
Với quy mô hơn 200 gian hàng, sự kiện quy tụ hơn 100 nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực linh kiện điện tử và sản xuất thông minh từ Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và dự kiến đón hơn 10.000 lượt khách tham quan từ các doanh nghiệp và nhà máy trong lĩnh vực sản xuất điện tử và sản xuất thông minh.
Theo ông Wilson Wu, Phó Chủ tịch Global Sources, triển lãm là cầu nối hoàn hảo giữa nhà sản xuất và nhà cung cấp linh kiện điện tử hàng đầu, đáp ứng nhu cầu cấp bách của các nhà máy sản xuất tại Việt Nam về nguồn cung ổn định cho các sản phẩm linh kiện điện tử, thiết bị tự động hóa và cơ khí chính xác.
Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp không những tìm được đối tác cung ứng phù hợp mà còn cập nhật những công nghệ mới nhất, giải pháp tối ưu cho dây chuyền sản xuất của mình.
“Năm nay, chúng tôi vinh dự đón tiếp các nhà mua hàng hàng đầu như Samsung Electronics, LG, Canon, Dell, Yamaha, Toshiba, Sanyo, FPT, VNPT, Viettel và còn nhiều đơn vị khác, mở ra cơ hội giao thương đẳng cấp và kết nối với những đối tác chiến lược” - ông Wilson Wu nói.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), thông tin chỉ tính riêng 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử đã đạt con số 105 tỉ USD, xấp xỉ bằng tổng kim ngạch xuất khẩu điện tử cả năm 2023 (109 tỉ USD), cho thấy sức tăng trưởng vượt trội và đầy tiềm năng của ngành cũng như sức phát triển của chuỗi cung ứng điện tử thông minh tại Việt Nam.
Theo bà Hương, nhiều nhà cung ứng điện tử của thế giới đang xem Việt Nam là “nôi” của sản xuất điện tử thông minh.
2 năm trở lại đây, đặc biệt trong năm nay, việc chuyển dịch chuỗi cung ứng vào Việt Nam rõ nét. Năm 2024, liên tục dòng vốn đầu tư đổ vào ngành điện tử Việt Nam.
"Foxconn hay chuỗi cung ứng Apple mở rộng sản xuất, trong khi các hãng điện tử lớn đã đầu tư tại Việt Nam cũng có cam kết mở rộng sản xuất như Samsung, LG… Đây là cơ hội để ngành điện tử Việt Nam bứt phá, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu" - bà Hương nhìn nhận.
Để tiếp tục hành trình này, bà Hương cho rằng điều thiết yếu là Việt Nam phải xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ cho việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thúc đẩy thực hành bền vững, và duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong sản xuất và chế tạo.
Trong khi đó, ông Allen, đại diện Công ty TNHH công nghệ thông minh Sinictek (Trung Quốc), đánh giá thị trường Việt Nam rất tiềm năng vì có nhiều doanh nghiệp điện tử hàng đầu thế giới đã hiện diện.
Vì vậy ông mong muốn được kết nối với các đối tác lớn, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.