"NHÀ BĂNG"

Nhiều ngân hàng chia cổ tức khủng năm 2025

Admin

Trong năm 2025, nhiều ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt. Một số khác lựa chọn cả hai hình thức tiền mặt và phát hành cổ phiếu.

Ngày 23/4 vừa qua, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng tiền năm 2024 với tỷ lệ 7%. Theo đó, VIB sẽ chi 2.085,3 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ để trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Ngày chi trả dự kiến 23/5.

ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) diễn ra ngày 26/4 đã thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2024 với tỷ lệ 10% mệnh giá (tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu). Với hơn 7.06 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tổng số tiền chi trả cổ tức dự kiến hơn 7.060 tỷ đồng.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp Techcombank chia cổ tức bằng tiền mặt, sau mức 1.500 đồng/cổ phiếu trong năm 2023. Nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ đến hết năm 2024, căn cứ BCTC đã kiểm toán. Thời gian chi trả hoàn tất trước 31/12/2025, thời điểm cụ thể do HĐQT quyết định.

Nhiều ngân hàng chia cổ tức khủng năm 2025

Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng dự kiến có năm thứ 2 liên tiếp chia cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm chỉ chia bằng cổ phiếu kể từ 2015.

Theo đó, cổ đông SHB thông qua phương án chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 18%, gồm 5% bằng tiền mặt (tương đương gần 2.033 tỷ đồng) và 13% bằng cổ phiếu (tương đương phát hành 528,5 triệu cổ phiếu mới).

Được biết, năm 2024, SHB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 11.569 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2023 và vượt kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 9.132 tỷ đồng. CTCP Tập đoàn T&T là cổ đông lớn nhất sở hữu 7.846% vốn SHB, dự kiến nhận khoảng 160 tỷ đồng cổ tức.

Sau đợt chia cổ tức cổ phiếu 13%, SHB sẽ nâng vốn điều lệ từ hơn 40.657 tỷ đồng lên 45.942 tỷ đồng. Cổ phiếu trả cổ tức không bị hạn chế chuyển nhượng. Việc phát hành dự kiến thực hiện trong năm 2025 sau khi hoàn tất thủ tục với NHNN và UBCKNN.

Một ngân hàng khác cũng dự kiến cổ tức tiền mặt đó Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Năm 2024, lợi nhuận trước thuế của OCB hơn 4.006 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế và trích lập các quỹ, cộng với lợi nhuận còn lại các năm trước, lợi nhuận còn lại gần 3.706 tỷ đồng.

OCB dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vốn điều lệ, tương đương số tiền 1.726 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận Ngân hàng còn lại sau khi trả cổ tức tiền mặt là gần 1.980 tỷ đồng.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt 5%, tương ứng 1 cổ phiếu nhận được 500 đồng. Số tiền dự kiến dùng để chia cổ tức là gần 3.967 tỷ đồng.

Năm 2024, VPBank có gần 15.987 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất sau thuế. Sau khi phân bổ lợi ích cho cổ đông không kiểm soát tại công ty con, lợi nhuận thuần trong kỳ có thể phân phối cho cổ đông ngân hàng là gần 15.779 tỷ đồng.

Sau khi trích lập các quỹ, Ngân hàng hơn 12.875 tỷ đồng. Sau khi chia cổ tức, còn lại 8.908 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chi trả cổ tức dự kiến trong quý II-III/2025.

Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) dự kiến phát hành tối đa gần 2,4 tỷ cổ phiếu với tỷ lệ phát hành là 44,64% (tỷ lệ cụ thể sẽ thực hiện theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2021, 2022 và giai đoạn 2009-2016. Qua đó, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ từ 53.700 tỷ lên 77.671 tỷ đồng.

Hồi cuối tháng 3/2025, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã hoàn tất phát hành 2.766.583.832 cổ phiếu để trả cổ tức cho 33.163 cổ đông. Tỷ lệ phát hành là 49,5%. Còn 15.026 cổ phiếu sẽ bị hủy bỏ.

Nguồn vốn phát hành cổ phiếu trả cổ tức được lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021.

Kết thúc đợt phát hành này, Vietcombank nâng tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành từ 5.589.091.262 đơn vị lên mức 8.355.675.094 đơn vị, qua đó vốn điều lệ cũng tương ứng tăng lên mức 83.556,7 tỷ đồng.

Hà Ly