"NHÀ BĂNG"

Ông Lưu Trung Thái: MB muốn tuyển thêm 1.000 nhân sự năm 2025, hướng đến vốn hoá 10 tỷ USD

Admin

Chủ tịch MB Lưu Trung Thái cho biết, trong vòng 2-3 năm tới, mục tiêu của ngân hàng mở rộng quy mô 25-30%. Để dự phòng rủi ro, ngân hàng vẫn dự kiến tăng thêm 1.000 người trong năm nay có thể không tăng trong những năm tới.

Ngày 26/4, Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Quân đội MB đã diễn ra thành công với sự tham dự của 4.455 cổ đông, đại diện cho hơn 4,3 tỷ cổ phần, tương ứng 71,763% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Dồn 80% nguồn lực chuyển đổi số vào an ninh bảo mật

Chia sẻ tại Đại hội về câu chuyện chuyển đổi số, đầu tư AI tại ngân hàng, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB cho biết, ngân hàng hướng đến đầu tư công nghệ tập trung cho 2 nền tảng chính là app và biz, phục vụ khách hàng bằng công nghệ, để khách hàng có thể tự phục vụ 24/7.

Ông Thái chia sẻ, việc ứng dụng AI, khoa học công nghệ là giải quyết năng suất lao động của ngân hàng. Năm nay, MB tiếp tục có kế hoạch tăng trưởng về nhân sự nhằm mục đích dự phòng cho kế hoạch tăng trưởng 25 - 35% quy mô của ngân hàng trong vòng 2 đến 3 năm tới.

"Những năm trước, số lượng nhân viên của chúng tôi hầu như đều đi ngang trong khi năng suất lao động và kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng đều. Trong vòng 2-3 năm tới, nếu không tăng trưởng về người mà chỉ áp dụng công nghệ, mục tiêu mở rộng quy mô 25-30% là vẫn có thể đạt được. Tuy nhiên, để dự phòng rủi ro, MB vẫn dự kiến tăng thêm 1.000 người trong năm nay và giảm đà tăng trong những năm tới", ông Thái chia sẻ.

Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB phát biểu tại Đại hội.

Thông tin thêm, ông Vũ Thành Trung - Phó Chủ tịch HĐQT MB, Chủ tịch HĐTV MBV chia sẻ: "Quan điểm của chúng tôi khi làm chuyển đổi số không phải để cắt người mà chuyển đổi số để tăng tăng năng suất lao động của nhân viên, chuyển lao động sang mảng công việc giá trị hơn".

Theo ông Trung, năm 2025, MB hướng đến lượng khách hàng tăng đạt 35 triệu người, trong khi vấn đề an ninh mạng đang diễn ra khá gay gắt, ngân hàng dự kiến dồn 80% nguồn lực chuyển đổi số vào an ninh bảo mật cho khách hàng khi sử dụng nền tảng số của ngân hàng.

Định hướng phát triển chuyển đối số trong thời gian tới, MB sẽ tìm không gian mới như tài sản số, xã hội số… và kỳ vọng 1-3 năm tới sẽ có nguồn thu từ những mảng này.

"Cứ 100 đồng nợ của MB thì có 16 đồng liên đới từ các doanh nghiệp"

Thảo luận về vấn đề tình hình kinh doanh của ngân hàng trong thời gian qua và định hướng các hoạt động sắp tới, Chủ tịch HĐQT MB cho biết, năm 2024, tỉ lệ bao phủ nợ xấu của hầu hết ngân hàng bị suy giảm trong khi nợ xấu đã tăng từ 1,9% lên 2,8%..

Tuy nhiên, tỉ lệ bao phủ có xu hướng giảm rõ rệt nhưng tốc độ kiểm soát tốt hơn. MB đã ghi nhận rủi ro sớm, tăng chi phí dự phòng để bảo vệ cho ngân hàng. Năm nay, ngân hàng có kế hoạch tăng tỉ lệ bao phủ nợ xấu lên trên 100%.

Với nhóm nợ liên đới CIC từ các doanh nghiệp, ông Thái cho biết tỉ lệ này chiếm 16% quy mô nợ xấu của ngân hàng. "Cứ 100 đồng nợ của MB thì có 16 đồng nợ liên đới từ các doanh nghiệp", ông Thái thông tin.

Ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB chia sẻ tại Đại hội.

Thông tin về thuế quan tác động đến khách hàng xuất nhập khẩu tại MB, ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB cho biết dư nợ khách hàng xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng dư nợ của ngân hàng nên không ảnh hưởng nhiều. Dù vậy, nếu khách hàng chịu ảnh hưởng, ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành.

Năm 2025, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng xấp xỉ 10%. Kết thúc quý I/2025, ngân hàng đã đạt 8.386 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gấp 1,4 lần cùng kỳ, ông Phạm Như Ánh chỉ ra con số tăng trưởng trên không phải đột biến mà đến từ sự tăng trưởng đồng đều của tất cả các mảng hoạt động ngân hàng. 

Đồng thời, quý I năm trước đó là thời điểm khó khăn nhất của ngành tài chính ngân hàng, còn từ quý II/2024 đến nay, tình hình kinh doanh đã khởi sắc hơn.

ĐHĐCĐ MB: Hơn 2.500 cổ đông tham dự nhận 500.000 đồng, bàn chuyện chia cổ tức 35%"Phát tài phát lộc", MB báo lãi 8.386 tỷ đồng trong quý I/2025MB dự chia cổ tức lên tới 35% trong năm 2025

Năm nay, MB cũng dự kiến mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 23,7%, dựa trên mục tiêu tăng trưởng GDP 8% Chính phủ đề ra, phục vụ nền kinh tế tốt hơn, trong đó tập trung 60% vào cho vay khách hàng cá nhân và khách hàng SME siêu nhỏ, 40% còn lại cho khách hàng doanh nghiệp lớn và SME tầm trung.

Tại Đại hội, theo chia sẻ từ Chủ tịch MB, hiện tại giá trị vốn hóa của ngân hàng đang ở mức 6-7 tỷ USD và mục tiêu gần nhất là mốc 10 tỷ USD,HĐQT ngân hàng đang lên kế hoạch từng bước. 

"Nếu duy trì được chất lượng hoạt động và hiệu quả, mỗi năm tăng trưởng kinh doanh 22-23% và đẩy mạnh tăng trưởng quy mô vốn thì giá trị nội tại của ngân hàng sẽ tăng. Chỉ cần dừng chia cổ tức 3 năm thì giá cổ phiếu MBB sẽ tăng gấp ba hoặc ít nhất là gấp đôi", ông Thái nhìn nhận.

Chuyển giao bắt buộc MBV không tác động chỉ số tài chính của MB

Về kế hoạch chuyển đổi hình thức Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng TNHH MB Shinsei (MCredit) thành công ty TNHH một thành viên/cổ phần. Đồng thời ngân hàng dự kiến sẽ thay đổi tỉ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp tại . Ông Lưu Trung Thái cho biết ngân hàng chưa có kế hoạch thoái vốn trong năm nay mà cần bàn bạc lại với đối tác, dự kiến sang năm sẽ triển khai.

Một nội dung đáng chú ý khác là trong năm nay, MB đã nhận chuyển giao bắt buộc MBV (tiền thân là OceanBank), Chủ tịch HĐTV MBV cho biết việc chuyển giao bắt buộc không tác động chỉ số tài chính của MB do không hợp nhất báo cáo tài chính.

Với khoản lỗ lũy kế lên đến đến hơn 15.500 tỷ đồng, nhưng được sự hỗ trợ từ Chính phủ và chuyển giao công nghệ từ MB, MBV giữ nguyên toàn bộ phương án kinh doanh đã chuẩn bị kĩ trong đề án 3 năm. "Ngân hàng nhỏ có điểm mạnh của ngân hàng nhỏ, vì nhỏ nên chúng tôi có thời gian để chăm sóc kĩ hơn, làm tốt dịch vụ khách hàng hơn", ông Trung cho biết.