LỐI SỐNG

Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra

Admin

Việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng dự kiến đến 46% đối với một số mặt hàng của Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động thương mại cho doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI.

Với Nghị quyết 173/2024/QH15 cấm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) hiệu lực 1/1/2025 cùng với rào cản thuế quan, cả doanh nghiệp FDI hiện đã vận hành và kế hoạch của chính Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) trong sản xuất TLNN để xuất khẩu đang đối diện tình trạng khủng hoảng liên tiếp cùng với rủi ro pháp lý.

Cần làm rõ định nghĩa của từng loại thuốc lá mới để tháo gỡ cho các "doanh nghiệp vàng"

Tại tọa đàm "Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra" ngày 2/4 vừa qua với sự tham gia của nhiều bộ ngành, chuyên gia, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp FDI.

Theo đó, việc thay đổi chính sách đột ngột, thiếu lộ trình và đánh giá tác động toàn diện đang gây trở ngại cho thu hút đầu tư. Điển hình, nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư sản xuất thiết bị, sản phẩm TLNN theo Luật Đầu tư, nhưng Nghị quyết 173 được ban hành gấp rút (chỉ 1 tháng trước khi có hiệu lực) đã khiến họ gặp khó khăn trong giải quyết lượng hàng đã sản xuất và quan trọng hơn là tương lai của doanh nghiệp, trong khi hệ thống máy móc, linh kiện, nguyên liệu, nhà xưởng đã hoàn thiện và vận hành. Hiện các doanh nghiệp này đang nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ từ Chính phủ để giải quyết các vướng mắc.

Đặc biệt, ông Nguyễn Chí Nhân - Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng đề nghị cần sớm có hướng giải quyết, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Theo đó, Công ty Thuốc lá Thăng Long (thuộc Vinataba) đang có hợp đồng với đối tác nước ngoài (Hongkong - Trung Quốc) về sản xuất TLNN để xuất khẩu. Trước năm 2025, Công ty đã nhập máy móc, thiết bị, nguyên liệu với tổng đầu tư khoảng 15-17 triệu euro để sẵn sàng cho sản xuất. Hiện hợp đồng này đang tạm dừng, đặt Công ty trước rủi ro pháp lý vì gây thiệt hại lớn cho đối tác.

Theo ông Lê Đại Hải, việc triển khai Nghị quyết 173 vẫn còn nhiều bất cập. Ông Hải đề xuất cần định nghĩa rõ ràng và phân biệt giữa TLNN, TLĐT vào các văn bản luật gốc (như Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Nghị định 67/2023/NĐ-CP) nhằm bao quát được hết các đối tượng, kiểm soát buôn lậu hiệu quả. Đặc biệt cần tránh nhìn nhận đồng nhất về mức độ nguy hại của hai loại thuốc lá mới khác nhau này, gây khó khăn trong việc xây dựng các biện pháp phòng chống tác hại, theo báo cáo thẩm định 68/BCTĐ-BTP ngày 4/3 của Bộ Tư pháp.

Dữ liệu từ hơn 90 quốc gia và WHO đều khẳng định TLNN khác hoàn toàn với TLĐT. TLNN nguyên bản hoạt động theo cơ chế làm nóng trực tiếp nguyên liệu thuốc lá, hoàn toàn không có dung dịch lỏng như TLĐT hay các sản phẩm lai (hybrid). Các nghiên cứu và báo cáo cho thấy, tỷ lệ giới trẻ dùng TLNN không đáng kể (chẳng hạn như theo khảo sát của CDC Hoa Kỳ chỉ có 0,8% học sinh sử dụng TLNN) và không liên quan đến các ca nhập viện.

Toàn cảnh tọa đàm 2/4.

Rào cản thế quan có thể khiến "giọt nước tràn ly"

Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn thương thảo, nhưng nếu chính sách thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực, Việt Nam có thể mất ưu thế cạnh tranh với chi phí sản xuất thấp. Từ đó, nhiều doanh nghiệp FDI sẽ buộc phải cân nhắc ngừng mở rộng đầu tư hoặc chuyển sang thị trường có mức ưu đãi hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực không chỉ cho chính doanh nghiệp FDI, mà còn là các đối tượng liên quan khác. Cụ thể, doanh nghiệp quốc doanh, liên doanh cũng giảm nguồn thu nộp ngân sách, người lao động mất việc, ngân sách địa phương cũng bị sụt giảm đáng kể. Chưa kể, một nguồn thu thuế lớn vẫn đang bị thất thoát cho thị trường hàng lậu.

Do vậy, tại tọa đàm trên, ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) khuyến nghị, trước khi quyết định chính sách, dù ban hành chính sách mới hay bãi bỏ chính sách cũ, đều cần có đánh giá toàn diện về tác động đến tất cả các chủ thể liên quan.

Nhìn trên thế giới, trong khi trong nước còn loay hoay trong việc cân bằng giữa lệnh cấm và giữ chân các nhà đầu tư FDI, tránh tác động đến nguồn thu ngân sách, thì tại các nước như Nhật Bản, New Zealand, Anh… các sản phẩm thuốc lá mới ngày càng phổ biến như một lựa chọn thay thế cho người hút thuốc truyền thống, giảm tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu. Nhiều quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines có chính sách bảo trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này như ưu đãi thuế quan, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn so với thuốc lá truyền thống, và phát triển thành một trong những ngành hàng chủ lực.

Còn tại Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump trước đó đã công bố thuốc lá mới là một ngành công nghiệp lớn cần được bảo hộ. Đồng thời, ông cũng thúc đẩy FDA đơn giản hóa quy trình thẩm định, cấp phép kinh doanh cho các sản phẩm thuốc lá mới để hỗ trợ doanh nghiệp. Mục tiêu của động thái này là nhằm nhanh chóng xây dựng một hành lang pháp lý đủ chặt chẽ để quản lý toàn diện các loại thuốc lá, đồng thời vá lỗ hổng không cho thị trường chợ đen len lỏi vào nếu sản phẩm chính ngạch bị hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn bảo vệ ngành hàng thuốc lá mới (Ảnh: The Washington Post)

FDA đồng thời duy trì cơ chế hậu kiểm nghiêm ngặt thông qua việc yêu cầu các nhà sản xuất công khai minh bạch các hoạt động thương mại, tránh gây hiểu nhầm về lợi ích sản phẩm đối với sức khỏe. Song song đó, Mỹ cũng đẩy mạnh chiến lược giáo dục nhận thức nhằm ngăn giới trẻ tiếp cận mọi loại thuốc lá.

Việc hoãn áp dụng thuế đối ứng lên Việt Nam trong vòng 90 ngày hiện đang được xem là dấu hiệu tích cực và cũng là cơ hội để Việt Nam tận dụng để tiến hành đàm phán. Thỏa thuận thương mại được kỳ vọng sẽ sớm đạt được trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hướng đến hợp tác công bằng, bền vững và đáp ứng được lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.

Thu Hà