KINH DOANH

Sầu riêng Thái Lan 'gặp hạn' tại Trung Quốc - Indonesia, Malaysia 'mở cờ trong bụng', hô hào nhà xuất khẩu trong nước 'thừa thắng xông lên'

Admin

Báo chí các nước này tin rằng họ có cơ hội để gia tăng mạnh thị phần xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc giai đoạn tới.

Indonesia, Malaysia nhìn ra cơ hội

Indonesia đang nhăm nhe "miếng bánh" lớn hơn trên thị trường sầu riêng toàn cầu sau khi Trung Quốc, nước nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới, từ chối hơn 100 container từ Thái Lan do nhiễm hóa chất có thể gây ung thư, theo trang Jakarta Post.

Loại trái cây từ Thái Lan này được phát hiện nhiễm thuốc nhuộm Basis Yellow 2 (BY2), khiến lô sầu riêng trị giá khoảng 12 triệu USD bị Trung Quốc trả lại, đồng thời đưa một số nhà xuất khẩu Thái Lan vào danh sách đen.

Điều này sẽ "tạo cơ hội cho Indonesia cung cấp sầu riêng trực tiếp cho Trung Quốc", Liferdi Lukman, thuộc Tổng cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp Indonesia, cho biết.

Ông nói với tờ Jakarta Post rằng các nỗ lực tiếp cận thị trường Trung Quốc đã được tiến hành. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng vẫn cần một thỏa thuận giữa 2 chính phủ liên quan đến các lô hàng sầu riêng đông lạnh, dự kiến vào tháng tới.

"Sầu riêng tươi sẽ được GACC (cơ quan hải quan Trung Quốc) kiểm tra tại đồn điền và nhà đúng gói vào khoảng cuối tháng 2 để lập biên bản suất khẩu sầu riêng tươi", ông cho hay.

Trong khi đó, trang The Star cho rằng Malaysia có nhiều tiềm năng để thách thức Thái Lan cho việc xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Quốc gia này đã ghi nhận mức tăng đáng kể, đặc biệt sau khi đạt thỏa thuận với Trung Quốc vào tháng 7/2024, cho phép xuất khẩu sầu riêng tươi vào nước này.

Trong 3 tháng 8,9, 10, Malaysia thu về 4 triệu USD từ xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Theo BMI, công ty dự báo thị trường thuộc Fitch Solutions, Malaysia sẽ trở thành nước xuất khẩu sầu riêng tươi ngày càng quan trọng sang Trung Quốc.

Nhưng Thái Lan vẫn ở đó và Việt Nam là một thế lực đang lên

Thái Lan từ lâu đã thống trị hoạt động thương mại sầu riêng toàn cầu. Những rắc rối với lô 100 container sầu riêng vừa qua không thể che mờ vị thế của họ. Năm 2024, quốc gia này xuất khẩu gần 860.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc, giảm 13% so với mức 991 tấn vào năm 2023. Giá trị xuất khẩu cũng giảm từ 4,12 tỷ USD xuống còn 3,75 tỷ USD.

Trong khi đó, Việt Nam đã bứt tốc xuất khẩu 736.000 tấn sầu riêng vào thị trường Trung Quốc, trị giá 2,94 tỷ USD.

"Việt Nam gần Trung Quốc hơn bất kỳ đối thủ nào khác, giúp việc xuất khẩu sầu riêng tươi dễ dàng hơn", Sigit Uruwanto, chuyên gia về sầu riêng và là người đứng đầu cộng đồng Durian Traveler Indonesia cho biết. Nhưng không chỉ địa lý mang lại cho Việt Nam lợi thế. Khả năng sản xuất giống sầu riêng Monthong – nguồn gốc ở Thái Lan nhưng hiện trồng rộng rãi ở Việt Nam – là một yếu tố quan trọng khác.

Sigit mô tả Monthong là loại sầu riêng "ngon nhất và được ưa chuộng nhất" trên thị trường Trung Quốc, nhờ cơm dày, màu vàng và vị ngọt.

Trong khi Indonesia có tiềm năng tăng thị phần, Sigit tin rằng trọng tâm của chính phủ nước này vẫn nằm ở sản xuất gạo và đường. "Có thể trong những năm tới, chúng ta sẽ thấy Indonesia xuất khẩu nhiều sầu riêng hơn nhưng hiện tại, hầu hết chương trình của chính phủ đều tập trung vào gạo và đường".