ĐẦU TƯ

Sức bật cho siêu đô thị TP HCM

Admin

Trong 50 năm qua, TP HCM luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới và tuyến metro số 1 là một trong những dấu ấn quan trọng của hành trình này.

TP HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước - đang tiếp tục mở rộng địa giới hành chính sau khi sáp nhập thêm Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, mở ra triển vọng lớn trong việc hình thành một siêu đô thị, với sức bật lớn từ trung tâm tài chính quốc tế cùng mạng lưới metro phủ rộng

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, không khí ở TP HCM rực cờ hoa và các hoạt động mừng Đại lễ 30-4. Người dân từ khắp nơi đổ về, hòa mình vào các chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên trở thành một trong những phương tiện chính, luôn sôi động, náo nhiệt. Rất nhiều sự kiện, hoạt động đã được tổ chức tại ga metro Bến Thành - tuyến đầu mối giao thông quan trọng và biểu tượng mới của TP HCM. Đây là nơi giao thoa giữa hiện đại và truyền thống, giữa nhịp sống năng động và chiều sâu văn hóa đô thị.

Cú hích hạ tầng giao thông xanh

Trong 50 năm qua, TP HCM luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới và tuyến metro số 1 là một trong những dấu ấn quan trọng của hành trình này. Sự kiện tuyến metro đầu tiên đi vào khai thác không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử giao thông đô thị TP HCM, mà còn mở ra một thời kỳ phát triển mới với những tác động sâu rộng về kinh tế - xã hội, môi trường. Bà Văn Thị Hữu Tâm, Phó Giám đốc Công ty Đường sắt đô thị số 1 (HURC1), cho biết hệ thống metro không chỉ là một dự án hạ tầng giao thông mà còn là biểu tượng của tinh thần đổi mới, tư duy tiên phong và sự quyết tâm kiến tạo. Công trình giao thông này đang mang lại những thay đổi to lớn cho cuộc sống người dân, như giảm ùn tắc giao thông, hướng tới giao thông xanh bền vững, giảm khí thải bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - đô thị hiện đại.

Theo đề án được UBND TP HCM trình Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2035, thành phố sẽ triển khai 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355 km, bao gồm 258 nhà ga và 12 depot, tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 40,2 tỉ USD. Các tuyến này được thiết kế để kết nối những khu vực quan trọng, như trung tâm thành phố, khu đô thị mới Thủ Thiêm, Tân Kiên, Trường Thọ, khu công nghệ cao và Cần Giờ.

Đến năm 2045, TP HCM tiếp tục hoàn thiện 3 tuyến còn lại (tuyến số 8, 9 và 10), với tổng chiều dài 155 km, gồm 119 nhà ga và 2 depot. Số lượng toa xe là 351, với diện tích đất sử dụng khoảng 377 ha. Dự kiến tổng mức đầu tư cho giai đoạn này khoảng 17,95 tỉ USD, trong đó chi phí vận hành và khai thác gần 8,82 tỉ USD. Các tuyến này được kỳ vọng sẽ đáp ứng 50%-60% nhu cầu đi lại.

Theo Sở Giao thông Công chánh TP HCM, mạng lưới metro là xương sống của hệ thống vận tải hành khách công cộng. Thành phố xác định rõ tầm nhìn đến năm 2045 sẽ có 12 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 500 km. Trong đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã vận hành. Còn tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng đã được Chính phủ đồng ý cho điều chỉnh tổng mức đầu tư và dự kiến khởi công trong quý IV năm nay. "Chúng tôi đang hoàn tất các gói thầu chính, trong đó gói thiết kế - thi công đoạn ngầm và nhà ga là trọng tâm" - đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) thông tin.

Ngoài ra, TP HCM cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét đưa tuyến metro Cần Giờ (48,5 km, tổng vốn 4,09 tỉ USD) vào quy hoạch. Tuyến này kết nối trung tâm thành phố với đô thị biển Cần Giờ và được kỳ vọng sẽ trở thành động lực mới cho phát triển kinh tế du lịch biển. TP HCM dự kiến huy động vốn từ nhiều nguồn như ngân sách thành phố, vốn vay ODA, trái phiếu đô thị và hình thức hợp tác công - tư (PPP). Đặc biệt, nhờ Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về cơ chế đặc thù, TP HCM có thêm quyền tự quyết trong thu hút đầu tư hạ tầng chiến lược như metro.

TP HCM có thêm nhiều không gian, lợi thế, nguồn lực và tiềm năng phát triển khi sáp nhập 2 tỉnh “giàu có” là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cơ hội và thách thức

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng 355 km đường sắt đô thị trong vòng 10 năm tới, TP HCM cần huy động khoảng 40,2 tỉ USD. Đây là một thách thức lớn, đòi hỏi thành phố phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tài chính sáng tạo và linh hoạt.

Theo kế hoạch được UBND TP HCM ban hành vào tháng 3-2025, thành phố sẽ huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, thu từ phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) và nếu cần thiết thì vay từ các tổ chức tín dụng. Trong đó, ngân sách trung ương dự kiến hỗ trợ khoảng 8,379 tỉ USD, chiếm 20,7% tổng mức đầu tư.

Để đạt được mục tiêu này, trung bình mỗi năm, TP HCM cần giải ngân khoảng 4 tỉ USD cho các dự án metro. Đây là một áp lực lớn trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp và việc thu hút vốn đầu tư PPP chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Để tháo gỡ khó khăn, thành phố đã đề xuất nhiều cơ chế đặc thù, như tăng trần bội chi, phát hành trái phiếu đô thị và khai thác quỹ đất quanh các nhà ga metro theo mô hình TOD. Đặc biệt, TP HCM đã quyết định chuyển đổi nguồn vốn đầu tư cho tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) từ vốn ODA sang vốn đầu tư công, với tổng mức đầu tư hơn 48.000 tỉ đồng. Đây là tuyến metro đầu tiên áp dụng các cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 188/2025 của Quốc hội, cho phép thành phố chủ động hơn trong việc huy động và bố trí vốn đầu tư.

Ngoài ra, TP HCM cũng đang tích cực thúc đẩy phát triển đô thị theo mô hình TOD. Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường, thành phố có khoảng 9.000 ha đất ngoại thành có thể khai thác mô hình này, nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược và tạo nguồn thu bền vững cho các dự án metro. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp huy động vốn vẫn đối mặt nhiều thách thức, như thủ tục pháp lý phức tạp, khả năng hấp thụ vốn của các dự án và sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Do đó, TP HCM cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý dự án, tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để bảo đảm tiến độ, hiệu quả của các dự án metro.

Tâm điểm trung tâm tài chính quốc tế

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhận định việc sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP HCM không chỉ giúp TP HCM mở rộng địa giới hành chính mà còn mở ra triển vọng lớn trong việc hình thành một siêu đô thị có quy mô hàng đầu Đông Nam Á.

Với dân số chính thức lên đến hơn 13 triệu người, tổng diện tích hơn 6.500 km², quy mô kinh tế lên đến xấp xỉ 115 tỉ USD, siêu đô thị mới vừa tạo ra động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế vừa nâng tầm vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. "Một trong những điểm nhấn quan trọng để TP HCM mới có thể thực sự trở thành một siêu đô thị hướng biển mang tầm quốc tế là việc đẩy nhanh quá trình hình thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực đổi mới sáng tạo. Cần xây dựng cơ chế đặc biệt về thuế, thủ tục, chính sách ưu đãi vượt trội nhằm thu hút các tập đoàn công nghệ lớn, các định chế tài chính quốc tế vào đầu tư và mở rộng hoạt động" - TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Thực tế, ý tưởng hình thành một trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM đã được đề xuất từ nhiều năm qua nhưng phải đến những năm gần đây, kế hoạch này mới được cụ thể hóa trong các định hướng chiến lược của Bộ Chính trị, Chính phủ và UBND TP HCM. Trong lộ trình trở thành siêu đô thị, TP HCM đang thúc đẩy chiến lược xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam, với những bước đi ngày càng rõ ràng hơn.

Bà Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM), cho biết đề án thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP HCM nêu rõ đầu tàu kinh tế của cả nước sẽ trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, đóng vai trò cung cấp các dịch vụ tài chính bao gồm huy động vốn, đầu tư, tiết kiệm, thanh toán, phát hành sản phẩm tài chính… Những dịch vụ này tạo nền tảng vững chắc cho một trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2025-2030; sau đó trở thành trung tâm tài chính khu vực giai đoạn 2031-2035 và tiến tới trung tâm tài chính quốc tế và toàn cầu sau năm 2035. "Định hướng phát triển trung tâm tài chính quốc tế TP HCM trở nên cạnh tranh trong khu vực và trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, thông qua việc thu hút và là điểm đến của các tổ chức tài chính toàn cầu để hỗ trợ các hoạt động thương mại trong khu vực. TP HCM cũng kỳ vọng xây dựng trung tâm này để tài trợ cho tăng trưởng công nghiệp và thương mại quốc tế, là điểm đến của Fintech trong khu vực với chi phí cạnh tranh" - bà Vân nói.

Ông Michael Jaewuk Chin, thành viên HĐQT độc lập Ngân hàng Pepper Savings Bank (Hàn Quốc), chia sẻ kinh nghiệm xây dựng trung tâm tài chính khu vực Đông Bắc Á của Hàn Quốc, trong đó nhấn mạnh 3 yếu tố: Xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính, cải cách quy định và đổi mới công nghệ (ngân hàng số, tài chính di động, blockchain).

Với TP HCM, chuyên gia đến từ Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm về chiến lược phát triển trung tâm tài chính là tập trung xây dựng thị trường tiềm năng: Tài chính chuỗi cung ứng và xây dựng trung tâm tài chính thương mại; tạo dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tài chính số, Fintech, áp dụng tài chính xanh và hệ sinh thái tài chính bền vững. "TP HCM có nhiều cơ hội trở thành trung tâm tài chính của khu vực với các yếu tố lợi thế về nguồn nhân lực công nghệ cao, giá cả chi tiêu, sinh hoạt hợp lý và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ; cùng với đó thành phố đang thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Trong đó, tài chính xanh sẽ là chìa khóa giúp TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế" - ông Michael Jaewuk Chin nhận định.

Hiện tại, TP HCM đang xem xét phương án trung tâm tài chính quốc tế được phát triển dựa trên khu phố tài chính ở trung tâm hiện hữu thuộc quận 1 và hình thành khu phố tài chính ở Thủ Thiêm. Hai khu phố này sẽ bổ sung cho nhau với các dịch vụ tài chính truyền thống vẫn sẽ tập trung ở khu phố tài chính hiện tại và các dịch vụ tài chính có tính sáng tạo sẽ tập trung ở khu phố mới.

Trung tâm tài chính quốc tế TP HCM bao gồm 3 cấu phần: Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh. Đáng chú ý, bà Nguyễn Trúc Vân cho biết trong đề án xây dựng trung tâm tài chính, thành phố chọn đột phá dịch vụ tài chính mới như Fintech và ngân hàng số; kết nối Fintech và các start-up trong các lĩnh vực kinh doanh khác. Thực hiện cơ chế, sản phẩm tài chính xanh để hỗ trợ thành phố chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050… 

Người dân và du khách vui chơi dịp lễ 30-4 tại bến Bạch Đằng (quận 1, TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thanh toán đa phương tiện không dùng tiền mặt

Theo các chuyên gia, việc triển khai hệ thống thanh toán mở trên tuyến metro số 1 và toàn bộ hệ thống xe buýt ở TP HCM đang góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, thúc đẩy người dân chuyển dịch dần từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng. Đây là bước tiến thiết thực đưa TP HCM trở thành đô thị thông minh và phát triển bền vững.

Khách đi metro số 1 có thể sử dụng đa phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, từ quét thẻ ngân hàng (thẻ không tiếp xúc) trên thiết bị đầu đọc thẻ EMV tại các cổng soát vé, thẻ Mastercard, Visa, thẻ NAPAS, ví điện tử... Metro số 1 là tuyến giao thông công cộng đầu tiên cho phép sử dụng thẻ ngân hàng thay thế thẻ vé. Người dân chỉ cần chạm thẻ lên thiết bị kiểm soát tại cổng vào (tap-in) và sau khi kết thúc hành trình tại cổng ra (tap-out), giao dịch thanh toán cho chuyến đi sẽ được hoàn tất.

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), nhận định đây được xem là bước tiến trong quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở các phương tiện giao thông công cộng trong việc chuyển đổi hệ thống từ cơ chế đóng (Close-loop) sang cơ chế mở (Open-loop). Dịch vụ cho phép khách hàng thanh toán phí giao thông công cộng trực tiếp bằng thẻ ngân hàng, với đa dạng phương tiện di chuyển từ xe buýt, metro... mà không cần sử dụng nhiều thẻ vé chuyên biệt khác nhau. "Mô hình thanh toán giao thông mở cũng góp phần giảm bớt chi phí vận hành của các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng. Việc đưa thẻ NAPAS trở thành một trong những phương thức thanh toán trên tuyến metro số 1 giúp người dân TP HCM di chuyển thuận tiện hơn, đánh dấu một bước tiến trong xu hướng giao thông thông minh" - ông Hùng đánh giá.

Tiếp nối thành công trong việc triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt trên tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Sở Giao thông Công chánh TP HCM vừa phối hợp Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Mastercard ra mắt Hệ thống thẻ vé điện tử.

Theo đó, mô hình thanh toán mở sẽ được áp dụng cho toàn bộ hệ thống xe buýt của TP HCM. Đây là giải pháp thanh toán hiện đại, cho phép hành khách sử dụng đa dạng phương thức thanh toán như thẻ ngân hàng, ví điện tử, Apple Pay/Samsung Pay/mã QR... để chi trả nhu cầu đi lại chỉ với một chạm. Chủ thẻ Mastercard và Visa của bất kỳ ngân hàng nào trong hoặc ngoài nước phát hành đều có thể thanh toán khi đi xe buýt thông qua các máy POS đặt ngay trên xe. Dự kiến tháng 5-2025, hệ thống sẽ tiếp tục mở rộng để chấp nhận thẻ NAPAS, JCB, UnionPay và American Express.

Metro và trung tâm tài chính bổ trợ nhau

PGS-TS Vũ Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải, Trường Đại học Việt Đức - cho rằng trung tâm tài chính quốc tế TP HCM sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tạo nguồn vốn, đổi mới sáng tạo và nhu cầu đi lại, góp phần hoàn thiện và hiện đại hóa mạng lưới giao thông vận tải TP HCM, của vùng và cả nước.

Bởi lẽ, trung tâm tài chính quốc tế và hạ tầng giao thông có mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ. Một mặt, trung tâm tài chính quốc tế tạo vốn đầu tư, đổi mới và nhu cầu cho giao thông (làm thay đổi bộ mặt giao thông); mặt khác, giao thông được cải thiện góp phần tăng cường sức cạnh tranh quốc tế cho trung tâm này. Do đó, lộ trình phát triển cho cả hai cần phải được nghiên cứu tích hợp một cách khoa học và thực tiễn, bảo đảm tính phối hợp, tương trợ nhau nhằm nâng cao hiệu quả phát triển bền vững cho TP HCM và cả nước.

Trong bối cảnh hiện tại, TP HCM cần tăng tốc đầu tư phát triển và tích hợp các hệ thống giao thông tối quan trọng bảo đảm tính kết nối toàn cầu, hiệu quả và khả năng chống chịu. Các hệ thống hạ tầng giao thông dưới đây cần được ưu tiên đầu tư nhằm tạo điều kiện tiền đề hình thành trung tâm tài chính quốc tế, thu hút nhân tài, thúc đẩy thương mại và duy trì tính cạnh tranh nhất định ở giai đoạn đầu.

Bởi giao thông cho trung tâm tài chính quốc tế, khi dự án được triển khai ở TP HCM, là yêu cầu cấp thiết. Một trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi có các tuyến metro, đường sắt tốc độ cao; hạ tầng giao thông thông minh và hạ tầng giao thông số... Mọi kết nối quốc tế phải hoạt động 24/7 từ sân bay, các mạng lưới giao thông đồng bộ tới trung tâm tài chính một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất.

Về giải pháp cụ thể, PGS-TS Vũ Anh Tuấn đề xuất cần kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành bằng tuyến đường sắt nhanh liên thông, có nhà ga đặt tại trung tâm tài chính quốc tế. Trong kế hoạch đầu tư 355 km đường sắt cao tốc đến năm 2035, cần ưu tiên đầu tư các tuyến đường sắt cao tốc kết nối đến khu trung tâm tài chính quốc tế (tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương kéo dài kết nối vào tuyến metro số 1 ở ga Rạch Chiếc).

"Kết hợp với đầu tư tuyến metro số 1 (kéo dài) và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, lập quy hoạch chi tiết và đầu tư phát triển khu vực trung tâm tài chính quốc tế theo mô hình TOD, bổ sung kết nối với quận 1 bằng trục đi bộ và đi xe đạp trên cầu bộ hành. Với đường sắt tốc độ cao, kiến nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư đoạn Thủ Thiêm - sân bay Long Thành - Đà Nẵng. Ưu tiên đầu tư vào hạ tầng thông minh phục vụ tích hợp đa phương thức giao thông công cộng, điều khiển mạng lưới đường bộ nội đô" - PGS-TS Vũ Anh Tuấn nói.