THACO đề xuất tích hợp 2 tuyến metro làm 1, TP.HCM trả lời ra sao?
Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất được nghiên cứu và đầu tư tích hợp 2 tuyến đường sắt đô thị nối trung tâm TP.HCM đến sân bay Long Thành.
Đáng chú ý, Tập đoàn này nhấn mạnh: Trong trường hợp không được lựa chọn làm nhà đầu tư, THACO sẵn sàng bàn giao toàn bộ kết quả nghiên cứu cho TP.HCM mà không yêu cầu hoàn trả chi phí.
Theo THACO, tuyến đường sắt mà doanh nghiệp này đề xuất được tích hợp từ hai tuyến hiện có trong quy hoạch của TP.HCM, gồm metro số 2 (đoạn Bến Thành – Thủ Thiêm) và tuyến Thủ Thiêm – Long Thành. Tổng chiều dài toàn tuyến tích hợp khoảng 47,8km, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 4,8 tỷ USD.
Nếu đề xuất này được thông qua, đây sẽ là dự án đầu tư chưa từng có ở Việt Nam, đặc biệt là ở TP.HCM. Lần đầu tiên có một doanh nghiệp tư nhân tự đề xuất nghiên cứu, đầu tư tích hợp 2 tuyến metro làm 1. Khi hoàn thành, đây cũng sẽ là tuyến metro dài nhất và có vốn đầu tư lớn nhất Việt Nam.
Tuyến đường này mang ý nghĩa chiến lược khi kết nối ba trọng điểm: trung tâm TP.HCM (Bến Thành), khu đô thị mới Thủ Thiêm và sân bay quốc tế Long Thành – qua đó kết nối luôn cả hai sân bay quốc tế lớn nhất phía Nam là Tân Sơn Nhất và Long Thành.
Diện mạo tuyến metro Bến Thành - Thủ Thiêm - sân bay Long Thành trong tương lai nếu được thông qua do ChatGPT sáng tạo ra (Video chỉ mang tính chất giả định)
Tập đoàn này cho biết sẽ nghiên cứu đầu tư theo hai phương án: tổng thầu EPC hoặc đầu tư trực tiếp theo Luật Đầu tư. Doanh nghiệp đề xuất được thực hiện nghiên cứu trong vòng tối đa 3 tháng kể từ ngày được chấp thuận, nhằm xây dựng phương án tổng thể, lựa chọn mô hình đầu tư phù hợp và tối ưu hóa khai thác không gian ngầm cùng các khu đô thị theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development) tại các nhà ga và depot.
Cũng theo cam kết của doanh nghiệp, việc nghiên cứu sẽ được thực hiện khẩn trương và không làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai metro số 2 (dự kiến khởi công tháng 12-2025) và tuyến Thủ Thiêm – Long Thành (dự kiến quý 4-2026).
Phản hồi đề xuất này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đánh giá cao ý tưởng tích hợp các tuyến đường sắt để tạo thành một tuyến liên kết xuyên suốt từ Bến Thành đến sân bay Long Thành.
TP.HCM đề nghị các nhà đầu tư, trong đó có THACO, chủ động triển khai nghiên cứu, lập đề xuất cụ thể để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Metro Bến Thành - Thủ Thiêm - sân bay Long Thành được đề xuất quy mô thế nào?
Theo quy hoạch hiện tại, TP.HCM đang triển khai kế hoạch đầu tư 355km đường sắt đô thị với tổng mức đầu tư cho 9 tuyến lên tới hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Trong đó, tuyến Thủ Thiêm – Long Thành dài 41,8km có vốn đầu tư sơ bộ khoảng 3,5 tỷ USD, còn đoạn metro số 2 từ Bến Thành đến Thủ Thiêm dài 6km dự kiến đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD.
Việc tích hợp hai tuyến này thành một trục kết nối xuyên suốt đang được kỳ vọng sẽ mở ra đột phá cho giao thông và phát triển đô thị của thành phố trong những năm tới. Không chỉ đơn thuần là bài toán kỹ thuật, sự tích hợp này mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về phát triển đô thị, kết nối vùng và thúc đẩy kinh tế.
Với tổng chiều dài gần 42 km, tuyến Metro Bến Thành – Thủ Thiêm – sân bay Long Thành sẽ đóng vai trò là trục giao thông huyết mạch, kết nối trực tiếp giữa trung tâm tài chính – thương mại của TP.HCM với "cửa ngõ hàng không mới" của quốc gia.
Hành khách từ lõi trung tâm đô thị sẽ có thể di chuyển đến sân bay Long Thành một cách nhanh chóng, thuận tiện, rút ngắn đáng kể thời gian so với di chuyển bằng đường bộ truyền thống. Các ngành logistics, thương mại, du lịch và đầu tư quốc tế từ đó cũng rộng mở cơ hội phát triển.
Sau khi sáp nhập, TP.HCM rộng khoảng 6.722 km2, diện tích đứng thứ 22 cả nước, còn dân số dẫn đầu với khoảng 14 triệu người.
So với khu vực, TP.HCM mới có diện tích nằm trong nhóm các vùng đô thị lớn, gần bằng Jakarta (7.600 km²) và Bangkok (7.762 km²), nhỉnh hơn Thượng Hải (6.340 km²). Đô thị của Việt Nam còn vượt xa Kuala Lumpur (2.243 km²) và gấp gần 10 lần Singapore (728 km²).