ĐẦU TƯ

Thủ tướng nêu 3 nhiệm vụ quan trọng cho lĩnh vực 100 tỷ USD, 1 điều tuyệt đối không được để xảy ra

Admin

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan cần tiếp tục huy động tối đa nguồn lực, rà soát và tăng cường đội ngũ nhân lực cho các dự án quan trọng quốc gia.

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 213/TB-VPCP ngày 4/5/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.

Thông báo nêu rõ: Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã thông qua các đề xuất của Chính phủ liên quan đến phát triển ngành đường sắt. Bao gồm: nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, tiếp tục triển khai các tuyến đường sắt đang tạm dừng hoặc giãn tiến độ, và thực hiện các dự án đường sắt quy mô lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc, cùng các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, yêu cầu tiến độ rất cao, nhất là với Bộ Xây dựng. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan cần tiếp tục huy động tối đa nguồn lực, rà soát và tăng cường đội ngũ nhân lực cho các dự án (bao gồm cơ quan quản lý, ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn…).

Trong đó, tập trung vào ba nhóm nhiệm vụ chính: Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực. Cần đa dạng các nguồn vốn (gồm vốn Trung ương, địa phương, vốn vay, trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp, hợp tác công tư…). Đồng thời, kịp thời báo cáo Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung, cập nhật cơ chế chính sách đặc thù, tăng cường phân cấp và cắt giảm thủ tục đầu tư. Song song đó là phát triển công nghiệp đường sắt và làm chủ công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Ảnh minh hoạ tạo bởi AI Meta

Thứ hai, triển khai đồng bộ các dự án đường sắt trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối Trung Quốc, đường sắt kết nối vùng kinh tế trọng điểm và các tuyến đô thị ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Cần nhanh chóng giải quyết các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư. Hướng tuyến của các dự án phải tuân theo nguyên tắc: “ngắn nhất, thẳng nhất có thể; qua núi làm hầm; qua sông bắc cầu”.

Thứ ba, tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng và hiệu quả vận hành. Cần tiếp cận, áp dụng công nghệ tiên tiến (như mô hình thông tin công trình - BIM…), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (công nhân kỹ thuật, kỹ sư, tiến sĩ…), có kế hoạch đào tạo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đồng thời, cần huy động các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có năng lực để tham gia dự án và phát triển công nghiệp đường sắt. Phải tiếp nhận, chuyển giao và làm chủ công nghệ hiện đại, áp dụng quản trị thông minh để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một số dự án đường sắt quy mô lớn - Thông tin được tổng hợp, phân tích bởi Chat GPT

Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm

Trong thông báo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần "thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa", phát huy tinh thần trách nhiệm, phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền", "nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn", triển khai công việc nhanh, quyết liệt, quyết đoán, tạo động lực, truyền cảm hứng làm việc.

Các bộ, ngành, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động, tích cực, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực đảm bảo mục tiêu triển khai đồng bộ các dự án đường sắt.

Đặc biệt, bảo đảm kế hoạch khởi công tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào cuối năm 2025 và khởi công dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào cuối năm 2026.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan, đơn vị, các Ban quản lý dự án tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm.

Để đảm bảo tiến độ đề ra, Thủ tướng yêu cầu các địa phương có dự án đi qua chủ trì tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.

Thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng (Bí thư Tỉnh uỷ, Thành ủy làm Trưởng Ban) và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo: dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hoàn thành trong ngày 5/5/2025, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam hoàn thành trước ngày 1/7/2025.

Yêu cầu Bộ Xây dựng giao Ban Quản lý dự án Đường sắt cử cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo của các địa phương; khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện và ứng vốn ngân sách địa phương để triển khai xây dựng các khu tái định cư; thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo chủ trương dự án, xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án không phải lập chủ trương đầu tư (đáp ứng tiến độ các Dự án).

Bộ Giao thông vận tải cho biết tổng kinh phí đầu tư để thực hiện quy hoạch đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 vào khoảng 200 tỷ USD.

Trong giai đoạn này, Việt Nam dự kiến khởi công 9 dự án đường sắt quốc gia, bao gồm các tuyến mới và nâng cấp tuyến hiện có, với tổng chiều dài khoảng 4.802 km. Đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia sẽ mở rộng lên 25 tuyến với tổng chiều dài 6.354 km.

Đặc biệt, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng mức đầu tư sơ bộ lên đến hơn 1,713 triệu tỷ đồng (tương đương 67 tỷ USD) . Ngoài ra, dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng cũng được dự kiến đầu tư khoảng 203 nghìn tỷ đồng (tương đương 8,37 tỷ USD).

TP.HCM đặt mục tiêu đến 2035 hoàn thiện 7 tuyến dài 355km và xây thêm 3 tuyến sau năm 2035. Tổng nhu cầu vốn xây đường sắt đô thị đến 2060 của TP.HCM ước tính hơn 100 tỷ USD.