ĐẦU TƯ

Tình hình 10 thị xã miền Nam sẽ lên thành phố giai đoạn 2026-2030

Admin

Đến năm 2030, một số thị xã ở các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Bình Định, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh và Tiền Giang sẽ phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Thị xã Tân Châu

Thị xã Tân Châu

Theo Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, đến năm 2030, toàn tỉnh An Giang có 27 đô thị, trong đó, phấn đấu đến năm 2030 thị xã Tân Châu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Thị xã Tân Châu đã có những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội trong năm 2024. Mặc dù gặp khó khăn do giá cả nguyên vật liệu tăng và thời tiết phức tạp, nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, thị xã đã vượt qua 15/15 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND đề ra và hoàn thành 69/69 nhiệm vụ chương trình công tác UBND.

Kinh tế thị xã tiếp tục phát triển với giá trị sản xuất các khu vực kinh tế tăng, thu ngân sách nhà nước đạt 148,02% so với Nghị quyết HĐND thị xã, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 18,77% so với năm 2023, và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 770 triệu USD.

Du lịch cũng phát triển với việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và tăng cường quảng bá. Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tiếp tục hồi phục và đạt kết quả tích cực.

Nông nghiệp vẫn ổn định với tổng giá trị sản xuất tăng 4,18% so với năm 2023. Thị xã cũng đã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới” lên 7/9 xã và có thêm 2 xã đạt chuẩn nâng cao.

Thị xã Giá Rai

Theo Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, đến năm 2030, Bạc Liêu xây dựng 17 đô thị, trong đó, phấn đấu đến năm 2030, thị xã Giá Rai sẽ trở thành thành phố.

Thị xã Giá Rai

Năm 2024, thị xã Giá Rai có những tiến triển tích cực trong kinh tế - xã hội. Nông nghiệp phát triển, chỉ số công nghiệp, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng. Chính sách và an sinh xã hội được thực hiện đúng và kịp thời, an ninh chính trị và trật tự xã hội đảm bảo.

Thị xã đã thực hiện đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu đề ra, nổi bật như: Tổng thu ngân sách được 142 tỷ đồng, đạt 107,6%; xây dựng 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 100%; công nhận 01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, công nhận lại 03 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thị xã đạt 89,2% (chỉ tiêu 86,8%); phát triển 152 đảng viên mới, đạt 102,7%.

Thị xã Hoài Nhơn

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, đến năm 2030, Thị xã Hoài Nhơn được định hướng trở thành thành phố, là cửa ngõ phía Bắc, đồng thời là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển phía Bắc tỉnh Bình Định.

Cũng trong năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn và thách thức như thời tiết thất thường, thị trường bất động sản phục hồi chậm và hạn chế về nguồn lực đầu tư, thị xã Hoài Nhơn đã đạt được một số thành tựu đáng kể.

Thị xã Hoài Nhơn

Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm đạt 14,79%, vượt 0,82%; Tổng thu ngân sách phát sinh trên địa bàn 1.165,8 tỷ đồng, vượt 389,4 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu 241,6 triệu USD, tăng 1,6 triệu USD; Doanh thu thương mại – dịch vụ đạt 29.324 tỷ đồng, đạt 101,2% kế hoạch, tăng 3.519 tỷ đồng so cùng kỳ; thu hút 11 dự án mới, tăng 1 dự án; công tác đầu tư xây dựng hạ tầng được tăng cường; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện hiệu quả…

Thị xã La Gi

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2030, đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận có 16 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại III là thành phố La Gi.

Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thị xã trong năm 2024 nhìn chung chuyển biến tích cực, đạt được kết quả trên một số mặt. 10/10 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nổi rõ, thu ngân sách đạt kết quả cao (đạt 182% dự toán giao), hoàn thành giải ngân đầu tư công như cam kết với tỉnh (trên 95%), giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vượt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ….

Sản lượng khai thác thủy sản tăng 13,77% so cùng kỳ. Công tác chống khai thác IUU được tập trung và có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thị xã không có tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Hoạt động du lịch phát triển, lượng khách du lịch đến thị xã tăng so với cùng kỳ.

Thị xã Bình Long - Phước Long - Chơn Thành

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2030, trong giai đoạn 2026 – 2030, Bình Phước phấn đấu đưa các đô thị Phước Long, Bình Long, Chơn Thành sẽ đạt tiêu chuẩn thành phố loại III.

Năm 2024, thị xã Bình Long đã thực hiện đạt và vượt 22/23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được đề ra. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 13,17%, vượt so với chỉ tiêu 12,95%. Ngành nông - lâm - thủy sản đạt 7,86%, công nghiệp - xây dựng đạt 44,9%, và thương mại - dịch vụ đạt 47,24%.

Thị xã Bình Long

Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện là 239,033 tỷ đồng, đạt 86% so với dự toán tỉnh giao và 78% so với dự toán điều chỉnh của HĐND thị xã. Tổng chi ngân sách ước thực hiện là 600 tỷ đồng, đạt 114% dự toán tỉnh giao và 100% dự toán điều chỉnh của HĐND thị xã. Thị xã cũng phát triển thành công 70 doanh nghiệp mới, vượt 140% so với kế hoạch, và thành lập 1 hợp tác xã cùng 1 tổ hợp tác. Thu nhập bình quân đầu người đạt 95 triệu đồng, vượt 102% chỉ tiêu.

Thị xã Phước Long tập trung vào mục tiêu trở thành đô thị loại III, đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 8,05% so với năm trước, đạt 102,94% so với chỉ tiêu. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 13,48%, đạt 114,24% so với chỉ tiêu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,03%, đạt 113,98% so với chỉ tiêu.

Thị xã Phước Long

Thị xã Phước Long hiện đang thực hiện nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị, giao thông, và hạ tầng kỹ thuật, với tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là 1.667 tỷ đồng. Cùng với đó, thị xã cũng chú trọng vào cải cách hành chính và chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước và triển khai thủ tục hành chính trực tuyến.

Thị xã Chơn Thành có giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước thực hiện 33.480 tỷ đồng, đạt 100,05% kế hoạch, tăng 15,73% so với năm 2023. Giá trị sản xuất ngành xây dựng ước 3.476 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 20,44% so với năm 2023.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước 11.650 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 491,6 tỷ đồng, đạt 94,17% dự toán điều chỉnh tỉnh giao. Tổng chi ngân sách Nhà nước ước thực hiện 681,59 tỷ đồng, đạt 112,03% dự toán tỉnh giao. Tổng kế hoạch điều chỉnh vốn đầu tư công năm 2024 hơn 164,1 tỷ đồng.

Thị xã Chơn Thành

Về lĩnh vực văn hóa, xã hội, đã giải quyết việc làm cho 5.568 người, đạt 111,36% kế hoạch tỉnh giao; đào tạo nghề cho 2.257 lao động; có 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, thị xã cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về chuyển đổi số, cải cách hành chính. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo...

Thị xã Trảng Bàng - Thị xã Hòa Thành

Theo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, giai đoạn 2026-2030, tỉnh sẽ nâng cấp Thị xã Trảng Bàng - Thị xã Hòa Thành lên thành phố.

Trong năm vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức đan xen nhưng các chỉ tiêu kinh tế của thị xã vẫn tăng trưởng ấn tượng. Thị xã Trảng Bàng đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch 11/12 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Thị uỷ và HĐND thị xã giao. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công ngiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ.

Thị xã Trảng Bàng

Tổng giá trị sản xuất một số ngành kinh tế chủ yếu ước thực hiện năm 2024 trên 45.909 tỷ đồng, tăng 15,82% so cùng kỳ. Thu ngân sách ước thực hiện hơn 340 tỷ đồng, đạt 113,19% dự toán, tăng 8,32% so cùng kỳ. Chi ngân sách hơn 1.088 tỷ đồng, đạt 114,80% so dự toán và giảm 4,25% so cùng kỳ.

Với thị xã Hòa Thành, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trọng yếu của Hoà Thành đều đạt mức tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ năm 2023. Nhiều chỉ tiêu trong năm 2024 đạt cao, như: tổng giá trị sản xuất trên địa bàn theo giá so sánh (GRDP) tăng 7,45%; trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 6,70%, thương mại - dịch vụ tăng 9,47%, thu ngân sách hơn 384 tỷ đồng, đạt hơn 108% dự toán, tăng 4,08% so cùng kỳ.

Thị xã Hòa Thành

Từ đầu năm đến nay, thị xã  đã cấp mới hơn 650 giấy phép đăng ký kinh doanh cá thể và  có 126 doanh nghiệp thành lập mới hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực, ngành nghề, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Bên cạnh sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, xây dựng nông thôn mới…

Thị xã Cai Lậy

Theo Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 25 đô thị, trong đó, hai thị xã Gò Công và Cai Lậy sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Thị xã Gò Công đã chính thức lên thành phố trong năm 2024.

Với thị xã Cai Lậy,  trong năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực; tổng giá trị sản xuất tăng 7,92% so với năm 2023; tổng thu ngân sách từ kinh tế địa phương tăng 3,9% so với cùng kỳ, đạt 114,42% Nghị quyết...

Thị xã Cai Lậy

Toàn thị xã có khoảng 1.265 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với hơn 14.000 lao động, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị xã.

Trong năm, có 692 hộ đăng ký kinh doanh mới, đạt 197,7% kế hoạch; thành lập 53 doanh nghiệp, đạt 112,77% kế hoạch và 5 hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi lên doanh nghiệp, đạt 100% kế hoạch; lũy kế đến nay, thị xã có 469 doanh nghiệp, khoảng 6.300 hộ kinh doanh... Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,52% (vượt Nghị quyết)...