ĐẦU TƯ

Tổng Bí thư Tô Lâm: "Thời cơ vàng" để sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Admin

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao.

Ngày 13-2, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Phát biểu tại thảo luận tổ Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh với sự đồng tình, thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đã được triển khai nhanh, hiệu quả.

Theo Tổng Bí thư, việc tinh gọn bộ máy để giảm chi thường xuyên chỉ là một phần, mục tiêu lớn hơn là để bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại tổ ngày 13-2. Ảnh: Quang Phúc

Tổng Bí thư nhấn mạnh bộ máy hiện còn cồng kềnh, nhiều lĩnh vực chồng chéo, chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan phân định chưa rõ ràng, do đó việc rà soát, sắp xếp là rất cần thiết. "Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy rất được đồng tình, hợp lòng dân, nếu không có sự đồng tình đó thì rất khó thực hiện"- Tổng Bí thư nêu rõ.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy để điều hành, đưa đất nước phát triển, song Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt với nâng cao đời sống người dân, đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trên mọi phương diện. "Điều đó mới thể hiện được hiệu năng, hiệu lực của bộ máy Nhà nước. Chúng ta nói tăng trưởng mấy con số, nhưng nếu đời sống người dân không được nâng lên thì tăng trưởng đó để đi đâu"- Tổng Bí thư nói.

Bên cạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Tổng Bí thư cho rằng việc bố trị đội ngũ cán bộ để thực thi hiệu quả cũng là vấn đề rất quan trọng. Cạnh đó, hệ thống quy định pháp luật cần sớm được hoàn thiện để thực hiện đồng nhất, đảm bảo tính khả thi.

Đánh giá hiện là "thời cơ vàng" để thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nếu để sau Đại hội lần thứ XIV của Đảng thì không làm được. Do đó, thời điểm này triển khai rất hợp lý, sau đó triển khai đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Trong quá trình này, Tổng Bí thư cho biết đã nghiên cứu kỹ về các yêu cầu nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy. Tham khảo kinh nghiệm của thế giới cho thấy các quốc gia đều phải quan tâm đến vấn đề này, bởi bộ máy không hiệu quả thì nhân dân không còn tín nhiệm. Sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả điều hành của bộ máy.

Tổng Bí thư nhấn mạnh hiện là "thời cơ vàng" để sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Ảnh: Quang Phúc

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, mỗi giai đoạn của cách mạng, mỗi đường hướng của từng giai đoạn phải có bộ máy phù hợp để thực thi đường hướng đó. Cho nên hiện nay, các vấn đề về điểm nghẽn, cản trở đều được nhận diện để tháo gỡ, hướng đến mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước.

Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy cũng đã tính đến khả năng phối hợp, năng lực thực thi chính sách của bộ máy. Bên cạnh đó, theo Tổng Bí thư, cũng cần tính đến khả năng quản lý về ngân sách.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm qua luôn có tình trạng "có tiền nhưng không tiêu được". "Tiềm lực chúng ta có, tại sao không phát triển được, đầu tư công không được. Luật lệ phức tạp, đủ các quy định mới có thể chi được tiền. Rồi các vấn đề về hợp tác công - tư cũng vướng mắc"- Tổng Bí thư chỉ rõ.

Việc phân bổ vốn theo kế hoạch hàng năm hoặc 5 năm, theo Tổng Bí thư Tô Lâm cũng có những bất cập nhất định khi bị "bó cứng", khó có thể linh hoạt trên thực tế. "Đầu nhiệm kỳ đã phân bổ hết vốn, sau đó lại xin điều chỉnh. Đồng nào phân bổ mua muối phải mua muối, mua gạo phải mua gạo. Nếu phân bổ mua muối mà lại đi mua gạo thì bị sai quy định. Tất cả đã phân bổ "cứng" hết, còn gì còn dư địa để năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm"- Tổng Bí thư nêu vấn đề.

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng là vấn đề được tính tới khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Theo Tổng Bí thư, chúng ta cần nhìn nhận vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu so sánh với chính bản thân mình, thì các thành quả của Việt Nam thời gian qua là rất to lớn, vĩ đại, song Tổng Bí thư cho rằng khi nhìn ra các nước trong khu vực và trên thế giới, mới thấy chúng ta đang quá chậm, khả năng cạnh tranh quốc gia rất khó khăn.

Tổng Bí thư dẫn chứng từng là một làng chài hoang vu, nghèo đói, Singapore đã phát triển ngoạn mục. Theo Tổng Bí thư, những năm 1960, 1970, người dân Singapore được đến khám bệnh tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) là niềm mơ ước, nhưng sau đó thì ngược lại, chúng ta lại mơ ước được sang quốc gia này để khám chữa bệnh. Hay sau hơn 40 năm cải cách, Trung Quốc cũng đã có sự phát triển vượt bậc, thu nhập bình quân đầu người hiện khoảng 12.000 USD.

Nêu các dẫn chứng trên, Tổng Bí thư Tô Lâm muốn nhấn mạnh rằng nguy cơ tụt hậu luôn hiện hữu. Đây là vấn đề chúng ta đã nhìn nhận ra, song phải phát triển mạnh mẽ để tránh khỏi nguy cơ đó. "Cứ lững thững bước đi, chúng ta khó bắt kịp các nước trong khu vực và trên thế giới"- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, cần tính đến cơ chế hành pháp, mức độ liêm chính của Chính phủ, Nhà nước. Trong bối cảnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, các yếu tố này cần được chú trọng hơn. Tổng Bí thư cũng lưu ý đến việc đảm bảo lợi ích của người dân, quyền làm chủ của nhân dân, củng cố nền dân chủ.

Đề cập đến mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn tới, Tổng Bí thư đề nghị nhận diện các cản trở, điểm nghẽn để sớm khơi thông, huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ nhân dân. Theo Tổng Bí thư, nếu được người dân đồng tình, ủng hộ thì sức mạnh sẽ được phát huy.

Tại phiên thảo luận, Tổng Bí thư cũng cho biết có ý kiến kiến nghị xem xét về tổ chức chính quyền 4 cấp, hay 3 cấp. "Đây là vấn đề phải nghiên cứu, xem xét"- Tổng Bí thư nhấn mạnh và cho biết Trung Quốc có diện tích và dân số lớn hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng số tỉnh, thành phố lại ít hơn Việt Nam.

Về chia tách tỉnh, Tổng Bí thư nói trong lịch sử, một số tỉnh tách ra thì phát triển tốt hơn, nhưng đến nay cũng đã hết dư địa để phát triển, diện tích đất không còn để phát triển kinh tế - xã hội, nên đang tính toán đến các phương án về liên kết vùng để tạo sự kết nối.

Tổng Bí thư cũng cho biết hiện ngành công an đang chuẩn bị cho thực hiện bỏ công an cấp huyện. Theo Tổng Bí thư, hiện công an chính quy đã về cấp xã, nên người dân được giải quyết các công việc liên quan ngay tại cấp xã.