"NHÀ BĂNG"

'Tổng nợ xấu ngân hàng đã lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng và có 677.000 tỷ đồng đã được xử lý bằng dự phòng nhưng chưa thu hồi được'

Admin

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, đến ngày 31/12/2024, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng (bao gồm cả nợ tiềm ẩn rủi ro) ước tính vào khoảng 5,46%, tương ứng với tổng số tiền nợ xấu ở mức 1.030.000 tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2025, tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng thêm 34.000 tỷ đồng, lên 1.064.000 tỷ đồng.

Thông tin tại buổi tọa đàm được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, đến ngày 31/12/2024, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng (bao gồm cả nợ tiềm ẩn rủi ro) ước tính vào khoảng 5,46%, tương ứng với tổng số tiền nợ xấu ở mức 1.030.000 tỷ đồng – một con số rất lớn. Trong đó, nợ xấu nội bảng là 778.000 tỷ đồng, nợ bán cho VAMC 101.000 tỷ đồng, và nợ tiềm ẩn rủi ro 150.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý là có khoảng 677.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro, đã được đưa ra ngoài bảng cân đối kế toán, nhưng các ngân hàng chưa thu hồi được. Theo ông Hùng, nhiều tài sản liên quan đến khoản nợ này không thể xử lý do vướng tranh chấp pháp lý, thậm chí có những vụ việc đã có hiệu lực thi hành án nhưng vẫn không thực hiện được. Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng cho thấy, tính đến cuối năm 2024, có khoảng 446.000 vụ án liên quan, với tỷ lệ thu hồi nợ chỉ đạt khoảng 15%.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, trong 2 tháng đầu năm 2025, tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng thêm 34.000 tỷ đồng, đạt 1.064.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu nội bảng tăng lên 833.000 tỷ đồng, nợ bán cho VAMC giảm còn 99.000 tỷ đồng, và nợ tiềm ẩn rủi ro là 130.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn khoảng 63.000 tỷ đồng nợ xấu thuộc diện cơ cấu nợ theo Thông tư 02, nhưng thông tư này đã hết hiệu lực, khiến khoản nợ này tiếp tục được xem là nợ tiềm ẩn rủi ro, nâng tổng nợ tiềm ẩn lên khoảng 193.000 tỷ đồng.

Theo ông Hùng, một vấn đề lớn hiện nay là ý thức trả nợ của khách hàng không cải thiện mà còn kém hơn trước, thậm chí trở nên tinh vi hơn. Qua 5-6 năm xử lý thí điểm theo Nghị quyết 42, nhiều khách hàng tìm cách trốn tránh bàn giao tài sản, hoặc nếu bàn giao thì cố lấy lại lợi ích, thậm chí tạo thêm tranh chấp để kéo dài quá trình thu hồi. Đơn cử, tại Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng vụ kiện tụng liên quan đã vượt quá khả năng xử lý của tòa án, gây quá tải cho các thẩm phán.

Ngân hàng nào có nhiều nợ xấu nhất?

Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2024, số dư nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán và Agribank đến cuối năm 2024 ở mức 256.112 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2024

Ngoại trừ Agribank, NCB, VietABank và TPBank, tất cả ngân hàng còn lại trong nhóm khảo sát đều có số dư nợ xấu tăng so với cuối năm 2023.

.

Dù tăng so với cuối năm 2023 tuy nhiên nếu so với cuối quý III/2024, số dư nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng giảm. Theo đó, có 21/27 ngân hàng trên sàn chứng khoán đã ghi nhận số dư nợ xấu giảm so với cuối tháng 9/2024, trong đó dẫn đầu là NCB (giảm 5.801 tỷ đồng) và BIDV (giảm 4.350 tỷ đồng).

Các ngân hàng thuộc nhóm Big4 và ngân hàng TMCP lớn (MB, ACB, Techcombank và VPBank) đều chứng kiến số dư nợ xấu giảm trong quý IV. Nhờ vậy, khi so với đầu năm, nợ xấu của một số ngân hàng như VPBank, hay Vietcombank chỉ tăng ở mức 2% và 11%, thấp hơn nhiều so với trung bình ngành.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý II/2025 mới được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, mặt bằng rủi ro (MBRR) tổng thể của các nhóm khách hàng trong Quý I/2025 được các TCTD nhận định tiếp tục tăng nhẹ so với quý trước, tăng cao hơn so với kỳ vọng ở kỳ điều tra trước và được dự báo tiếp tục tăng nhẹ trong Quý II/2025.

Trong đó, 26,3% TCTD nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng (KH) ở mức “cao” (24,5%) và “khá cao” (1,8%). Trái với kỳ vọng về xu hướng giảm MBRR trong năm 2025 ghi nhận tại kỳ điều tra trước, tại kỳ điều tra này, các TCTD dự báo MBRR tổng thể của các nhóm khách hàng vẫn tiếp tục xu hướng “tăng nhẹ” trong năm 2025, tuy nhiên tốc độ tăng chậm lại hơn nhiều so với năm 2024. Dự báo cho năm 2026, các TCTD kỳ vọng MBRR sẽ giảm dần.

Các TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu tiếp tục xu hướng giảm trong quý I/2025 và kỳ vọng giảm mạnh hơn trong quý II/2025, trái ngược với nhận định “tăng” của cùng kỳ năm trước. Tại kỳ điều tra này, các TCTD đã điều chỉnh giảm dự báo về tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2025 so với kết quả ghi nhận tại cuộc điều tra kỳ trước.