Nhận định đầu tư
Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Xu hướng ngắn hạn VN-Index tăng trưởng trên hỗ trợ gần nhất 1.480 điểm, hỗ trợ mạnh hơn 1.450 điểm. VN-Index đang chịu áp lực bán ở vùng đỉnh lịch sử tháng 1/2022.
Trong khi VN30 đang có rủi ro tạo đỉnh ngắn hạn, chịu áp lực điều chỉnh về vùng đỉnh cũ lịch sử, với hỗ trợ tâm lý gần nhất quanh 1.587 điểm, giá cao nhất tháng 11/2021. Thị trường trong giai đoạn cập nhật kết quả kinh doanh quý II/2025. Bắt đầu phân hóa mạnh với những điểm nhấn nổi bật, tăng giá tốt ở các mã bắt đầu có thông tin tích cực.
Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 21/7 (Nguồn: FireAnt).
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN): Thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên 22/7 và chỉ số VN-Index có thể sẽ thử thách vùng hỗ trợ 1.475 – 1.480 điểm.
Đồng thời, rủi ro ngắn hạn tiếp tục gia tăng và nếu chỉ số VN-Index giảm dưới vùng hỗ trợ 1.475 – 1.480 điểm thì áp lực điều chỉnh sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho thấy thị trường có thể dừng lại đà tăng ngắn hạn.
Chứng khoán Tiên Phong (TPS): VN-Index xuất hiện áp lực bán mạnh, đồ thị xuất hiện mẫu hình nến nhấn chìm giảm, đây là dấu hiệu đầu tiên của rủi ro điều chỉnh ngắn hạn. Tuy nhiên, dấu hiệu rủi ro này cần có sự xác nhận của thị trường vào phiên 22/7, trong trường hợp VN-index đóng cửa phiên giao dịch 22/7 với điểm số thấp hơn (tín hiệu xác nhận) thì chỉ số VN-index có khả năng mở rộng nhịp điều chỉnh.
Dù vậy, VN-Index vẫn giữ được xu hướng tăng trung hạn với tiềm năng hướng đến 1.600 điểm. Nhịp điều chỉnh sẽ mở ra cơ hội mua cổ phiếu với mức giá hợp lý. Tuy nhiên, chỉ số VN30 break-out khỏi mô hình nêm hướng lên theo chiều tăng. Do vậy VN30 vẫn còn tiềm năng tăng giá mạnh mẽ nếu được hỗ trợ tốt bởi lực cầu tại vùng 1.615 điểm.
Khuyến nghị đầu tư
- FOX (CTCP Viễn thông FPT): Chờ mua.
Trong ngày 16/7, Lễ bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại FPT Telecom từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về Bộ Công an đã được tổ chức.
Năm 2025 công ty đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu là 19.900 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế là 4.200 tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ).
TCBS đánh giá công ty hoàn toàn có khả năng hoàn thành kế hoạch với đà tăng trưởng ở tất cả các mảng kinh doanh chính. Công ty có tình hình tài chính lành mạnh với tỉ lệ cổ tức đều đặn. Nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát đối với mã cổ phiếu này để chờ giải ngân.
- FPT (CTCP FPT): Nắm giữ.
Ngày 21/7/2025 là ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 20:3. Kết quả kinh doanh quý 5 tháng đầu năm 2025, công ty ghi nhận doanh thu đạt 27.056 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 3.613 tỷ đồng (tăng 18,4% so với cùng kỳ).
TCBS đánh giá triển vọng của công ty trong thời gian tới khả quan với việc chính phủ đẩy mạnh việc phát triển nền kinh tế tư nhân kết hợp với việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp được đẩy mạnh. Tình hình tài chính công ty lành mạnh. Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu này.
- VCI (CTCP Chứng khoán Vietcap): Nắm giữ.
Gần đây, công ty đã huy động thành công 41,6 triệu USD - tương đương gần 1,100 tỷ đ thông qua khoản vay hợp vốn không tài sản đảm bảo với các định chế lớn trên thế giới.
TCBS đánh giá, kết quả kinh doanh trong thời gian tới sẽ tăng trưởng khả quan nhờ thanh khoản thị trường tăng trở lại, cùng với kỳ vọng nâng hạng thị trường vào 9/2025, tệp khách hàng nước ngoài lớn, mảng ngân hàng đầu tư, một thế mạnh của công ty, cũng dự báo sẽ sôi động từ cuối năm.
Với luận điểm trên, TCBS khuyến nghị nhà đầu tư đang có vị thế có thể tiếp tục nắm giữ đối với cổ phiếu này.