"NHÀ BĂNG"

Trung Quốc cắt giảm lãi suất thế chấp tham chiếu để thúc đẩy thị trường bất động sản

Admin

Việc cắt giảm lãi suất diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng nỗ lực để phục hồi lĩnh vực bất động sản, vốn là lực cản dai dẳng đối với nền kinh tế nước này.

Ngày 20/5/2025, Trung Quốc đã cắt giảm 10 điểm cơ bản lãi suất tham chiếu chính cho các khoản vay thế chấp trong bối cảnh nỗ lực ổn định thị trường bất động sản.

Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, lãi suất cho vay cơ bản 5 năm (LPR) mà các ngân hàng thương mại sử dụng làm chuẩn mực để thiết lập lãi suất thế chấp của mình, đã được hạ từ 3,6% xuống 3,5%.

Lãi suất cho vay cơ bản 1 năm, lãi suất tham chiếu cho các khoản vay của doanh nghiệp, cũng được cắt giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 3,0%.

Việc cắt giảm lãi suất này diễn ra sau thông báo của Ngân hàng trung ương vào đầu tháng này về việc cắt giảm lãi suất repo đảo ngược 7 ngày 10 điểm cơ bản xuống còn 1,4%, mà theo Thống đốc Ngân hàng trung ương Pan Gongsheng cho biết có khả năng sẽ dẫn đến mức giảm tương tự đối với lãi suất thế chấp tham chiếu.

Tháng 10/2024 là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực để phục hồi thị trường bất động sản của Trung Quốc, vốn đã là lực cản lâu dài đối với nền kinh tế sau khi các vấn đề về khả năng thanh toán xuất hiện ở một số nhà phát triển bất động sản lớn.

Trung Quốc đã đặc biệt chú trọng vào lĩnh vực này trong năm nay trong khi tìm cách thúc đẩy cầu trong nước và đảm bảo sự ổn định kinh tế trong bối cảnh rủi ro bên ngoài gia tăng dưới nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump.

Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng ANZ cho biết, dữ liệu bất động sản mới nhất "không cho thấy dấu hiệu rõ ràng nào về sự phục hồi", đồng thời lưu ý rằng việc cắt giảm chỉ 10 điểm cơ bản đối với LPR là không đủ để khuyến khích việc mua nhà trong bối cảnh giảm phát.

Ngày 19/5, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết đầu tư bất động sản tiếp tục giảm trong 4 tháng đầu năm, với mức giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 9,9% trong quý đầu tiên.

Doanh số bán bất động sản theo diện tích sàn cũng giảm 2,8% trong 4 tháng đầu tiên, sau khi giảm 3% trong quý đầu tiên.

Trong khi đó, giá nhà mới tại 4 thành phố hạng nhất của Trung Quốc không đổi trong tháng 4, sau khi tăng 0,1% vào tháng 3, theo dữ liệu từ Cục thống kê đối với 70 thành phố lớn và vừa.

Giá nhà tại các thành phố hạng hai cũng không đổi, trong khi giá tại các thành phố hạng ba giảm 0,2%.

“Dữ liệu trong những tháng gần đây cho thấy tốc độ suy giảm nhìn chung chậm hơn”, Lynn Song, kinh tế trưởng của Greater China tại ING cho biết trong một lưu ý ngày 19/5.

“Chắc chắn có những tia hy vọng ở từng thành phố, nhưng sự thay đổi trên toàn quốc vẫn chưa được xác nhận”.

Vào thời kỳ hoàng kim cách đây một thập kỷ, lĩnh vực bất động sản chiếm gần ¼ GDP của Trung Quốc, bao gồm tác động đối với các ngành vật liệu và các ngành công nghiệp như đồ gia dụng và dịch vụ trang trí.

Các nhà chức trách Trung Quốc, trong khi cố gắng cứu các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn bằng nguồn cung tín dụng nhiều hơn, đã trông cậy vào việc tái thiết đô thị và nhà ở công cộng để bù đắp cho sự suy giảm của lĩnh vực này.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Zhao Chengfeng, người đứng đầu bộ phận đầu tư tài sản cố định của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, đã cam kết sẽ tăng nguồn tài trợ của chính quyền trung ương cho việc đổi mới đô thị, với nguồn tài trợ được phân bổ trước cuối tháng 6 để đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Đơn vị hoạch định kinh tế hàng đầu cho biết cũng đã đẩy nhanh việc phê duyệt các khoản đầu tư khác, bật đèn xanh cho 27 dự án lớn với tổng vốn đầu tư là 573,7 tỷ Nhân dân tệ (79,4 tỷ đô la Mỹ) trong 4 tháng đầu tiên.

Bà Huang Zichun, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics cho biết, trong khi đợt cắt giảm lãi suất mới nhất có thể làm giảm áp lực lên các công ty mắc nợ, thì “chỉ riêng việc cắt giảm lãi suất ở mức khiêm tốn như vậy chưa có khả năng thúc đẩy nhiều nhu cầu tín dụng”.

“Giảm phát sâu hơn có nghĩa là lãi suất cho vay thực tế sẽ vẫn cao hơn mức trung bình dài hạn”, bà Huang cho biết trong một lưu ý. “Do đó, gánh nặng hỗ trợ nhu cầu chủ yếu nằm ở chính sách tài khóa”.

Nhưng bà cũng lưu ý rằng, xét đến xung đột thương mại với Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt như hiện nay, Bắc Kinh có thể ít có xu hướng mở rộng hỗ trợ tài khóa vượt quá ngân sách năm được công bố vào đầu năm nay.