GIỚI CHỦ

Từ cái áo, chiếc ghế đầu tiên làm từ cà phê... DN Việt Nam đã tận dụng thiên nhiên và sản xuất được quy mô công nghiệp

Admin

1 DN Việt Nam được biết vừa sản xuất và thương mại hóa Silica từ trấu với quy mô công nghiệp đầu tiên trên thế giới.

Công ty công nghệ khí hậu AirX Carbon vừa giới thiệu NetZero Pallet - giải pháp pallet carbon âm tính được sản xuất từ xơ dừa, vỏ cà phê và các phế phẩm nông nghiệp khác. Giải pháp pallet carbon âm tính “Made in Vietnam” này đã được Coca-Cola, Olam, Hyosung ứng dụng trong hệ thống kho vận hiện đại.

Ông Lê Thanh - CEO AirX Carbon - từng được biết đến qua chương trình Shark Tank với chiếc giày làm bằng cà phê. Thời điểm này, ShoeX có thể xem là một trong số doanh nghiệp tiên phong sử dụng nguyên liệu tự nhiên để chế tạo thành phẩm.

Ngay cao điểm dịch, ông Lê Thanh với AirX tiếp tục cho ra mắt khẩu trang làm từ cà phê và tạo thành cơn sốt. Hiện, AirX vẫn bán hàng ngàn chiếc AirXCoffee Mask (loại mặt nạ tái sử dụng làm từ cà phê) mỗi ngày cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm 2023, AirX ra mắt nguyên liệu carbon âm tính từ cà phê đầu tiên trên thế giới. Trong đó, để đưa dự án cà phê của mình lên cấp độ tiếp theo là PP carbon âm tính, ông Thanh đã đầu tư khoảng 1,5 triệu USD để nghiên cứu vật liệu trong suốt 3 năm qua.

Và dự án lần này, NetZero Pallet đã được sản xuất quy mô công nghiệp tại nhà máy công nghệ cao của AirX Carbon tại tỉnh Bình Dương, công suất 1,5 triệu pallet mỗi năm.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh pallet gỗ với công suất khoảng 85 triệu pallet/năm. Trong đó, khoảng 70-80% sản lượng pallet xuất khẩu, còn lại phục vụ nhu cầu trong nước.

Ngoài hợp tác chiến lược với The Coca-Cola Hoa Kỳ, AirX còn nhận được quan tâm từ nhiều đối tác lớn khác như NPC Korea, Hyosung, Olam International, Pakko Australia…

Trong lĩnh vực dệt may, từ việc nghiên cứu tự chủ công nghệ sợi tự nhiên, doanh nghiệp Việt Nam hiện đã sản xuất được quy mô công nghiệp và bán hàng cho nhiều tập đoàn thế giới.

Đơn cử, Công ty Faslink vừa ra mắt PINALINA™, dòng vải tự nhiên cao cấp được chiết tách từ lá dứa.

Được biết, Việt Nam hiện đang có hơn 47.000 ha dứa, với lượng lá bỏ đi lên đến 1,7 triệu tấn mỗi năm. Tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên này, PINALINA™ hiện đang xây dựng công suất cho 1.500 tấn vải/năm, tương đương 125 tấn/tháng.

Về Faslink, Công ty thành lập từ năm 2008, được hợp nhất từ CTCP May mặc Xuân Phương Nam và Công ty Vải sợi May mặc An Thuận Phát. Doanh nghiệp là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam cung cấp đồng phục may đo cho các doanh nghiệp lớn. Năm 2019, Faslink là công ty đầu tiên trên thế giới thương mại thành công được polo, sơ mi từ sợi café. Hoặc như vải sợi sen, Công ty cũng là những người tiên phong trên thế giới làm ra chiếc sơ mi sen…

Trong chia sẻ gần nhất, CEO là bà Trần Hoàng Phú Xuân nhấn mạnh trăn trở về ngành dệt may Việt Nam sau hành trình hàng chục năm chuyển đổi xanh: muốn thoát “kiếp gia công”. Hiện, Faslink các dòng vải từ sợi cà phê, sợi sen, tre, dứa..., đồng hành với 500 thương hiệu.

Ảnh: Bà Trần Hoàng Phú Xuân nhấn mạnh trăn trở về ngành dệt may Việt Nam sau hành trình hàng chục năm chuyển đổi xanh: muốn thoát “kiếp gia công”.

Hay Công ty BSB Nanotech cũng đã ra mắt bộ sản phẩm BY-O-COAT. BSB Nanotech là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới sản xuất và thương mại hóa Silica từ trấu với quy mô công nghiệp, thay thế cho nguồn silica khai thác từ cát và thạch anh vốn gây tác động lớn đến môi trường.

Tương tự lá dứa, trấu cũng là một phụ phẩm nông nghiệp dồi dào tại các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo BSB Nanotechm silaca từ trấu không chỉ có chi phí tối ưu, bảo vệ môi trường mà còn cho sản phẩm có độ tinh khiết cao hơn sản phẩm thông thường.

Đại diện BSB Nanotech cho biết thêm, công suất nhà máy đã đạt trên 1.000 tấn Silica từ trấu/năm. Hiện, nhà máy chủ động kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường và có thể nâng công suất nhờ chủ động công nghệ thiết bị và mặt bằng sản xuất (hiện mới sử dụng 35% diện tích quy hoạch sản xuất, dữ trữ vài chục nghìn m2 cho kế hoạch phát triển).

Tựu chung, việc nghiên cứu giải pháp và sản xuất sản phẩm từ thiên nhiên đang là xu thế chung toàn cầu. Điều này còn đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi xu hướng tiêu dùng bền vững của khách hàng.