Cần biết

Từng tiêu xài hoang phí, giờ lại tiết kiệm được 100 triệu đồng chỉ trong 6 tháng: Cô gái 25 tuổi đăng 1 bức ảnh khiến tất cả tâm phục khẩu phục

Admin

Tính ra mỗi tháng, cô gái này tiết kiệm được 16,6 triệu đồng.

“Vung tay quá trán” nên hết cả tiền, thấy không ổn nên mới bắt đầu học cách chi tiêu, tiết kiệm. Có lẽ, đây là lộ trình tiết kiệm đúng với khá nhiều người, bởi chỉ đến khi rỗng túi, người ta mới thấy hối hận vì những lần tiêu hoang.

Cô gái 25 tuổi trong câu chuyện dưới đây cũng là một trường hợp như vậy. Đến khi quyết tâm tiết kiệm, kết quả có phần rất mỹ mãn.

6 tháng tiết kiệm được 100 triệu đồng, bảng chi tiêu tiết lộ nhiều khoản đáng nể!

Trong bài đăng của mình, cô có viết: “Em là nữ 25 tuổi, con cả, chưa có ý định kết hôn trong ít nhất 2 năm tới. Hiện tại thu nhập của em khoảng 20 triệu đồng/tháng, em làm công việc văn phòng.

Trước đó em tiêu xài rất hoang phí nên không tiết kiệm được đồng nào. Em vẫn gửi tiền về cho gia đình thường xuyên, chỉ là chưa tiết kiệm cho bản thân. Nửa năm trở lại đây, em mới bắt đầu tiết kiệm, hiện tại được khoảng 100 triệu đồng.

Mỗi tháng em tiết kiệm khoảng 50-60% thu nhập, gửi cho mẹ 2 triệu đồng nhưng em giữ luôn khoản này hộ mẹ.

Em có một số câu hỏi mong nhận được tư vấn của anh chị ạ. Với tài chính này, em chưa mơ tới việc sở hữu nhà ở Hà Nội, nên chưa có ý định kết hôn, thì em nên làm gì với khoản tiết kiệm ạ? 

Em tính mua vàng, chuyển hết tiền tiết kiệm thành vàng. Về đầu tư thì em chưa có kinh nghiệm gì, em cũng không muốn rủi ro, em là người sống khá an toàn. Em tính nghỉ việc giữa năm nay để tìm 1 công việc khác. Bởi hiện tại công việc này em không học thêm được gì, mặc dù lương khá ổn. Em không chắc công việc mới sẽ ổn, em đang tính trau dồi thêm kiến thức để nhảy việc”.

Bức ảnh bảng chi tiêu của cô trong 1 tháng

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người phải khen nỗ lực tiết kiệm của cô gái này. Từng tiêu xài hoang phí mà giờ lại có thể để dành 100 triệu chỉ trong vòng 6 tháng, đây rõ ràng không phải điều đơn giản. Vậy là tính ra trung bình 1 tháng, cô tiết kiệm được 16,6 triệu đồng.

“Ghi chép chi tiêu càng chi tiết thì càng dễ kiểm soát và tính toán mới chuẩn em ạ. Em làm bảng kê thế này là hợp lí rồi, nhưng chị góp ý chút là khoản phát sinh mình có thể tăng thêm xíu. Tiền ăn cũng vậy nếu hiện tại ăn uống chưa đủ chất thì cũng nên tăng. Còn lại thì ổn rồi” - Một người chia sẻ.

“Nếu định nhảy việc thì đừng mang hết tiền đi mua vàng em ạ. Phải giữ lại 1 khoản tiền mặt để phòng khi thất nghiệp nữa. Sợ rủi ro thì gửi tiết kiệm ngân hàng và mua vàng là an toàn nhất rồi” - Một người khuyên.

“Mình lương 40-50 triệu đồng 1 tháng nhưng cũng chỉ tiết kiệm được 25 triệu đồng/tháng là tối đa. Giờ cũng chưa được 100 triệu nữa, bạn này giỏi thật” - Một người khen.

2 điều nên lưu tâm để tối ưu khoản tiền tiết kiệm mỗi tháng

1 - Không "bỏ hết trứng vào một giỏ"

"Không bỏ hết trứng vào một giỏ" là nguyên tắc khá phổ biến của những nhà đầu tư. Bằng cách để vốn vào nhiều loại hình đầu tư khác nhau, chúng ta có thể dàn trải rủi ro và tránh bị động khi có biến cố tài chính.

Ảnh minh họa

Với số tiền để dành được mỗi tháng, bạn có thể phân bổ chúng làm 4 phần: Gửi tiết kiệm dài hạn, xây dựng quỹ dự phòng, mua vàng, đầu tư.

Tùy vào mục tiêu cũng như khẩu vị rủi ro mà tỷ lệ của 4 khoản trên có thể khác nhau. Nhưng việc phân bổ số tiền dư ra mỗi tháng vào 4 khoản ấy vừa giúp bạn có tài sản dài hạn (vàng), vừa có nguồn tiền sinh lời (gửi tiết kiệm, đầu tư) và vừa có tiền đề phòng những tình huống cấp bách, đột xuất (dự phòng).

2 - Chọn hình thức đầu tư chậm mà chắc

Nếu không có nhiều kiến thức và kinh nghiệm đầu tư, hình thức đầu tư ít rủi ro nhất chính là đầu tư chứng chỉ quỹ. Tuyệt đối tránh xa các loại hình đầu tư "cam kết lãi, đầu tư nhanh', vì khả năng mất sạch là khá cao, nhất là với những người chưa vững tâm lý trước biến động thị trường.

Nếu bạn chưa biết: Chứng chỉ quỹ là một dạng đầu tư thụ động, được thiết kế dành cho những người chưa biết gì hoặc chưa biết nhiều về thị trường đầu tư. Bạn có thể hiểu đơn giản rằng chứng chỉ quỹ giống như một cái rổ, trong đó có chứa các mã cổ phiếu nhất định, được chọn lọc bởi các nhà quản lý chứng chỉ quỹ.

"Mua chứng chỉ quỹ giúp giảm thiểu tối đa sai lâm trong đầu tư với những nhà đầu tư F0. Bạn càng đưa ra nhiều quyết định mua bán, giao dịch cổ phiếu, cơ hội để bạn mắc sai lầm càng cao. 

Lựa chọn công ty để đầu tư chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Nếu kiến thức chưa đủ vững, bạn nên đầu tư chứng chỉ quỹ, vì danh mục đầu tư đã được cái chuyên gia/nhà quản lý chứng chỉ quỹ đánh giá, chọn lọc giúp cho bạn rồi" - Anh Gerard Do, Người quản lý hệ sinh thái khởi nghiệp tại Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, đồng thời là tác giả cuốn sách Nguyên tắc cơ bản trong đầu tư, khẳng định.