Ảnh minh họa
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2024 với lượng tiền gửi khách hàng tính đến ngày 31/12/2024 đạt kỷ lục hơn 1,953 triệu tỷ đồng, tăng gần 248.500 tỷ đồng (tương đương 14,6%) so với hồi đầu năm. Riêng trong quý 4/2024, tiền gửi khách hàng của BIDV tăng thêm gần 79.500 tỷ đồng và là ngân hàng hút được nhiều tiền gửi nhất trong quý 4 cũng như cả năm 2024.
Nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng như năm 2024, BIDV sẽ đạt được quy mô tiền gửi 2 triệu tỷ đồng ngay trong nửa đầu năm 2025 và trở thành ngân hàng đầu tiên của Việt Nam đạt được cột mốc này.
Số dư tiền gửi khách hàng của BIDV hiện đứng đầu toàn ngành ngân hàng và gần bằng tổng tiền gửi của 4 ngân hàng tư nhân lớn nhất là Sacombank, ACB, Techcombank và VPBank cộng lại.
Trước đó, BIDV cũng là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam đạt quy mô tài sản 100 tỷ USD. Đồng thời là nhà băng dầu tiên có dư nợ cho vay khách hàng vượt 2 triệu tỷ đồng.
Đi sâu vào cấu trúc tiền gửi của BIDV, tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng này vào cuối năm 2024 ở mức gần 380.300 tỷ đồng, chiếm 19,5% tổng tiền gửi và tăng 13,8% so với cuối năm 2023. Tiền gửi có kỳ hạn đạt gần 1,56 triệu tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng tiền gửi và tăng 14,7% so với cuối năm 2023. Phần còn lại là tiền gửi vốn chuyên dùng và tiền gửi ký quỹ.
Cùng với BIDV, Agribank nhiều khả năng cũng sẽ đạt mốc 2 triệu tỷ đồng tiền gửi khách hàng trong năm 2025.
Số liệu được công bố gần nhất cho thấy ngân hàng này nhận gần 1,838 triệu tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2024. Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý 4, song ban lãnh đạo ngân hàng này cho biết tổng huy động vốn trên thị trường 1 (bao gồm phát hành giấy tờ có giá) vào cuối năm 2024 đạt trên 2 triệu tỷ đồng.
Xếp sau Agribank là VietinBank với 1,606 triệu tỷ đồng và Vietcombank với 1,514 triệu tỷ đồng. Như vậy, tổng tiền gửi của nhóm Big4 vào cuối năm 2024 ước đạt khoảng 7 triệu tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng tiền gửi của toàn hệ thống ngân hàng.
Đứng sau nhóm Big4, MB huy động được hơn 714.000 tỷ đồng tiền gửi tại thời điểm 31/12/2024, tăng 25,8% so với cuối năm 2024. Với mức tăng trên, MB đứng đầu toàn ngành về khả năng hút tiền gửi trong năm vừa qua.
Bên nhóm tư nhân, Sacombank dẫn đầu về quy mô tiền gửi khách hàng với 566.882 tỷ đồng, tăng trưởng 11% trong năm 2024. Tiếp theo đó là ACB (537.305 tỷ đồng), Techcombank (533.392 tỷ đồng), SHB (499.897 tỷ đồng) và VPBank (485.667 tỷ đồng).
Trong năm 2024, chỉ có duy nhất một ngân hàng trên sàn chứng khoán ghi nhận số dư tiền gửi khách hàng sụt giảm là ABBank. Ở chiều ngược lại, có tới 17/27 ngân hàng tăng trưởng tiền gửi hai con số, đơn cử như MB (tăng 25,8%), NCB (tăng 25,1%), PGBank (tăng 21,3%), LPBank (tăng 19,3%) và HDBank (tăng 18%),...
Năm 2024, dù tăng trưởng tiền gửi vẫn tương đối tốt nhưng ở hầu hết ngân hàng, tốc độ tăng vẫn thấp hơn khá nhiều so với quy mô tín dụng. Tình trạng này thúc đẩy các ngân hàng tăng cường phát hành giấy tờ có giá như trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi.
Theo ước tính của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), lượng trái phiếu ngân hàng phát hành năm 2024 đạt khoảng 302.881 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2023 và chiếm 2/3 tổng giá trị trái phiếu phát hành mới toàn thị trường.
SHS cho rằng để bù đắp cho chênh lệch giữa tín dụng và huy động, các ngân hàng đã gia tăng phát hành giấy tờ có giá, kéo dài kỳ hạn phát hành. Điều này không chỉ giúp xử lý vấn đề nguồn tiền mà còn hỗ trợ điều chỉnh tỷ lệ LDR và SFL theo quy định. Tuy nhiên, hệ quả từ việc này là hệ thống phải chịu thêm chi phí vốn lớn cho việc phát hành cũng như gây ra áp lực bào mòn tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của hệ thống khi thiếu hụt nguồn huy động tương ứng.