Cần biết

Xu hướng chi tiêu “sạch túi” ở Gen Z

Admin

Gen Z hiện nay không còn “khổ trước sướng sau”, họ định nghĩa cuộc sống là chỉ một lần, nên họ vừa kiếm tiền vừa tận hưởng cuộc sống.

Thế hệ khó mua được nhà

Theo công bố của Bộ Xây dựng về giá giao dịch căn hộ chung cư trong quý II/2024, khảo sát và tổng hợp báo cáo của một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh thì giá căn hộ chung cư tăng trung bình khoảng từ tăng 5% đến 6,5% trong quý II và 25% theo năm tùy từng khu vực và vị trí, giá bán chung cư tăng không chỉ ở những dự án mới mở bán mà còn ở nhiều căn hộ cũ, đã được qua sử dụng nhiều năm.

Với mức giá chung cư dao động từ 50 đến 80 triệu đồng/m2, nguồn cung căn hộ bình dân trên thị trường hầu như không có. Mức giá này tạo ra một áp lực tài chính nặng nề đối với những người có thu nhập trung bình và thấp, khiến cho việc sở hữu một ngôi nhà riêng trở nên đầy thách thức và khó khăn.

Việc mua nhà hay sở hữu căn chung cư là điều xa vời đối với thế hệ Gen Z (Ảnh: Hữu Thắng).

Theo báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê cho biết, mức lương trung bình của người lao động Hà Nội là 10,7 triệu đồng. Với một căn chung cư khoảng 65 m2, ít nhất người mua nhà sẽ phải bỏ ra ít nhất khoảng hơn 3,2 tỷ đồng.

Như vậy, nếu chỉ dựa vào tiền tích cóp từ mức lương cơ bản, kể cả khi giá nhà không tăng, không tính đến lạm phát và chỉ dành toàn bộ tiền lương cho việc mua nhà thì cũng phải mất hơn 20 năm người lao động mới có được ngôi nhà riêng. 

Tuy nhiên, tất cả các điều kiện trên đều không thể xảy ra, chưa kể với mức lương hơn 10 triệu đồng cũng khó có thể đảm bảo chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở các thành phố lớn.

“Chữa lành” được nổi lên gần đây như một cụm từ thường được dùng bởi Gen Z.

Từ khóa “chữa lành” được nổi lên gần đây như một cụm từ thường được dùng bởi Gen Z, điều này có thể thấy Gen Z đang quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe tinh thần. 

Các hoạt động để chữa lành tâm lý của Gen Z cũng rất đa dạng từ nghe podcast, du lịch chữa lành, các khóa thiền ngắn hạn, sống gần với thiên nhiên, bỏ phố về quê, xem tarot… Có thể nói, những hoạt động này cũng tốn một phần không nhỏ trong chi phí sinh hoạt của Gen Z.

Khác với Xuân, ngay sau khi ra trường và đi làm được khoảng 2 năm, Minh Phương (24 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết với mức thu nhập trung bình tháng khoảng 9 triệu đồng, cô nàng sẽ “bỏ túi” tiết kiệm khoảng 2 triệu mỗi tháng. Tuy nhiên, Phương cũng cho biết mức chi tiêu của bản thân là tiết kiệm so với đồng trang lứa. Đồng thời, bạn nữ Gen Z cảm thấy may mắn vì chi phí nhà ở và ăn uống vẫn được gia đình hỗ trợ.

“Có những tháng mình chi tiêu quá đà, như đi du lịch hay mua sắm đồ công nghệ. Khi đó, mình bị thiếu hụt tiền và phải vay mượn bạn bè hoặc cắt giảm chi tiêu ở tháng sau để bù lại”, Minh Phương tâm sự.

Hiện tại, cô nàng sử dụng tiền tiết kiệm để tập trung đầu tư vào chính bản thân như đăng ký khóa học, trải nghiệm… Theo Phương, khoản đầu tư cho bản thân chính là khoản đầu tư lâu dài.

Lỗi của người lớn, không phải của Gen Z!

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng có 2 lý do căn cơ cho xu hướng hướng tiêu hiện tại của Gen Z.

Đầu tiên là việc Gen Z không được trang bị những kiến thức về quản lý tài chính cá nhân trong quá trình giáo dục phổ thông và đại học. Theo đó, hiện tại ở các nước phát triển thì môn học quản lý tài chính cá nhân sẽ nằm trong chương trình tự chọn và cả bắt buộc.

Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT.

Dù tiền xuất hiện trong hầu hết các hoạt động hàng ngày nhưng vì thiếu kiến thức dễ dẫn Gen Z đến tình trạng lừa đảo tài chính, vay nặng lãi, xài thẻ tín dụng vô tổ chức và đầu tư thua lỗ…

“Chúng ta không dạy cho Gen Z bất kỳ một điều gì về tài chính cá nhân thì việc các bạn tiêu tiền vô tổ chức và thiếu khoa học là chuyện đương nhiên. Và lỗi ở đây là của người lớn chứ không phải của Gen Z!”, ông Ngô Thành Huấn nhấn mạnh.

ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT
Chúng ta không dạy cho Gen Z bất kỳ một điều gì về tài chính cá nhân thì việc các bạn tiêu tiền vô tổ chức và thiếu khoa học là chuyện đương nhiên. Và lỗi ở đây là của người lớn chứ không phải của Gen Z!

Đặc biệt, ông Huấn cũng lý giải sự phát triển kinh tế và mức sống ngày càng cao của xã hội khiến Gen Z không được rèn luyện các kỹ năng tiết kiệm, chắt chiu như các thế hệ trước.

“Chính thế hệ 6x và thế hệ 7x đã tạo ra một thế hệ Gen Z như hiện tại, Gen Z không có bất kỳ lỗi gì trong đây cả! Không được dạy, được chăm sóc từ nhỏ, được sung sướng thì đương nhiên Gen Z sẽ không biết cách quản lý chi tiêu”.

Nói về việc Gen Z gặp khó trong việc mua nhà, ông Huấn đánh giá việc giá nhà cao sẽ thúc đẩy mọi người tìm hướng đầu tư khác thay vì từ bỏ mục tiêu đó. Tuy nhiên, vị CEO này cũng lý giải nguyên nhân của xu hướng trên do Gen Z tăng chi tiêu quá nhiều ở thời điểm hiện tại và sẽ lãng phí những cơ hội đầu tư trong tương lai.

Gen Z bất ngờ rủ nhau tiết kiệm: Điều gì xảy ra nếu mỗi ngày tiết kiệm 200.000 đồng?

“Trong thuật ngữ về mặt tài chính, đây là hội chứng Present Bias (sự thiên vị hiện tại). Vì không có những kiến thức đúng về mặt tài chính nên con người thường có phản xạ chi tiêu với những nhu cầu ngắn hạn mà không có kế hoạch, định hướng đúng cho mục tiêu dài hạn”, ông Huấn chia sẻ.

Trước những xu hướng chi tiêu “đáng báo động” trên, ông Huấn cũng đề xuất với những Gen Z đã đi làm cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng về quản lý tài chính cá nhân thông qua các khóa học, tài liệu trên phương tiện truyền thông.

Đặc biệt, các cơ quan quản lý giáo dục cần xem xét việc đưa môn quản lý tài chính cá nhân vào chương trình học bắt buộc, từ cấp tiểu học đến đại học. Cần tăng cường giảng dạy kiến thức cơ bản về tài chính cá nhân giúp người dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ có được nền tảng vững chắc để tránh những sai lầm trong việc quản lý tài chính.

Thanh Loan